18/02/2018 - 16:10

“Đầu kéo” thương mại vùng 

MỸ THANH

Những ngày giáp Tết, các chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích… ở Cần Thơ nhộn nhịp hẳn, những chuyến xe tải chở hàng hóa ra vào tấp nập. Doanh thu bán lẻ hàng hóa của TP Cần Thơ hiện đứng thứ ba cả nước và đứng nhất ĐBSCL. Không “ngoa” chút nào khi nói Cần Thơ đang từng bước trở thành trung tâm thương mại - dịch vụ của vùng.

* Lực hút giao thương

“Đặt chân về Cần Thơ đầu năm 2017, chỉ trong 7 tháng, chúng tôi đã mở 10 cửa hàng trong chuỗi Satrafoods ở quận Ninh Kiều, Cái Răng và Bình Thủy. Satrafoods kinh doanh khoảng 4.000 mặt hàng/cửa hàng, gồm các loại thực phẩm và nhu yếu phẩm như: rau củ quả, thịt heo, thủy hải sản, đường, dầu ăn, gạo, trứng... Nếu thuận lợi, Satrafoods sẽ tiếp tục mở rộng” -  ông Trần Văn Bắc, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) cho biết. Các kênh mua sắm hiện đại nở rộ, với nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước có mặt ở Cần Thơ mở cửa hàng, siêu thị, kết nối kinh doanh. Cuộc đua thị phần của các doanh nghiệp trong các chương trình kích cầu tiêu dùng, cam kết đồng hành cùng nhà nông để truy nguyên nguồn gốc thực phẩm vào siêu thị… đã mở không gian giao thương rộng hơn cho Tây Đô.

Không gian mua sắm Tết tại Siêu thị Big C Cần Thơ.

Thành phố hiện có 18 siêu thị, trung tâm thương mại; 48 cửa hàng tiện ích; 8 cửa hàng kinh doanh rau, củ, quả an toàn và 107 chợ truyền thống phủ đều khắp quận, huyện. Đại siêu thị, Trung tâm thương mại như: Co.opmart, Big C, Vincom Plaza, VinMart, Lotte Mart Cần Thơ… với không gian mua sắm thoải mái, hiện đại, hàng hóa phong phú và có cả những khu vui chơi giải trí cho mọi lứa tuổi. Không chỉ người dân thành phố mà các tỉnh trong vùng ĐBSCL cũng về đây mua sắm dịp cuối tuần, lễ, Tết. “Tôi đưa các con đến Sense City Cần Thơ xem phim. Trong thời gian chờ con, tôi ghé Co.opmart mua vật dụng cho sinh hoạt gia đình, qua các cửa hàng thời trang sắm đồ Tết cho cả nhà. Có dư thời gian nữa, sẽ rủ rê bạn bè ở Cần Thơ tụ tập hàn huyên” - chị Mỹ Hiên, quê ở Sóc Trăng chia sẻ.

Trong hành trình chinh phục khách hàng ở Cần Thơ gần 15 năm, Co.opmart Cần Thơ luôn chú trọng chất lượng sản phẩm đầu vào và dịch vụ hậu mãi cho khách hàng. Saigon Co.op hiện có hai siêu thị trên địa bàn Cần Thơ, một ở Đại lộ Hòa Bình và một ở quận Thốt Nốt. Ông Phạm Nhật Trường, Phó Giám đốc Phòng Kinh doanh Hệ thống siêu thị Co.opmart, chia sẻ: Đối với hàng thực phẩm, nông sản thì sản phẩm đưa vào hệ thống Co.opmart phải đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, được cơ quan chức năng cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, Organic. Chúng tôi luôn kiểm tra định kỳ, hoặc đột xuất về nguồn nguyên liệu sản xuất đến siêu thị, người tiêu dùng, nhằm đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Kinh doanh sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng là yếu tố sống còn của một doanh nghiệp và cũng là trách nhiệm đối với xã hội.

Với thị trường xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp thành phố đã tìm hướng đi riêng, chọn “ngách” thị trường để tạo dựng uy tín, thương hiệu. Công ty TNHH MTV Phạm Nghĩa T&N, phường Phú Thứ, quận Cái Răng không chỉ “bao sân” tại thị trường nội địa với mặt hàng cá thát lát mà còn vươn ra quốc tế. “Năm 2018, công ty mở rộng thị trường sang Nhật Bản, Úc và chuẩn bị thành lập Công ty tại Hà Lan để đưa hàng vào EU. Sản phẩm cá thát lát được chào hàng tại các thị trường này là dòng sản phẩm cao cấp, giá trị gia tăng cao” - ông Phạm Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phạm Nghĩa T&N hào hứng thông báo.

