20/02/2018 - 09:24

Chờ cánh chim đầu đàn 

MINH HUYỀN

Có rất nhiều câu hỏi về sự phát triển của Cần Thơ, rằng Cần Thơ đang cần gì để bứt phá trở thành “cánh chim đầu đàn”, kéo cả đoàn tàu ĐBSCL tiến lên, sánh vai cùng các vùng miền trên cả nước và hòa nhịp cùng thế giới. Trong 14 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, TP Cần Thơ không ngừng vươn mình lớn dậy, nhưng vẫn chưa đủ sức để làm tròn vai trung tâm vùng ĐBSCL. Cần Thơ đang rất cần một cơ chế đặc thù riêng để góp gió thổi bùng sức sống cho đồng bằng.

Nhận diện Tây Đô

Không riêng gì các doanh nghiệp thành phố, mà nhiều nhà đầu tư khi đến Cần Thơ đều nhận định, thành phố có những đổi thay vượt bậc về cơ sở hạ tầng, không gian phát triển đô thị. Từng đến Cần Thơ nhiều lần trong các đợt tham gia đoàn xúc tiến đầu tư của Nhật Bản, ông Abe Masayuki, Giám đốc Công ty VAIO (công ty chuyên về hợp tác xúc tiến đầu tư nông nghiệp Việt Nam-Nhật Bản), nói: “TP Cần Thơ ngày càng phát triển và thể hiện rõ nét vị trí trung tâm vùng ĐBSCL. Các doanh nghiệp Nhật Bản biết đến Cần Thơ ngày càng nhiều và thành phố sẽ có nhiều cơ hội hơn để đón “sóng” đầu tư từ Nhật Bản”... Quả thật, với những ai từng đến Cần Thơ đều nhận định, sự cầu thị của chính quyền đã tạo dấu ấn riêng cho thành phố. “Tôi ấn tượng với sự năng động của chính quyền thành phố trong việc cải thiện điều kiện sống của người dân nơi đây. Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ tiếp tục hỗ trợ thành phố phát huy vai trò trung tâm liên kết với các địa phương ĐBSCL để triển khai các dự án cấp thiết tác động đến sự phát triển bền vững của vùng”- bà Laura Tuck, Phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực Phát triển bền vững của WB, chia sẻ.

Sản phẩm gạo xuất khẩu của Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An đã chinh phục được nhiều thị trường khó tính.

Trong chuyến khảo sát một số khu công nghiệp ở phía Nam Sông Hậu vào cuối năm 2017, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống chia sẻ về thành quả mà thành phố đã nỗ lực đạt được. Một khu công nghiệp dành riêng cho nhà đầu tư Nhật Bản là quyết sách đột phá của thành phố trong thu hút đầu tư. Và niềm vui ấy càng thêm lan tỏa khi nhiều doanh nghiệp thành phố hoàn thành vượt kế hoạch kinh doanh năm 2017, các nhà đầu tư sau khi đến Cần Thơ tìm kiếm cơ hội đều hứa hẹn “chọn” Cần Thơ là điểm dừng chân. Sự chủ động, sáng tạo và quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW “Về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Kết luận số 07-KL/TW ngày 28-6-2016 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW đã làm thay đổi rõ nét diện mạo Cần Thơ- đô thị hạt nhân, trung tâm động lực của ĐBSCL.

Vai trò “đầu tàu” của Cần Thơ trong vùng ĐBSCL đã thể hiện trên một số lĩnh vực như: thương mại, giao thông vận tải, tài chính - ngân hàng, thông tin truyền thông, giáo dục đào tạo, y tế,... “Sự phát triển của Cần Thơ nói chung và Ninh Kiều- đô thị trung tâm của thành phố nói riêng đã tạo những dấu ấn mới, khẳng định thực lực của Tây Đô. Hiện nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã đầu tư siêu thị, trung tâm thương mại, khách sạn 5 sao… tại Ninh Kiều, tạo nên không gian đô thị phát triển sinh động và đa chiều”-ông Dương Tấn Hiển, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều chia sẻ. Ba điểm nhấn quan trọng của thành phố trong thực hiện các kế hoạch phát triển, đó là: hạ tầng giao thông; chất lượng môi trường đầu tư và thu hút các nhà đầu tư lớn để lực đẩy vực dậy các lĩnh vực thế mạnh. Và Cần Thơ sẽ tạo nên những cuộc bứt phá mới khi có cơ chế đặc thù từ Trung ương.

