27/11/2008 - 08:27

Hội thảo khoa học

Đức vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông cuộc đời và sự nghiệp

Ngày 26-11, tại thị xã Uông Bí (Quảng Ninh), Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học Đức vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông cuộc đời và sự nghiệp.

Với 91 bản tham luận, hội thảo tập trung vào 3 chủ đề chính: vua Trần Nhân Tông con người và thời đại; vua Trần Nhân Tông anh hùng dân tộc và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Di sản tư tưởng văn hóa của thời đại nhà Trần và vua Trần Nhân Tông.

Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308) tên thật là Trần Khâm, lên ngôi năm 1278, là con trưởng của Trần Thánh Tông, mẹ là Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng thái hậu; là vị vua lãnh đạo quân dân cả nước đánh tan quân Nguyên xâm lược lần thứ 2 (1285) và thứ 3 (1287). Triều đại ông nổi bật với tinh thần quân dân đại đoàn kết, nổi tiếng qua hai hội nghị Diên Hồng và Hội nghị Bình Than. Sau cơn binh lửa, Trần Nhân Tông chú trọng khuyến khích nông trang, chiêu mộ dân khai khẩn ruộng hoang, mở rộng các công trình thủy lợi, chia ruộng đất cho dân, khuyến khích học hành thi cử, tuyển chọn nhân tài, tha tô thuế tạp dịch cho những vùng bị tàn phá... Năm 1293, ông nhường ngôi cho con là Trần Thuyên (vua Trần Anh Tông) và làm Thái Thượng hoàng cùng con lo việc nước. Năm 1299, ông giũ sạch bụi trần lên núi Yên Tử tu hành khai sáng thiền phái Trúc Lâm. Đã 700 năm trôi qua kể từ ngày Điều ngự giác hoàng Trần Nhân Tông-vị tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm tạ thế (16-11-1308), nhưng cùng với sự trường tồn của dân tộc, tinh hoa thiền học của Người vẫn lấp lánh như ngọn hải đăng soi rọi cho sự phát triển của Phật học Việt Nam với phương châm bất tử “cư trần lạc đạo” nghĩa là sống trong cõi trần vui với đạo.

MẠNH TÚ - HỒNG QUẢNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết