23/01/2020 - 13:48

Về miền Tây, nghe chuyện đờn ca
Trăm năm "Dạ cổ hoài lang" 

Trong câu chuyện nhận diện miền Tây, có rất nhiều dấu chỉ được đưa ra: sự bộc trực, khí khái mà dễ thương của cư dân miền sông nước; những mảnh vườn cây trái oằn sai; con kinh, con rạch mát lành… Và hẳn là rất thiếu sót, nếu không nhắc đến đờn ca tài tử.

Trải trăm năm, đờn ca tài tử là tiếng lòng, là niềm vui nỗi buồn của người miền Tây. Mỗi bài bản, nhịp phách chất chứa một câu chuyện, nhân văn và thấm đượm nghĩa tình. Về miền Tây nghe “Dạ cổ hoài lang” để cảm khái “duyên sắt cầm” đằm sâu. Về miền Tây để nghe tiếng đờn của lão nhạc sư tuổi đời hơn một thế kỷ mà ngẫm hoài câu “muối mặn gừng cay”. Và cả những em thơ sáng trong ca vang câu hát quê mình bằng niềm khát vọng, tự hào.
Đờn ca tài tử nuôi nấng tâm hồn người miền Tây.

Trăm năm "Dạ cổ hoài lang"

Đêm Rằm tháng Chạp, mấy lão nông ở “cánh đồng chó ngáp” xứ Bạc Liêu cầm cây đờn kìm so dây nắn phím rồi cất giọng “Dạ cổ hoài lang”. Mùi mẫn, bổng trầm, tiếng đờn như rót xuống sông quê cùng ánh trăng vàng sóng nước. Với người Bạc Liêu, “Dạ cổ hoài lang” là báu vật xứ sở, là khúc nhạc tình thương hoài không dứt. Trăm năm vẫn vậy!

 

Nghệ nhân Ngọc Cần, “nữ cầm” có tiếng xứ Bạc Liêu, từ thuở vào nghề vẫn chọn cây đờn kìm làm bạn. Với chị, đờn bản “Dạ cổ hoài lang” thì tiếng đờn kìm mới “tải” nổi: sắc bén từng cung bổng, lắng đọng mỗi cung trầm. Người Bạc Liêu vẫn nói, tiếng đờn kìm và bản “Dạ cổ hoài lang” là cặp đôi “duyên sắt cầm đừng lợt phai”, như lời ca của bác Sáu Lầu.
5 năm trước ở xứ Bạc Liêu, Giáo sư Trần Văn Khê ngồi xe lăn đến bên mộ phần bác Sáu Lầu chấp tay chào tiền bối rồi ân cần nói với các bạn trẻ về vẻ đẹp của “Dạ cổ hoài lang”. Ông nói, mấy ngày lưu lại Bạc Liêu, đi đâu cũng nghe “Từ là từ phu tướng”, không khí và không gian Dạ cổ đằm sâu trong mỗi con đường, con người xứ sở này. Điều đó làm nên tự hào quê hương, cao hơn nữa là tự hào đất nước, truyền thống tổ tiên. Với “Dạ cổ hoài lang”, Giáo sư Trần Văn Khê cho rằng có mấy chỗ giống nét nhạc của bản “Hành vân”, nhưng không đơn giản như “Hành vân” mà cũng không dài như “Tứ đại” và những bản Oán trong đờn ca tài tử, lại mang hơi của giọng ru em miền Nam nên dễ đi vào lòng người.

 Bạc Liêu tự hào về hành trình 100 năm “Dạ cổ hoài lang”.

Nói vậy để thấy rằng, trăm năm rồi “Dạ cổ hoài lang” vẫn giữ nguyên nét đẹp và được người đời sau xem là báu vật di sản đờn ca. Nỗi lòng của một người giờ là tiếng lòng của triệu người. Chuyện rằng, vào đêm Rằm tháng Tám năm 1919, đau lòng trước cảnh vợ chồng chia lìa vì định kiến “tam niên vô tử bất thành thê”, cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã viết nên “Dạ cổ hoài lang”. Bài ca nhanh chóng lan truyền vì nét đẹp trong nhạc điệu và ca từ. Từ bản gốc nhịp đôi, các thế hệ nhạc sĩ tiếp theo đã phát triển bằng cách nhân đôi nhịp, lên 4, 8, 16 và trở thành bản vọng cổ nhịp 32 trứ danh bây giờ. Mở nhịp như mở rộng ân tình, bài Dạ cổ, câu vọng cổ cứ vậy mà da diết, miên man, trở thành một phần tâm hồn người Nam bộ. Soạn giả Lê Duy Hạnh từng chia sẻ rằng: “Nói đến vọng cổ, người ta nhớ ngay đến bản “Dạ cổ hoài lang”, không chỉ vì “Dạ cổ hoài lang” là cái gốc của quá khứ mà còn vì mang dấu ấn trong bản vọng cổ hiện nay”.

Sinh thời, Giáo sư Trần Văn Khê ca ngợi: “Trong cổ nhạc Việt Nam, chưa có bài bản nào được như bản “Dạ cổ hoài lang” biến thành bài vọng cổ, từ sáng tác cá nhân đã biến thành sáng tác tập thể…”. Tờ Dân Quyền số ra ngày 21-11-1963, xuất bản tại Sài Gòn, có đăng “Tâm thơ của ông Sáu Lầu tức Cao Văn Lầu” gởi cho ký giả, văn nhân, nhạc sư, nhạc sĩ và khán giả với tựa đề giống như lời nhận định của cố Giáo sư Trần Văn Khê: “Bản vọng cổ ngày nay là đứa con chung của quý vị”. Bác Sáu Lầu cho rằng, bài vọng cổ từ nhịp đôi đã đổi đến nhịp 32 mỗi câu là nhờ công sửa đổi của quý vị nhạc sư, nhạc sĩ, soạn giả để trở thành đứa con tinh thần chung. “Tôi xin giao đứa con ấy cho quý vị thương nó mà giữ giùm, đừng để nó biến thành đứa con hoang mất hết căn gốc về nhịp điệu và lối ca” - bác Sáu Lầu gởi gắm.

 Đờn ca tài tử trên quê hương “Dạ cổ hoài lang”.

Một tư liệu nữa mà chúng tôi tin rằng không nhiều người biết được. Nhà văn Vũ Trọng Phụng - “Vua phóng sự Bắc kỳ” nổi danh với những tác phẩm văn chương để đời “Số đỏ”, “Giông tố”, “Vỡ đê” - vào năm 1930, khi ấy mới 18 tuổi, đã mê đắm bản “Dạ cổ hoài lang” (thời điểm này ra đời mới 11 năm). Trên tờ Phụ Nữ Tân Văn số 62, ra ngày 21-7-1930, có cho in hai sáng tác của Vũ Trọng Phụng là bài “Người đi…” với chú thích rõ ràng “Bài ca điệu VỌNG - CỔ - HOÀI LANG” (thời điểm này bản “Dạ cổ hoài lang” đã phát triển lên nhịp Tư, được gọi là “Vọng cổ hoài lang”) và bài “Kẻ ở…” theo điệu Tây Thi. “Người đi” được nhà văn Vũ Trọng Phụng mở đầu: “Tiếng đàn canh khuya thánh thót. Khiến cho khách  phiêu lưu xúc cảm bao tình!”. Câu chuyện kỳ thú này cho thấy sức hút bản “Dạ cổ hoài lang” lớn đến nhường nào.

Cuối năm về lại Bạc Liêu, được nghe bài Dạ cổ, được nghe người Bạc Liêu nói về bài Dạ cổ bằng tất cả tự hào và lời mời đầy ý vị của bà Lâm Thị Sang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu: “Trong những ngày lưu lại Bạc Liêu, du khách dành chút thời gian để nghe lại “Dạ cổ hoài lang”, để cảm cái tình của “Dạ cổ hoài lang”, để chúng ta thấy sức sống của bài ca này suốt 100 năm qua”. Một thế kỷ ấy được người Bạc Liêu gọi là “hành trình thấm đẫm nhân văn” - hành trình của lòng mộ điệu, tài hoa và tình nghĩa. 100 năm làm nên “Dạ cổ hoài lang” muôn hình vạn trạng, trở thành bài ca vua trên sân khấu cải lương, vào nhạc, sân khấu, phim ảnh với những cảm thức thẩm mỹ, sáng tạo. 

Đờn ca tài tử - tiếng lòng người phương Nam.

Cũng vì vẻ đẹp ấy mà tôi lại về Gành Hào, đêm ngồi trên chiếc ghe chài neo trên bến sông để nghe tài tử ca “Dạ cổ hoài lang”. Trăng Gành Hào đẹp lắm! Thu Thắm, cô gái tài tử miền biển Gành Hào, nhỏ nhẹ: “Cho em ca bài “Đêm Gành Hào nghe điệu Hoài lang”, ba em đờn kìm”. Nói rồi, Thắm cất giọng mặn mòi: “Gành Hào ơi, nửa đêm ai hát lên câu Hoài lang. Vầng trăng nghiêng xuống trên vạt rừng tràm. Xề u xế u liu phạn, dây tơ đàn kìm buông thiết tha”.
“Dạ cổ hoài lang” là thế đó, trăm năm đã giữ, xin gởi lại ngàn năm!

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Đờn ca tài tử