11/11/2009 - 21:10

Cả nhà cùng vượt khó...

Chị Tiết với nồi sương sa thơm ngọt vừa chín tới, nghề truyền thống của gia đình.

Mỗi sáng tinh sương, trong những thanh âm rộn ràng, náo nhiệt đón chào ngày mới, bà con ở xóm lao động khu vực 3, phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ đều quen thuộc dáng người cao gầy và giọng rao hàng ngọt lịm của chị Đặng Thị Tiết bên chiếc xe hàng nhiều thực phẩm tươi ngon. Ai cũng chờ mua hàng của chị Tiết, không chỉ do tính chị niềm nở, vui vẻ, hàng có giá cả phải chăng, mà còn do bà con muốn giúp đỡ chị Tiết có thêm nguồn thu nhập hàng ngày, ổn định kinh tế gia đình...

Chưa đến 9 giờ sáng, xe thực phẩm đã hết hàng, chị Tiết nhanh nhẹn thu dọn mâm, rổ, sắp xếp tiền nong, rồi quầy quả quay xe về nhà để kịp chuẩn bị cơm trưa cho cả nhà. Chị vừa về đến nhà, anh Lê Văn Còn, chồng chị Tiết đã bước đến nhanh tay đỡ chiếc xe đẩy cho vào góc sân trống, rồi vào nhà rót đưa chị ly nước lọc và hỏi chị có thấy mệt lắm không. Hớp vội ngụm nước, chị Tiết cười vui để anh Còn an lòng, rồi giục anh chuẩn bị sẵn vật dụng, nguyên liệu nấu sương sa. Chị Tiết cho biết: “Nghề chế biến sương sa, hột lựu vốn là nghề truyền thống mấy đời của nhà tôi mà. Nhờ nghề này mà chị em tôi nuôi con, nuôi cháu”.

Là con đầu lòng trong gia đình có 5 chị em, chuyên nghề buôn bán ở Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, chị Tiết sớm cực khổ từ nhỏ, phụ cha mẹ quán xuyến việc buôn bán, nhà cửa nuôi các em học hành. Tuy chỉ học đến lớp 4 trường làng, nhưng chị Tiết rất giỏi việc tính toán chi tiêu tiết kiệm, tích luỹ vốn liếng phòng thân và tính cách đó đã theo chị suốt những năm tháng làm vợ, làm mẹ của 6 người con. Lập gia đình năm 19 tuổi và sau đó là chuỗi thời gian tảo tần, vất vả buôn bán hôm sớm nuôi các con đang tuổi ăn tuổi lớn. Đến giờ, trong những câu chuyện nhắc nhớ về gia cảnh ngày trước, chị Tiết luôn tiếc nuối do không có điều kiện, nên các con chỉ học hết cấp 2, cao nhất là lớp 11, đều phải nghỉ để đi học nghề, lao động tự nuôi thân, cho cha mẹ nhẹ gánh lo. Những ai biết chuyện cả nhà chị Tiết đã phấn đấu như thế nào để sống và sống tốt đều khâm phục tài dạy con của chị và vợ chồng chị chính là tấm gương cho các con về nghị lực, ý chí vượt khó vươn lên bằng chính sức lao động của mình.

Nghề làm sương sa truyền thống của gia đình đã giúp chị Tiết tạo dựng nhà cửa, lo bề gia thất cho các con. Ngày nào chị Tiết cũng dậy sớm từ 4 giờ sáng để chế biến món sương sa, hột lựu cho kịp buổi chợ sáng. Sở dĩ, chị Tiết chọn nghề này là do ít vốn, vừa dễ làm, không lo lỗ lã, thu nhập mỗi ngày ổn định trên 30.000 đồng. Bà con trong xóm thích ăn sương sa của chị vì mùi vị thơm giòn rất riêng của hột lựu, nước dừa. Đó là kinh nghiệm, quý báu tích cóp được sau hàng chục năm trời chăm chút cho nghề. Rõ ràng “nghề không phụ người”, từ thu nhập của nghề này cùng với nghề thợ mộc của chồng, nghề thợ may của con gái đã giúp gia đình sửa sang lại căn nhà dột nát, ngập nước mỗi mùa mưa đến; giúp các con học chữ, học nghề...

Bước ngoặt của cuộc đời chị Tiết chính là khi tham gia sinh hoạt Hội Phụ nữ vào năm 1995 và được vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội để buôn bán nhỏ. Chị Tiết dành 500.000 đồng vốn vay đầu tiên cho nghề bán sương sa hột lựu. Những vòng vay sau, số vốn vay tăng dần từ 1 triệu đồng và hiện nay là 7 triệu đồng, chị Tiết đầu tư một phần vốn cho xe thực phẩm bán hàng ngày, phần còn lại giúp con gái Kim Nương phát triển tiệm may. Cách nay vài năm, do quá lao lực nên chồng chị Tiết lâm bệnh, mất sức lao động, nay chỉ quanh quẩn phụ tiếp việc nhà. Chị Tiết cùng con gái phải đảm đang quán xuyến kinh tế gia đình. Giỏi tính toán, tiết kiệm chi tiêu, kinh tế gia đình từng bước ổn định, các con có việc làm, thu nhập, phụ tiếp chi tiêu gia đình.