Nói về sự phát triển này, ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết: “Năm qua, thương mại - dịch vụ của thành phố phát triển đa dạng với nhiều loại hình, năng lực bán buôn, bán lẻ hàng hóa tăng, bước đầu thể hiện vai trò trung tâm phân phối hàng hóa cho cả vùng ĐBSCL”. Ngoài ra, Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, Tuần lễ Khuyến mại Cần Thơ năm 2017, Chương trình bình ổn thị trường, kết nối cung - cầu... được tổ chức rầm rộ, tạo nên không khí giao thương tấp nập từ nội ô ra ngoại thành.

 * Khơi nguồn lực mới

Tới đây, nhu cầu vận tải hàng hóa khu vực ĐBSCL sẽ gia tăng và điểm tập kết hàng hóa, thực hiện các dịch vụ tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm như: đóng gói, bao bì, dán nhãn, phân phối… để tạo ra tiện ích trong hoạt động logistics thì Cần Thơ hội tụ đủ điều kiện đó. Theo Quyết định số 1012/QĐ-TTg, ngày 3-7-2015 của Thủ tướng Chính phủ, ĐBSCL có hai trung tâm logistics hạng 2 theo quy hoạch đến 2020 và định hướng 2030. Trong đó, một trung tâm đặt tại Cần Thơ. Để đáp ứng nhu cầu phát triển của trung tâm vùng, thành phố đã kiến nghị Bộ Công thương điều chỉnh quy mô dự án xây dựng trung tâm logistics từ 74ha lên 242,2ha và đã được chấp thuận. Đây là con đường để Tây Đô bứt phá và làm “đầu kéo” thương mại cho cả vùng, kéo hàng hóa của vùng ĐBSCL về đây xuất khẩu, chứ không “chạy” lên TP Hồ Chí Minh nữa.

Đón đầu xu hướng phát triển trong tương lai, TP Cần Thơ đặt hàng Viện Nghiên cứu Chiến lược chính sách công thương, Bộ Công thương xây dựng “Quy hoạch Phát triển thương mại TP Cần Thơ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Mục tiêu là phát huy hiệu quả các yếu tố mang tính đặc trưng sông nước, miệt vườn; khai thác tối đa lợi thế về vị trí địa kinh tế để phát triển xuất nhập khẩu thông qua hệ thống cảng biển. Hình thành hệ thống phân phối chuyên nghiệp; đưa Cần Thơ trở thành trung tâm thương mại - dịch vụ, trung tâm giao thương của vùng ĐBSCL, thực hiện chức năng hội tụ và phát luồng hàng hóa, phân phối tới các thị trường trong và ngoài thành phố.

Theo các chuyên gia kinh tế, ngoài hạ tầng giao thông đường bộ tương đối hoàn chỉnh và hệ thống cảng được đầu tư, Cần Thơ còn có lợi thế về giao thông vận tải thủy với gần 160 sông, kênh, rạch thuận lợi cho giao lưu buôn bán, phát triển du lịch giữa thành phố với các tỉnh trong vùng và TP Hồ Chí Minh. Phác thảo viễn cảnh tương lai cho sự phát triển thương mại của Cần Thơ, Tiến sĩ Phạm Văn Kiệm, Viện Nghiên cứu Chiến lược chính sách công thương, Bộ Công thương, gợi mở: Cần Thơ có thể hợp tác và liên kết cung ứng hàng nông sản cho thị trường Đông Nam bộ; làm cầu nối trung chuyển hàng hóa công nghiệp giữa các tỉnh Đông Nam bộ với Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL; phát huy vai trò cầu nối đưa hàng hóa của Đông Nam bộ sang thị trường Campuchia và các nước ASEAN.

Ngoài ra, với chợ nổi, những vườn cây ăn trái, các di tích văn hóa lịch sử, Cần Thơ có đủ khả năng trở thành điểm - tuyến du lịch sinh thái quan trọng của vùng ĐBSCL. Đây là nhân tố thúc đẩy tăng doanh thu từ du lịch, thực hiện xuất khẩu tại chỗ và tạo ra những cơ hội thu hút đầu tư phát triển ngành thương mại. Cần Thơ đang có kế hoạch xây dựng và phát triển các chợ đầu mối, chuyên doanh như: chợ bán buôn nông sản cấp vùng, chợ văn hóa - du lịch, chợ ẩm thực... “Thành phố tiếp tục triển khai Chương trình hành động thực hiện “Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030”. Đồng thời tận dụng tốt các FTA mà Việt Nam đã ký kết, tìm kiếm, mở rộng và bắt mạch chính xác thông tin thị trường để doanh nghiệp chủ động lên kế hoạch đưa hàng hóa xuất ngoại” - Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ Nguyễn Minh Toại, cho hay.

***

Vóc dáng trung tâm thương mại vùng ĐBSCL đã được định hình. Sự chuyển động của hiện tại sẽ nhóm lên ngọn lửa phát sáng và lan tỏa, tạo lực đẩy cho thương mại vùng cất cánh.

Năm 2017, khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 58,61% trong GRDP của thành phố. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ 106.041 tỉ đồng, tăng 10,9%; tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ 1.768,9 triệu USD, tăng 13,9% so năm 2016.

Chia sẻ bài viết