29/01/2020 - 10:32

Từ công nghệ 4.0 đến những mùa xanh… 

Công nghệ 4.0 đã tới “trước cửa” mọi nhà rồi! Công nghệ đã và đang phục vụ đắc lực cho quá trình phát triển thương mại, dịch vụ, xây dựng đô thị thông minh và hướng đến cuộc sống xanh, sống thuận tự nhiên, cùng nhau bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. TP Cần Thơ với hạ tầng kinh tế-xã hội đang trên đà phát triển đã tạo thuận lợi để ứng dụng công nghệ mới vào thực tiễn đời sống...

Xanh xanh thành phố bên sông

Trong khí trời se lạnh của ngày cuối năm, chúng tôi tản bộ trên những con đường rợp bóng cây của thành phố bên dòng sông Hậu hiền hòa. Đó là “phố cổ” Phan Đình Phùng, Nguyễn Trãi, là “phố mới” Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Kiệt, Lê Anh Xuân, rồi ở những khu dân cư mới mọc lên, cây xanh đang được vun trồng, chăm chút... Hơn 20 năm công tác trong ngành xây dựng và phụ trách lĩnh vực quy hoạch, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Huỳnh Văn Sáu bồi hồi: Cần Thơ đổi mới từng ngày, từng giờ nhưng nếu so với các thành phố lớn khác, điều đáng quý nhất là chúng ta vẫn giữ được sự hài hòa, trong lành cho không gian đô thị xanh...

Một đoạn của Rạch Bần (quận Ninh Kiều) được cải tạo, nâng cấp với cây xanh và mặt nước góp phần tạo cảnh quan đô thị, làm trong lành môi trường sinh thái.

* Gìn giữ cảnh quan xanh

Trong ký ức của những người dân cố cựu đã gắn bó 40-50 năm cuộc đời với Cần Thơ vẫn còn đó những công viên nho nhỏ trong lòng phố: công viên trên đường Võ Văn Tần - Nguyễn Thái Học, công viên trên đường Nguyễn An Ninh - Châu Văn Liêm..., những con đường rợp bóng cây dầu, cây sao..., những con rạch trong xanh: rạch Tham Tướng, rạch Bần... Khi thành phố Cần Thơ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, xen lẫn trong niềm vui mừng, vẫn gợn lên nỗi lo tốc độ đô thị hóa sẽ làm thành phố trở nên “thô cứng”, “khô khan”... Thế nhưng, hơn 15 năm sau đó, những mảng xanh đang dần lan tỏa, dần định hình Cần Thơ là một đô thị xanh.

Câu chuyện của chú Trần Văn Liền, người đã gầy dựng nên Vườn trái cây Vàm Xáng, nay là Mekong Rustic Cần Thơ, ở huyện Phong Điền là minh chứng cho sự hài hòa giữa phát triển và gìn giữ không gian xanh. Chú Liền là lão nông cố cựu ở huyện Phong Điền, bao đời gia đình sống nhờ làm vườn. Rồi khi cơ hội mở ra, chú làm dịch vụ, cho khách du lịch tham quan vườn. Dần dà nhiều du khách muốn có một nơi nghỉ chân hài hòa với thiên nhiên, gần gũi với người dân địa phương, chú Liền đầu tư thêm một số phòng lưu trú. Tâm lý chung của đa số người làm kinh doanh là tận dụng đất đai để sinh lợi nhuận cao nhất với chi phí rẻ nhất. Chú Liền thì không! Chú trân trọng nét quê dân dã và gìn giữ những mảng xanh.          

Trong khu vườn xanh mát của Mekong Rustic Cần Thơ, những bungalow cao cấp về nội thất nhưng vẫn giữ được nét mộc mạc thôn quê bên ngoài đã níu chân du khách trong và ngoài nước. Mật độ xây dựng của toàn khu du lịch chiếm chưa đến 20%. Những kênh rạch tự nhiên và không gian cây xanh vẫn được lưu giữ, cải tạo theo hướng bảo vệ tài nguyên bản địa, đậm chất quê xưa.

Mekong Rustic Cần Thơ nằm trong tổng quan hài hòa của Phong Điền - vùng đất nổi tiếng với những vườn cây ăn trái trĩu quả, khí hậu trong lành và đang phấn đấu trở thành đô thị sinh thái. Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, chia sẻ: Dù những tiêu chí của một huyện đô thị sinh thái đang được bàn thảo song lời giải cho bài toán là phát triển đô thị xanh, bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn những gì vốn thuộc về cảnh quan đô thị sông nước tự nhiên, hài hòa mật độ xây dựng và diện tích vườn cây ăn trái. Theo đó, huyện sẽ tập trung xây dựng khu đô thị sinh thái trung tâm có quy mô 1.500ha là trung tâm chính trị, hành chính và dịch vụ công của Phong Điền trong tương lai; phát triển không gian sinh thái gắn với thiên nhiên sông nước, tạo cảnh quan đặc trưng của thành phố, trong đó lấy thị trấn Phong Điền làm điểm trung tâm, tạo sức lan tỏa ra các khu sinh thái khác.

Hàng cây cổ thụ trên đường Nguyễn Trãi.

Theo Quy hoạch chung TP Cần Thơ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, trong mô hình phát triển không gian đô thị, thành phố hướng đến phát triển theo chuỗi các khu đô thị tập trung, đa trung tâm trong vùng đô thị nội thành và các đô thị vệ tinh trung tâm huyện. Phát triển đô thị xanh và mặt nước, có không gian đô thị nén đan xen với mặt nước và các dải cảnh quan xanh.

* Phát huy bản sắc đô thị sông nước

Thành phố Cần Thơ có 79 dự án khu đô thị, khu dân cư, tái định cư với tổng vốn đầu tư trên 50.753 tỉ đồng. Dấu ấn rõ nét trong phát triển đô thị của TP Cần Thơ chính là Khu Nam Cần Thơ. Ở Khu dân cư Nam Long Hồng Phát lô 8C, chủ đầu tư đã dành 5.000m2 đất và đầu tư hơn 5 tỉ đồng để xây dựng hồ cảnh quan xanh mát, hài hòa với thiên nhiên giữa lòng khu đô thị hiện đại. Xung quanh hồ là những thảm cỏ xanh mướt, hàng dừa nghiêng bóng và các loại cây đặc trưng vùng sông nước: lộc vừng, thủy trúc, thậm chí có cả bồn bồn… Ông Trần Đăng Khuynh, Trưởng Phòng Quản lý Dự án, Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long - Chi nhánh Cần Thơ, chia sẻ: Công ty mong muốn tạo dựng nên khoảng không gian thanh bình, yên ả, mặt nước hồ góp phần cải tạo vi khí hậu, tạo cảm giác mát mẻ về mặt thị giác, giữ cho không khí trong lành. Nhận được phản hồi tích cực nên khi triển khai tiếp dự án Khu dân cư Nam Long 2, lô 9A, công ty sẽ dành khoảng 2ha để làm hồ cảnh quan.

Ngày một phát triển về hạ tầng nhưng Cần Thơ vẫn giữ được vẻ thơ mộng của một đô thị sông nước và đang hướng đến xây dựng đô thị thanh bình, thịnh vượng. Các cộng đồng có thu nhập đảm bảo và ổn định; được sống trong điều kiện môi trường xanh, sạch, an toàn . Ông Nguyễn Hồng Hà, Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận Bình Thủy, nói: Về lâu dài, các khu đô thị có không gian sống trong lành sẽ thu hút cư dân vào sinh sống. Hiện nay, nhiều chủ đầu tư đặc biệt quan tâm tạo khác biệt cho sản phẩm bất động sản bằng cách tạo ra không gian xanh kết hợp với kết cấu hạ tầng thiết yếu, đồng bộ.

Một góc đô thị sông nước Cần Thơ nhìn từ cầu Nhị Kiều.

Ông Huỳnh Văn Sáu, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, nhấn mạnh: “Xuyên suốt trong các quy hoạch hằng năm, 5 năm, Quy hoạch chung TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, chúng ta vẫn phải vững mục tiêu phát triển không gian thành phố theo hướng toàn diện, bền vững, đảm bảo an ninh quốc phòng, phát triển hài hòa cảnh quan tự nhiên, phát huy bản sắc đô thị sông nước, đô thị sinh thái đặc trưng vùng ĐBSCL. Chính sự hài hòa giữa không gian xanh và các khu đô thị hiện đại sẽ mang đến không gian sống trong lành cho cư dân đô thị”.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết