04/01/2008 - 09:42

Cảnh giác với bệnh nhiệt thán trên gia súc

Một trong những chứng bệnh của gia súc có thể lây nhiễm cho con người một cách đáng sợ là bệnh nhiệt thán (NT) hay còn gọi là bệnh than. Bệnh này đã từng xuất hiện từ trước Công nguyên, với 3 thể chính là: thể lây qua đường hô hấp, lây qua đường da và lây qua đường ăn uống. Khi tiếp xúc với thú bệnh, da nạn nhân sẽ bị hoại tử, lở loét, có màu đen như than! Bệnh thường xảy ra ở trâu, bò, ngựa, dê, cừu, nai… vào những tháng đông xuân, do loại vi khuẩn có bào tử là Bacillus anthracis.

Các triệu chứng đặc hiệu ở súc vật bị bệnh là: sốt cao, bỏ ăn, khó thở, xuất huyết ở các lỗ tự nhiên, máu màu đen, không đông, lách sưng to, mềm nhũn... Thường súc vật chết sau 3-4 ngày. Đối với con người, khi tiếp xúc với dịch tiết, phủ tạng, da, lông - đặc biệt là khi ăn thịt con vật đã nhiễm bệnh - sau 6-12 giờ sẽ xuất hiện triệu chứng tiêu chảy, nôn, viêm ruột, tiêu ra máu. Thường bệnh nhân bị chết do nhiễm trùng huyết.

Vết loét trên gia súc do bị nhiễm vi khuẩn nhiệt thán.

Thế kỷ trước, mỗi đợt bệnh NT từng gây chết cho đàn gia súc vài chục ngàn con và hàng ngàn người cũng bị chết do lây nhiễm từ bệnh này. Tại châu Âu, châu Á, Bắc Mỹ, vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, bệnh NT thể hô hấp khá phổ biến - do hít phải bào tử vi khuẩn từ da thuộc của súc vật bị bệnh và bệnh nhân bị chết do suy hô hấp cấp. Năm 1881, nhà bác học người Pháp Louis Pasteur đã tìm ra vắc-xin phòng bệnh. Thế nhưng, dịch bệnh này vẫn không ngừng nổ ra hàng năm trong đàn gia súc, do nguồn bào tử vi khuẩn sống dai dẳng trong môi trường đất (trên 30 năm vẫn còn tồn tại, thậm chí có tài liệu cho rằng bào tử vi khuẩn có thể tồn tại đến 100 năm!). Chỉ cần nơi chôn xác súc vật nhiễm bệnh bị cày xới, hoặc bị nguồn nước xâm thực, bào tử nơi đây sẽ phát tán ra xung quanh. Súc vật ăn cỏ, niêm mạc bị trầy xước, vì vậy bệnh lại tiếp tục khởi phát.

Từ năm 2001 đến nay, đã có vài chục vụ dịch NT bùng phát ở vùng Tây Á (các nước thuộc Liên Xô cũ); một số nước vùng Trung Đông; một số nước châu Phi như: Botswana, Namibia, Zimbabwe; các nước châu Á như: Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, Myanmar. Các nước Mỹ, Úc, Canada cũng không tránh khỏi bệnh này và nhiều vụ dịch bệnh NT đã gây tổn thất khá lớn về kinh tế cho các nông trại (riêng Canada đã giết và tiêu hủy hơn 800 con bò trong năm 2007). Gần đây, vào tháng 2-2007, tại Indonesia, bệnh NT bộc phát trở lại, với ít nhất 32 con bò, trâu bị bệnh và trên 20 người mắc bệnh (trong đó 5 người đã chết do ăn thịt gia súc bị bệnh). Cuối tháng 10-2007 tại Ý, tháng 12-2007 tại Kazakhstan, Azerbaijan, Irkutsk thuộc vùng Đông Nam Siberia (Nga) và Israel có 120 con bò nhiễm bệnh NT. Và gần đây nhất, từ ngày Giáng sinh vừa qua (25-12) đến ngày 30-12- 2007, dịch NT lại bùng phát tại vùng Upper Hunter, bang New South Wales của Úc. Có 20 con gia súc mắc bệnh đã bị tiêu hủy .

Tại Việt Nam, theo tài liệu của người Pháp ghi nhận, dịch NT đã từng xảy ra ở miền Nam vào những năm 1941-1950 và miền Bắc vào những năm 1933- 1937 và 1951-1959, gây tổn thất cho đàn gia súc hàng ngàn con, cùng với hàng trăm người lây nhiễm và bị chết do tiếp xúc hoặc bị ngộ độc do ăn thịt của súc vật bị bệnh... Sau 1975, bệnh vẫn còn xuất hiện lẻ tẻ tại một số tỉnh, đặc biệt là ở một số vùng biên giới, nhưng việc thống kê dịch bệnh này trước đây chưa được chặt chẽ. Từ năm 1990 đến năm 2000, một số tỉnh miền Bắc và miền Nam mới có báo cáo về dịch bệnh NT. Tại tỉnh Cần Thơ (cũ) cũng đã từng có 2 vụ người dân bị ngộ độc do ăn thịt trâu mắc bệnh NT (năm 1976 và 1985).

Chúng ta không nên chủ quan với bệnh NT vì điều kiện lây lan mầm bệnh này là không khó. Chỉ cần thời tiết bất thường và sự tái xuất hiện của bào tử vi khuẩn hoặc do lơ là khâu kiểm dịch thú sống qua biên giới là dịch bệnh có thể xảy ra. Điều đáng nói là gần như hàng năm, các nước trong khu vực Đông Nam Á và nhiều nước trên thế giới đều thống kê số vụ dịch NT, số trường hợp ngộ độc do ăn thịt gia súc bị bệnh NT và họ đều đã thông báo kịp thời để người dân biết và hướng dẫn các biện pháp phòng chống hữu hiệu. Thiết nghĩ, ngành thú y và ngành y tế dự phòng tại các tỉnh, thành mà trong lịch sử từng có bệnh NT, cần có biện pháp truy cứu, khoanh vùng ổ dịch cũ (đặc biệt là các điểm chôn gia súc bị chết cần phải cách ly triệt để) nhằm tránh việc bào tử NT phát tán trở lại.

CNYK ĐÀM HỒNG HẢI

Chia sẻ bài viết