30/12/2007 - 22:30

Từ ngày 1-1-2008, cấm xe 3 - 4 bánh tự chế tham gia giao thông:

Chấp hành nhưng lắm băn khoăn!

Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP (NQ 32) về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông của Chính phủ (ban hành ngày 29-6-2007), có quy định từ ngày 1-1-2008, cấm xe 3 - 4 bánh tự chế lưu thông trên cả nước. Tuân thủ Nghị quyết của Chính phủ, từ ngày mai, 1-1-2008, nhiều người chạy xe lôi xe ba gác ở TP Cần Thơ và cả nước sẽ không còn hành nghề. Nhưng đằng sau đó là “miếng cơm, manh áo” của hàng ngàn con người đang cần được hỗ trợ của chính quyền các cấp...

Nghỉ chạy xe lôi, ba gác: làm gì để sống?

 Anh Thắng, chạy xe lôi ở khu vực Bệnh viện 121, vẫn chưa biết sau ngày 1-1-2008 sẽ chuyển nghề nào để mưu sinh.
Ở Cần Thơ, trước giải phóng đã có xe lôi, ba gác. Sau ngày 30-4-1975, hình thành Hội lao động hợp tác xe lôi, đến năm 1985 thành lập Hợp tác xã (HTX) xe lôi và năm 1997 thành lập HTX vận tải xe thô sơ. Sau hơn 32 năm tồn tại, chiều 28-12-2007, tôi chứng kiến giây phút thật bùi ngùi của những người hành nghề xe lôi, ba gác máy. Một HTX có bề dày, do chính những người nghèo khó chọn nghề xe lôi, ba gác lập ra. Tài sản của ngần ấy năm xây dựng HTX chỉ là 4 cái bàn gỗ, 2 máy đánh chữ đã hư hỏng và hơn 34 triệu đồng tiền quỹ! Nghe ban chủ nhiệm đọc những dòng nói về tài sản, chẳng anh em xã viên nào để ý, điều mà họ cần biết là tương lai sau này sẽ như thế nào. Nhìn những đôi mắt đỏ hoe, giọt nước mắt lăn dài trên đôi gò má gầy gò, sạm nắng của những người đàn ông đã bước qua cái ngưỡng tuổi 40, ai cũng chạnh lòng. Những con người ngày thường cùng chiếc xe lôi, xe ba gác rong ruổi khắp các nẻo đường, đánh vật với nắng, gió, mưa dầm đổi chén cơm, manh áo bằng chính những giọt mồ hôi và sức lực của bản thân để nuôi sống gia đình.

 Những xe ba gác bán hàng kiểu này sắp bị ngưng lưu thông. Người đàn ông bán dưa hấu này chưa biết sử dụng phương tiện nào để buôn bán.
Theo tinh thần NQ 32 Thủ tướng Chính phủ, bắt đầu từ ngày 1-1-2008, xe tự chế 3-4 bánh bị cấm hẳn. Thông tin này không đến đột ngột mà có lộ trình từ cách nay hơn 6 tháng. Và những người hành nghề xe lôi, ba gác máy hầu như ai cũng biết và nhận thức được. Nói như chú Phan Quang Thanh (55 tuổi, nhà ở phường An Hội, quận Ninh Kiều) - chạy xe ba gác đạp: “Anh em xe lôi máy, ba gác máy thì vô hợp tác xã. Tui chỉ cọc cạch chiếc ba gác đạp ai kêu gì chở nấy ngày kiếm 3-4 chục ngàn. Giờ lệnh cấm thì chấp hành thôi. Mình vì cái chung của xã hội mà”. Nói đoạn chú Thanh đưa tay vuốt nhẹ thành xe: “Làm bạn với nó cũng vài chục năm. Quen với việc sáng sớm đẩy nó ra, lau chùi rồi lên đường “kiếm cơm”, tối về nhà khóa lại mới an tâm. Giờ chỉ có nước đem về nhà dựng đó làm kỷ niệm”.

Cũng đồng quan điểm với chú Thanh, anh Mai Văn Triều, xã viên HTX xe lôi quận Ninh Kiều, bày tỏ: “Quy định là phải chấp hành. Nhưng Nhà nước cũng cần nhanh chóng giúp anh em tụi tui có bước chuyển nghề để cuộc sống và thu nhập không bị xáo trộn, ảnh hưởng”. Đó không chỉ là điều bận tâm của riêng anh Triều mà là nỗi lòng của đa số anh em hành nghề xe lôi, ba gác.

Chưa có “cần câu” !

Tính đến ngày 28-12-2007, HTX Vận tải xe lôi quận Ninh Kiều có tổng số 479 xã viên (trước đây con số này phải gấp 3 lần), trong đó số xã viên chạy xe lôi máy là 423 người, ba gác máy 46 và 19 người chạy xe lôi đạp. Nếu tính luôn cả số xe không đăng ký, chạy chui, xe ba gác đẩy... thì hiện nay số người hành nghề xe lôi, ba gác phải trên con số 1.000 người.

Theo ông Phan Văn Quan, Phó Chủ nhiệm HTX Vận tải xe lôi quận Ninh Kiều, đa phần anh em xã viên đều có thâm niên gắn với nghề từ chục năm trở lên, thậm chí có người gắn bó với nghề xe lôi từ trước giải phóng. Cuộc sống và gia cảnh anh em làm nghề này chẳng mấy khá giả, chỉ đủ chi phí cuộc sống hằng ngày là mừng. Ông Lâm Văn Đẹp, chạy xe lôi 20 năm, nhà 4 miệng ăn đều trông chờ vào từng cuốc xe của ông. Hiện nay cả gia đình ông Đẹp (4 người) sống trong căn phòng thuê diện tích khoảng 20 m2, con thất nghiệp, vợ bị bệnh thấp khớp không đi lại được. Ông Đẹp năm nay đã bước qua tuổi 65 - cái tuổi đáng lẽ phải được an hưởng tuổi già nhưng vẫn phải đánh vật với gió mưa để kiếm cơm hằng ngày. Ông tâm sự: “Nhà nước cấm thì mình chấp hành. Nhưng mà tui già rồi, giờ đi phụ hồ hay vác gạch thuê ai mà thèm mướn. Còn chạy xe honda ôm hả ? Kiếm đâu ra 6-7 triệu đồng để mua xe , hổng lẽ mang chiếc 67 cà rịch cà tàng này ra chạy xe ôm. Dòm thấy chiếc 67 này, bà già xứ quê còn hổng thèm đi nữa là ở phố”. Có rất nhiều người hành nghề xe lôi, ba gác có hoàn cảnh như ông Đẹp. Đa phần họ đều ít học hành, gia cảnh nghèo khó tuổi đều qua cái ngưỡng 40, sức khỏe suy giảm do những tháng ngày dầm mưa dãi nắng cùng những cuốc xe. Bây giờ, nghỉ chạy xe lôi, để kiếm cái nghề khác kiếm sống quả thực với họ rất khó khăn.

Tại Kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố vừa qua, nghị quyết thực hiện một số chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề đối với anh em chạy xe lôi, ba gác đã được thông qua. Theo đó, trước mắt hỗ trợ 500 xã viên hành nghề xe lôi mỗi người 1.500.000 đồng từ nguồn kinh phí bảo đảm xã hội. Về lâu dài thành phố sẽ hỗ trợ đào tạo nghề cho xã viên hoặc con của xã viên; hỗ trợ cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để xã viên mua phương tiện hoặc chuyển nghề mới; hỗ trợ học phí cho con em xã viên hành nghề xe lôi... Nhưng đến nay những khoản hỗ trợ nói trên vẫn chưa được thực thi.

Anh Trần Phát Lợi, xã viên HTX Vận tải xe lôi quận Ninh Kiều, bức xúc nói: “Tôi năm nay 41 tuổi, chạy xe lôi 17 năm trời. Chính phủ cấm xe lôi, xe ba gác hoạt động tôi chấp hành và muốn chuyển đổi nghề. Tôi muốn đầu tư xe chở hàng loại nhỏ và làm đơn, hồ sơ thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (phần đất tọa lạc tại đường Nguyễn Văn Cừ, phường An Hòa, quận Ninh Kiều-PV) vay 60 triệu đồng, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết”.

Từ ngày 10 đến ngày 28-12-2007, anh Lợi cầm bộ hồ sơ xin vay thế chấp liên hệ tới 10 ngân hàng trên địa bàn TP Cần Thơ đều bị từ chối mặc dù trong đơn xác nhận xin vay thế chấp của anh Lợi có xác nhận của chính quyền địa phương và Ban Chủ nhiệm HTX là anh hành nghề chạy xe lôi máy, có nhu cầu vay vốn chuyển đổi nghề. Giờ đây, khi giờ “G” của lệnh cấm lưu thông xe lôi xe ba gác máy đã gần kề, chuyện hỗ trợ (từ tiền mặt đến các vấn đề như hỗ trợ đào tạo nghề, vay vốn...) vẫn chỉ là những lời hứa.

* * *

Chủ trương của Chính phủ đình chỉ lưu hành xe tự chế 3 bánh, 4 bánh là đúng đắn nhằm đảm bảo an toàn giao thông và kiềm chế tai nạn giao thông đang ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, vấn đề mà các cấp, các ngành cần quan tâm thực hiện là phải có lộ trình phù hợp và sớm giải quyết các khoản hỗ trợ cho người hành nghề xe lôi, xe ba gác chuyển đổi nghề nghiệp, cũng như giúp các hộ kinh doanh nhỏ lẻ kịp đầu tư hoặc tìm phương tiện vận chuyển hàng hóa phù hợp... Có như thế thì chủ chương cấm xe lôi, xe ba gác mới được thực thi một cách có hiệu quả.

PHƯƠNG TỬ NGHI

Chia sẻ bài viết