Kỳ vọng tương lai

Khép lại chặng đường năm cũ, ông Phạm Thái Bình- Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, quận Thốt Nốt khoe rằng năm qua, doanh thu của công ty vượt xấp xỉ 40% so với năm 2016 và là một năm làm ăn được mùa. “Đơn hàng xuất khẩu ký kết liên tục, xuất khẩu gạo tăng về sản lượng lẫn giá trị và chinh phục được nhiều thị trường khó tính. Thị trường nội địa tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và một số tỉnh ĐBSCL cũng đang phát triển tốt”- ông Bình nói. Chỉ chờ cầu Vàm Cống hoàn thành thông xe, các chuyến hàng nội địa của công ty đi các tỉnh miền Đông, TP Hồ Chí Minh sẽ thông thương theo con đường mới, tiết kiệm thời gian và chi phí rất nhiều so với trước. Trung An cũng chờ những tín hiệu mới từ cụm Cảng ở khu vực Cái Cui để có thể đóng hàng gạo trực tiếp tại cảng thay vì phải đóng hàng vào container ở cảng Cát Lái-TP Hồ Chí Minh.

Đó là sự kỳ vọng của doanh nghiệp. Về phía chính quyền thành phố cũng đang chờ đợi cơ chế từ Trung ương. Phó Giám đốc phụ trách Sở Tài chính TP Cần Thơ Nguyễn Thành Phương thông tin rằng, trong những ngày cận kề năm mới 2018, ông tháp tùng lãnh đạo thành phố ra Hà Nội để tham gia cùng Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp thảo luận về nội dung Dự thảo Nghị định quy định về một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính ngân sách và phân cấp quản lý đối với TP Cần Thơ. Dự thảo gồm 3 nội dung quan trọng là: cơ chế huy động nguồn vốn cho đầu tư phát triển; cơ chế tài chính, ngân sách và cơ chế phân cấp quản lý. Theo đó, trong Tờ trình Chính phủ về Dự thảo Nghị định quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với TP Cần Thơ, Bộ Tài chính đã chỉ rõ mục đích xây dựng Nghị định nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng tại Kết luận số 07-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 45. Như vậy, Cần Thơ sẽ được thụ hưởng cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù tương tự như Đà Nẵng và Hải Phòng.

Trong giai đoạn chờ cơ chế đặc thù, TP Cần Thơ đang cùng cả nước thực hiện cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Tiến sĩ Huỳnh Văn Tùng, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ, đề xuất Cần Thơ phải tận dụng có hiệu quả các nguồn lực đang có, kể cả việc tạo ra các điều kiện mới là đòn bẩy để tạo ra động lực tăng trưởng mới; đổi mới mô hình tăng trưởng phải theo tín hiệu thị trường. Tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông nhằm tăng cường liên kết vùng, thu hút đầu tư; phải phấn đấu trở thành trung tâm logistics của ĐBSCL càng nhanh càng tốt. Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Trưởng Ban Quản lý Các Khu chế xuất và Công nghiệp TP Cần Thơ, cho biết, hoạt động xuất nhập khẩu của thành phố ngày càng phát triển, thương mại nội địa mở rộng, nhu cầu dịch vụ logistics trở nên cấp thiết. Logistics phát triển sẽ góp phần thu hút được nguồn vốn lớn đầu tư vào sản xuất công nghiệp, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ phục vụ sản xuất công nghiệp, tạo giá trị gia tăng lớn cho thành phố.

Thông tin về cơ chế đặc thù, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống cho biết: “Theo quy trình, sau khi lấy ý kiến thống nhất của các bộ, ngành Trung ương, Dự thảo Nghị định quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với TP Cần Thơ sẽ được Bộ Tài chính trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua để chính thức ban hành. Thành phố đã có bước chuẩn bị để tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư các dự án trọng điểm ngay sau khi cơ chế đặc thù được ban hành, nhằm tạo khí thế mới chào đón các nhà đầu tư tiềm năng đến với thành phố”…

***

Với những chuyển động hiện tại và tầm nhìn về tương lai cùng sự tiếp sức của Trung ương, “cánh chim đầu đàn” Tây Đô kỳ vọng sẽ tạo những kỳ tích mới trên chặng đường phát triển phía trước.

“TP Cần Thơ đang đón nhận cơ hội mới sau khi Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị. Từ năm 2017, vốn đầu tư của Trung ương cân đối cho TP Cần Thơ không thấp hơn Đà Nẵng và Hải Phòng. Đây là cơ hội mới để thành phố giải quyết những nhu cầu bức xúc về nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, quan trọng của thành phố”- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã thông tin đến chính quyền và nhân dân thành phố tại kỳ họp HĐND TP Cần Thơ cuối năm 2017.

Chia sẻ bài viết