Nhà của ngoại dù chỉ tái hiện mái hiên, cửa lá sách; một góc bếp quê nhuần nhị, thâm trầm… nhưng đã thu hút không biết bao nhiêu gia đình tới chụp ảnh hay thử nhóm lò. Bên cạnh là bếp nóng có cái nồi đất tỏa mùi nước mắm kho quẹt.
Góc nhỏ ở Cantho Farm gợi nhớ Tết quê.
Dấu ấn nhà của Ngoại
Sáng mùng 5 Tết, Cantho Farm ở quận Bình Thủy tấp nập. Phần lớn là những gia đình rủ nhau tới nông trại, mô hình nông nghiệp đô thị khéo gợi lại ký ức nhà xưa. Ai nấy chụp hình trước thềm nhà, ghép tâm trạng vào khung cảnh.
“Sau Tết phải tính để có thêm điểm đến”, ông Nguyễn Văn Phong, chủ nông trại nói về dự kiến phát triển nông trại gắn với điểm tuyến du lịch, triển khai ngay từ bây giờ chứ không chờ đợi tới khi dập tắt dịch bệnh. Trong đó, một nông trại mới sẽ mọc lên ở Cồn Sơn và một ở Tân Lộc.
Ở phía Ðông Ninh Kiều là Fresh Farm thuộc quận Cái Răng, một đoàn xe đạp dừng lại xem khu vườn dưa lưới, thưởng thức món nước ép và cocktail tại vườn theo công thức của một người Cần Thơ học ngành pha chế ở Australia tặng Nguyễn Ðém. Ðây là hai nơi có sức thu hút người chơi Tết theo sức hút nông nghiệp đô thị. Ths Nguyễn Ðém cho biết: “Nông trại mới sẽ phát triển đồng thời ở Cần Thơ và Sa Ðéc”.
Một người Cần Thơ xa xứ, Kim Chi Daudens (đang ở Pháp) nói rằng cảm xúc chơi vơi khi nhịp sinh học cảm nhận ngày Tết xa xứ đã qua rồi, chỉ cách đây vài ngày.
Ở La Chapelle des marais mấy ngày cuối tháng Chạp năm Canh Tý trời xám xịt, mưa gió, lạnh buốt tim… vào các trang mạng xã hội thấy bạn bè đưa hình ảnh chuẩn bị đón Tết ở quê nhà mà trong lòng dậy lên nỗi nhớ quê nhà da diết… Salah (chồng Kim Chi) thấy tôi ngồi hàng giờ trước máy tính, chăm chú nhìn hình ảnh Việt Nam đón Tết, rồi lại nhìn ra cửa sổ… nói nhỏ: “Hãy chuẩn bị một cái Tết Việt ở đây…”- Kim Chi kể lại.
Xuất ngoại nhớ Nội
Kim Chi kể rằng “Năm nay bị con “cô vy” chặn cửa, không về Việt Nam được. Tôi gói lại nỗi buồn xa quê. Sáng 26 Tết, tôi đi siêu thị mua thịt về kho một nồi thịt kho nước dừa. Hai tháng nay, giá thịt trong các siêu thị quá rẻ… Không biết là do Chính phủ hỗ trợ ngân sách của người dân trong cơn đại dịch hay do cuối năm người kinh doanh muốn đẩy mạnh nguồn cung mà tính ra tiền Việt chỉ có 55.000 đồng/kg, thịt sườn cốt-lếch, thịt ba rọi cũng xấp xỉ giá đó… Mua thêm một kí-lô thịt ba rọi để gói mấy đòn bánh tét. Một vài người bạn nhờ tôi gói thêm cho họ mấy đòn bánh để trong nhà có hương vị Tết…
Nhìn sang hàng rau, thấy có củ cải trắng, chợt nhớ món củ cải trắng ngâm nước mắm, nước tương ăn với bánh tét, tôi lựa củ chắc nặng bỏ vô giỏ…
Mấy hôm trước, nhớ má ở nhà hay làm cải tùa xại muối chua ăn với thịt kho nước dừa, xách xe chạy 50 cây số tới siêu thị châu Á tìm mua, mấy cây cải héo queo, héo quắc bán hơn 3 Euro/cây… Lấy vài lon nước cốt dừa (hàng Thái Lan), vài gói đậu xanh, đậu đỏ (hàng Việt Nam) bỏ vô giỏ… Quầy hàng bán gia vị châu Á, người ta hạ giá ba bốn chục phần trăm cho tất cả các mặt hàng vì Tết của người châu Á… Tôi mua thêm vài chai nước mắm nhỏ, vài hộp nước cốt dừa, một vài xấp bánh tráng… Ði qua tủ trữ đông tìm thêm một ít lá chuối, loại đông lạnh giá hơn gần 4 Euro/gói (454gram)… “Product Vietnam”… thấy trống trơn, hỏi người bán hàng, họ nói mấy ngày nay lá chuối “cháy hàng”; cũng may tôi đã mua để dành… Muốn gói mấy đòn bánh tét nhân chuối vì nhớ ngày mùng một ăn chay, nhưng tìm mua chuối đóng hộp không có! Loại chuối giống như chuối xiêm đóng hộp của Thái Lan, khi nấu chín mới có màu đỏ đẹp…
Ở đây không nấu bánh tét kiểu truyền thống như ở quê nhà, vì bên ngoài trời đang mưa, không thể đốt lửa, dùng nồi áp suất, thời gian nấu nhanh hơn một hai giờ, sau 45 phút nấu bánh. Lỗi nghiệp vụ! Vì quá háo hức xem thành quả của mình, tôi không đợi nồi xả hết hơi mà mở nắp ra liền, nhiệt độ bên ngoài 2 độ âm, làm mấy đòn bánh tét xốc nhiệt, nổ bung… Tiếc hùi hụi…!
Tây - ta trên bàn ăn
Ngày 28 Tết, xay thịt làm chả lụa và jambon… Nhìn mấy đòn chả và giò heo jambon căng tròn… Quay qua kho nồi thịt cho nó rệu…
Chồng tôi trố mắt hỏi: “Sao làm nhiều thứ quá vậy?”…
- Ừ thì ăn Tết mà…
Nói vậy nhưng chồng tôi lại muốn mời mấy người bạn Việt Nam tới nhà ăn Tết cho vui… May quá, tôi nhờ anh vô rừng đốn một cành hoa đào Nhật Bản về cắm trong bình… trời lạnh nên chỉ có nụ, hoa chưa trổ… Tôi bèn lấy nến, hơ nóng cho tan chảy rồi gắn lên làm hoa giả… Bày lên bàn một dĩa quýt. Mấy hôm trước em gái tôi gửi qua vài loại mứt.
Một cành đào, một dĩa trái cây và một dĩa mứt từ quê nhà… vậy là có một không gian Tết Việt ở La Chapelle des marais rồi…
Bữa ăn ngày Tết.
Sáng ngày 30 Tết chuẩn bị mâm cơm tất niên, với thịt kho nước dừa, cắt vài khoanh bánh tét còn thon thả, gắp một dĩa củ cải trắng ngâm nước mắm bày ra bàn…
Ngoài trời tuyết bắt đầu rơi… Sợi buồn như thắt trong gan ruột, buồn man mác tới da diết. Giờ này nếu ở nhà, tôi đã chuẩn bị xong mâm cơm rước ông bà.
Ðêm 30 Tết, trước khi đi ngủ, tôi nói với chồng để đồng hồ báo thức kẻo trễ giờ chúc Tết ba má… 4 giờ sáng chuông reo (10 giờ sáng - giờ Việt Nam), có lẽ bên nhà đã cúng kiếng xong, cháu trai tôi nhắn tin “alo alo… cô hai ơi, tụi con mừng tuổi nè”… Tôi cám ơn công nghệ, dù cách xa hơn nửa vòng trái đất gia đình tôi vẫn giữ được cái “nếp nhà” qua đường dây Internet.
Vì một vài người bạn phải đi làm nên tôi quyết định tổ chức ăn Tết vào ngày mùng 3. Chồng tôi chuẩn bị món khai vị theo kiểu Tây, mấy lát bánh mì sandwich nhỏ nhắn, trét một ít pâté foie và để một ít xúc xích… Tôi cắt chả lụa và jambon bày lên…
Thực ra, cái lẩu hải sản vẫn là món chính, quan trọng là nồi nước dùng. Sau khi hầm xương lấy nước ngọt, tôi xào sả - tỏi cho thơm, thêm một ít sa tế, một ít ớt bột, nồi nước dùng có vị chua chua của me, cay cay của ớt, thơm thơm mùi sả, the the của mấy lá chanh xắt nhỏ… Ðể cái bếp gaz mini lên bàn, đặt nồi lẩu lên đã nghe mùi lẩu…
Trời bên ngoài lạnh cóng - âm độ, chúng tôi xúm xít nhau chan chan, húp húp… Chị bạn nói: “Chồng chị không thích ăn món gì có nước; vậy mà cuối cùng ổng là người bưng tô lên húp một hơi không còn gì, vuốt bụng nói “quá ngon”…
Lấy đũa gắp cục thịt kho rệu, ăn cùng với khoanh bánh tét, chồng tôi nói “món này không quá mặn như của má…”.
Khi khách khứa về hết, chồng tôi nhắc tới món lẩu và gọi điện nói với con: “Món lẩu Việt Nam rất tuyệt vời, ba rất là thích”. Kiểu nói này, như bên mình hay nói là “quá đã”.
Ba ngày Tết đi qua, cành đào đã bung nụ. Cái Tết xa nhà đầu tiên từ khi tôi theo chồng định cư. Một cái Tết rất lạ ở nơi cách xa quê nhà ngàn dặm, hương vị của các món ăn do tôi làm chỉ để nhớ những gì má tôi làm cho chị em và Salah biết thế nào là món ngon nhà mình. Có lẽ một ngàn năm nữa, tôi mới có thể đạt được tuyệt kỹ của má tôi, nhưng ít ra ở đây vẫn có thể mang hương vị Tết lên bàn ăn, chia sẻ cho các bạn trên quê hương của chồng, trên đất Pháp.
Bạn bè gởi cho tôi những bức ảnh đường làng, đồng lúa đang chín tới - chờ thu hoạch, có những ruộng trồng hoa, đoạn đường đủ sắc màu, những cội mai nở vàng rực - chưa bán được… Một cái Tết đã trôi qua nhưng lời nhắc nhở về sự tính toán thông minh, tinh tường để cùng vượt qua khó khăn khi “cô vy” luôn rình rập, vẫn còn đó. Chỉ mong sao kiểm soát được dịch, mọi thứ trở lại bình thường.
CHÂU LAN - KIM CHI