12/06/2008 - 22:35

Chất lượng rượu - báo động đỏ !

Trong 2 tháng (tháng 4 và 5-2008), thống kê chưa đầy đủ đã có hơn 20 người ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL tử vong vì nghi ngờ ngộ độc rượu methanol. Trong đó thành phố Cần Thơ, cũng có 4 trường hợp tử vong. Tình trạng ngộ độc vì rượu đang có chiều hướng gia tăng. Trong khi đó, việc quản lý chất lượng rượu gần như bị thả nổi, đến khi có nhiều nạn nhân tử vong thì ngành chức năng mới bắt đầu vào cuộc.

Tử vong, loạn thần vì rượu

Tết là dịp để mọi người vui vẻ, sum họp người thân, bạn bè và rượu là một thức uống được nhiều người dùng. Cũng từ đó mà ngộ độc rượu thường xảy ra vào thời điểm này. Trong năm 2007, bình quân mỗi tháng Bệnh viện Tâm thần Cần Thơ khám, điều trị cho 10 ca rối loạn tâm thần do rượu. Nhưng chỉ tính từ ngày 25-1 đến 15-2-2008 (nhằm ngày 18-12 âm lịch đến mùng 9 Tết Mậu Tý), bệnh viện (BV) đã tiếp nhận 17 ca rối loạn tâm thần do rượu, tăng 200% so với thời điểm trước đó.

Bệnh rối loạn tâm thần do rượu thường xảy ra ở những người lạm dụng rượu hoặc nghiện rượu. Nhưng có những người không phải lạm dụng rượu, nghiện rượu cũng phải nhập viện vì ngộ độc rượu. Ngày 28-4-2008, khoa Cấp cứu tổng hợp (CCTH), Bệnh viện Đa khoa Trung ương (BVĐKTƯ) Cần Thơ tiếp nhận đến 4 bệnh nhân (BN) (1 ở thành phố Cần Thơ và 3 ở tỉnh Hậu Giang) nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, tuột huyết áp, hôn mê, rối loạn tri giác... Sau khi tiến hành các xét nghiệm cần thiết kết hợp với khai thác bệnh sử, các bác sĩ nghi ngờ BN bị ngộ độc rượu do độc chất. Bác sĩ Lưu Minh Vũ cho biết: “Do hiện nay chưa có phương tiện xét nghiệm độc chất methanol nên chúng tôi chỉ dựa trên những biểu hiện lâm sàng. Ngoài ra, kinh nghiệm của bản thân tôi, nếu cùng nhậu chung trong một bàn nhậu mà hàng loạt người bị ngộ độc thì có thể là ngộ độc methanol. Vì tửu lượng mọi người khác nhau nên không thể cùng lúc vào nhập viện, chỉ do độc chất mới khiến ngộ độc hàng loạt như vậy”.

Sự việc chưa dừng lại ở đó, trong tháng 5, liên tiếp hơn mười BN ở tỉnh Hậu Giang, tỉnh Vĩnh Long, thành phố Cần Thơ nhập viện với các triệu chứng: suy hô hấp, tuột huyết áp, hôn mê, rối loạn tri giác... rồi tử vong. Người nhà BN khai báo trước đó vài ngày các BN đều có uống rượu. Ông Đàm Hồng Hải, Thanh tra An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế Cần Thơ, cho biết: “Hai nguyên nhân chính gây nên ngộ độc rượu. Thứ nhất là rượu ethanol, tuy là rượu nấu từ tinh bột lên men nhưng nếu uống quá nhiều cũng gây nên ngộ độc rượu ethanol. Thứ hai là do rượu có tạp chất hoặc hóa chất độc hại. Gần đây, một số người làm rượu “dỏm” pha chế đường hóa học, nước màu, hương liệu, methanol, diethylen glycol... thành rượu. Methanol, diethylen glycol là hai loại hóa chất cực độc, chỉ cần một liều nhỏ cũng có thể gây chết người”.

Tình trạng ngộ độc rượu đã diễn ra nhiều năm. Nhưng chưa có năm nào số người tử vong vì rượu nhiều như năm nay. Đau xót nhất là những người tử vong đều là những thanh niên, lao động chính trong gia đình. N.V.H, ngụ ấp Tân Long A, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang nhập viện ở BVĐKTƯ Cần Thơ ngày 16-5 và sau đó H. tử vong vì uống vài ly rượu trong đám giỗ cha mình. Anh Hào, anh trai của bệnh nhân buồn rầu nói: Trong đám giỗ, ông chủ quán rượu ngang nhà mang rượu sang cúng. Gần 20 người trong đám giỗ uống chỉ có 4 lít rượu... vậy mà giờ đây... Gia đình H. rất nghèo. H. mất đi, vợ và hai đứa con nhỏ không biết sống ra sao.

Anh N.V.H. đang nằm điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ (ảnh chụp ngày 17-5-2008). Ảnh: D.L 

Đối với ngộ độc rượu ethanol, BVĐKTƯ Cần Thơ hoàn toàn có thể xét nghiệm, đo nồng độ cồn trong máu. Bác sĩ Lưu Minh Vũ, Phụ trách khoa CCTH, BVĐKTƯ Cần Thơ, cho biết: Nếu BN ngộ độc rượu ethanol không có kèm theo bệnh lý, nhập viện khi chưa có những biến chứng ethanol, chưa suy hô hấp nặng thì tỷ lệ điều trị thành công cao. Tuy nhiên, nhiều người trong khi nhậu không ăn nên rất dễ bị hạ đường huyết. Tình trạng hạ đường huyết kéo dài, mức độ điều trị thành công không cao, nếu BN có được cứu sống thì cũng phải sống đời sống thực vật hoặc rối loạn tâm thần.

Còn với ngộ độc rượu methanol, BN thường có các triệu chứng: mờ mắt, có người không nhìn thấy, chóng mặt, nôn... Bác sĩ Lưu Minh Vũ cho biết: “Nếu BN vào BV sớm, chưa xuất hiện các biến chứng, chúng tôi điều trị ngay khi biến chứng vừa xuất hiện, có thể cứu sống được BN, nhưng tổn thương các bộ phận trong cơ thể là khó tránh khỏi”.

Trong khi đã có hơn 20 người ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL tử vong vì nghi ngờ ngộ độc rượu methanol nhưng người dân vẫn còn chủ quan với rượu. H., một kỹ sư xây dựng ở quận Cái Răng nói: “Ở Việt Nam có cả triệu người uống rượu, mới chỉ có vài chục người chết vì nghi ngờ ngộ độc rượu thì ăn thua gì?”. Tuy nói vậy nhưng H. thú nhận: Gần đây anh chuyển sang uống những rượu có thương hiệu và nguồn gốc. Nhưng đó là do những tiệc rượu do anh chủ chi, còn những tiệc anh ta chỉ là khách thì chủ đãi rượu gì uống rượu đó? Một người thợ xây cho biết: “Tôi nghe nói rượu có pha cồn nên mới bán rẻ, gần đây chuyển sang uống loại rượu 15.000 đồng/lít”. Nhưng khi được hỏi về chất lượng, anh ta nói: “Rượu họ nấu làm sao tôi biết được?”. Không riêng gì người dân, một số chủ tiệm tạp hóa, tiệm rượu vẫn vô tư bán loại rượu kém chất lượng. Bà X, bán rượu ở đường Nguyễn Văn Cừ nối dài cho biết: “nếu nấu bằng gạo, lên men, chưng cất thành rượu thì chủ lò rượu bán từ 15.000 đồng/lít trở lên mới có lời. Nhưng bán giá cao thì khó bán, lời ít nên một số chủ lò rượu pha thêm nước rồi cho thuốc tăng độ cồn. Nhờ thế mà giá rượu bỏ mối chỉ có 7.500 đồng/lít”.

Vô tư chế biến rượu... độc

Ngày 30-5-2008, Đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm quận Ninh Kiều bất ngờ kiểm tra nhà của L.D.H., ở khu vực I, phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tại đây, Đoàn kiểm tra bắt quả tang trong nhà L.D.H. đang sản xuất rượu từ cồn công nghiệp và tìm thấy 30 lít cồn nguyên chất, gần 300 lít rượu đã được pha chế từ cồn, rượu gạo và hương liệu... L. D. H. giải thích: “Tôi sống bằng nghề nấu rượu đã gần 15 năm. Rượu được bỏ mối ở các tỉnh: Vĩnh Long, Hậu Giang, Cần Thơ... với giá từ 6.000-10.000 đồng/lít”. H. cũng khai lấy “rượu” ở cơ sở của G.V.L, phường An Thới, quận Bình Thủy.

Ngày 2-6, Đoàn kiểm tra do Thanh tra Sở Y tế chủ trì đã kiểm tra đột xuất nhà của G.V.L, ở đường Nguyễn Thông. Khi đoàn vừa xuống xe, kêu cửa không thấy chủ nhà ra mở. Các cán bộ công an kéo cửa bước vào nhà đã phát hiện mùi rượu bốc lên nồng nặc làm cho mọi người phải xây xẩm mặt mày, cảm giác buồn nôn, nhức đầu... Qua kiểm tra, trong nhà chỉ có hai can chứa rượu, loại 30 lít. Lượng rượu trong mỗi can chỉ còn lại khoảng phân nửa. G.V.L. cho biết: “Lấy “rượu” từ cơ sở của ông T, ở đường Vành Đai Phi Trường với giá 7.000 đồng/lít để về bán lẻ cho những người ở xóm. Hơn nửa tháng nay, tôi không còn cung cấp “rượu” cho L.D.H. nữa”.

Theo thống kê chưa đầy đủ của các Trung tâm Y tế Dự phòng (TTYTDP) quận, huyện, trên địa bàn thành phố Cần Thơ có khoảng 172 cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh, chế biến rượu. Trong đó có 38 cơ sở nấu rượu thủ công, 134 quán nhậu, tạp hóa có bán rượu nhưng chỉ có các cơ sở sản xuất chế biến rượu có quy mô vừa và nhỏ là có đăng ký công bố tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng khoa VSATTP và Dinh dưỡng TTYTDP TP Cần Thơ, nhìn nhận: “Các hộ gia đình sản xuất rượu thủ công để uống và lấy hèm nuôi cá, nuôi heo. Một số ít gia đình bán ra lối xóm dưới hình thức nhỏ lẻ, địa phương rất khó kiểm soát. Họ pha chế không theo một công thức nào cả, rồi cho ra đủ các loại rượu từ: rượu trắng, rượu nếp trắng, nếp than, rượu thuốc (không rõ nguồn gốc động vật, thực vật,...), rượu pha,... có nhiều tạp chất, hàm lượng aldehyd, methanol cao có thể gây ảnh hưởng sức khỏe của người tiêu dùng, ngộ độc rượu dẫn đến tử vong”.

Làm sao quản lý ?

Chất lượng rượu trong thời gian qua gần như bị thả nổi. Việc kiểm tra các cơ sở nấu và kinh doanh rượu chỉ được thực hiện rải rác trong các đợt chiến dịch và không thường xuyên. Sau khi xảy ra một số trường hợp tử vong nghi ngờ do ngộ độc rượu thì các TTYTDP các quận, huyện mới tăng cường kiểm tra, lấy mẫu đối với các cơ sở sản xuất, chế biến rượu.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn đưa ra giải pháp: “Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP xã, phường, quận, huyện sẽ tiến hành thống kê lại chính xác số cơ sở sản xuất chế biến và kinh doanh rượu đóng trên địa bàn. Sau đó, tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra xử phạt nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh rượu không phép (gọi là rượu lậu); Lấy mẫu kiểm tra chất lượng VSATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu có giấy phép cũng như các sản phẩm rượu lưu hành tại địa phương. Thêm vào đó, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng giúp người dân hiểu về tác hại của rượu; nhất là các loại rượu pha chế không rõ nguồn gốc để tự bảo vệ sức khỏe của mình. Ngoài ra UBND xã, phường cũng cần vào cuộc để hạn chế các cá nhân, hộ gia đình sản xuất rượu thủ công tự tiêu dùng trên địa bàn mình quản lý”.

* * *

Dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc nhưng trên thực tế vẫn chưa thể kiểm soát được tất cả các cơ sở sản xuất, mua bán rượu trên địa bàn thành phố. Và nguy cơ ngộ độc rượu do uống rượu mà uống phải cồn công nghiệp pha với nước lã; rượu chứa nhiều độc chất, tạp chất vẫn đang đe dọa cộng đồng.

NHÓM PHÓNG VIÊN XH-PL

Theo Nghị định 04/2008/NĐ-CP ngày 07/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc “sản xuất, kinh doanh rượu”, rượu thuộc nhóm hàng hóa Nhà nước hạn chế kinh doanh, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh rượu (bán buôn, bán lẻ) phải có giấy phép (giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP, giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm), trừ trường hợp sản xuất rượu thủ công tự tiêu dùng. Tuy nhiên, Nhà nước cũng hạn chế sản xuất rượu thủ công tự tiêu dùng. Nghị định số 45/2005/NĐ - CP ngày 26/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ “Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế” quy định: phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Không công bố tiêu chuẩn chất lượng VSATTP đối với thực phẩm trước khi lưu hành hoặc sản phẩm thực phẩm được lưu hành trên thị trường nhưng không bảo đảm tiêu chuẩn VSATTP như đã công bố; phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao không có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP.

Chia sẻ bài viết