Nói về những người con hiếu thảo, chị Tiết nhắc nhiều đến cô con gái thứ ba Kim Nương. Học hết lớp 11, Kim Nương đã đi học may thí công với mong muốn sớm có điều kiện chăm lo cho các em, đỡ đần cho cha mẹ. Với sự sáng dạ, khéo tay, chẳng bao lâu, Nương thạo nghề, được chủ tiệm nhận làm thợ ráp quần áo. Đây cũng là dịp để Nương học tập, trau dồi nghề nghiệp, sáng tạo nhiều kiểu trang phục đẹp, phù hợp với từng độ tuổi, dáng người. Lành nghề, Nương mở tiệm tại nhà để tiện việc coi sóc nhà cửa. Vài năm nay, Nương thuê mặt bằng bán sương sa hột lựu mỗi sáng và mở tiệm may tại chợ An Nghiệp. Nhờ khéo léo, bặt thiệp, giá cả phải chăng nên tiệm may của Nương khá đông khách, nhiều nhất là các cô cậu học sinh. Ngắm nghía phần bâu áo vừa cắt xong với vẻ hài lòng, Nương cho biết: “Tụi em học được ở cha mẹ rất nhiều điều, từ tính cần cù, chịu khó đến việc giữ chữ tín trong kinh doanh, và tiết kiệm trong chi tiêu”.

Chị Tiết còn là tấm gương về nghị lực vượt khó, không đầu hàng số phận. Tháng 9-2008, căn bệnh ung thư gần như quật ngã chị. Chị Tiết rất lo lắng nhưng nhờ sự động viên, hỗ trợ của gia đình, chòm xóm và Hội Phụ nữ, chị quyết tâm nhập viện điều trị bệnh. Mỗi lần vô hóa chất là mỗi lần chị Tiết đau đớn, vật vã, không ăn uống gì được. Những lúc đó, Nương thu xếp việc nhà cửa, buôn bán, túc trực ở bệnh viện lo cho mẹ từng chén cháo, ly sữa, cả chi phí thuốc men, viện phí. Những người con khác, dù bận bịu việc gia đình cũng tranh thủ thời gian vào bệnh viện an ủi, động viên mẹ. Biết tin chị Tiết bệnh nặng, các thành viên trong Câu lạc bộ Cùng chia sẻ của Hội Phụ nữ phường An Nghiệp đóng góp để hỗ trợ chi phí điều trị cho chị. Ngay sau khi phục hồi sức khỏe, chị Tiết đã đi bán trở lại. Chị nói: “Để đỡ gánh nặng cho chồng con và cảm nhận được niềm vui khi thấy mình còn có ích, được bà con tiếp tục ủng hộ”. Nhanh tay khuấy nồi sương sa đang sôi trên bếp, chị Tiết nói như phân bua: “Làm việc quen rồi, ở không hết đi ra rồi đi vào, chán lắm. Đẩy xe buôn bán vậy mà thấy khỏe, còn có đồng ra đồng vào...”. Thu xếp xong việc nhà, chị Tiết lại tranh thủ ra phụ tiếp công việc ở tiệm may với con gái.

Bà Đặng Hồng Phấn, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường An Nghiệp, nói: “Lúc chưa vào sinh hoạt Hội, gia cảnh chị Tiết rất túng bấn, thiếu trước hụt sau, do con đông mà thu nhập bấp bênh. Biết vậy, chúng tôi vận động chị và con gái vào Hội, được học tập, nâng cao kiến thức và hỗ trợ vốn buôn bán, có thu nhập. Từ đó, kinh tế gia đình chị Tiết dần dần ổn định và nay đã khá hơn trước”.

Hiện giờ, bệnh tình của chị Tiết đã qua giai đoạn nguy hiểm, đang dần bình phục. Chị vẫn cố gắng cùng chồng con chung tay góp sức phấn đấu vươn lên, xây dựng mái ấm gia đình, tuy vẫn còn nhiều khó khăn nhưng luôn đầy ắp tiếng cười đầm ấm, hạnh phúc của cháu con. Chính niềm hạnh phúc ấy đã là động lực, sức mạnh giúp người phụ nữ gần 60 tuổi này vượt qua nghịch cảnh, bệnh tật để vui sống bên các con.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết