27/10/2008 - 09:09

Hội thảo “Khó khăn, thách thức do biến động kinh tế vĩ mô và đề xuất của doanh nghiệp Việt Nam"

* Sau 18 tháng tăng liên tục, chỉ số giá tiêu dùng đã giảm

Ngày 26-10, tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế quốc dân phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam và Ngân hàng Liên Việt tổ chức Hội thảo “Khó khăn, thách thức do biến động kinh tế vĩ mô và đề xuất của doanh nghiệp Việt Nam”. Hơn 400 đại biểu là các nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học chuyên ngành kinh tế, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, các nhà quản lý đã tham dự hội thảo. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng hoan nghênh sáng kiến tổ chức diễn đàn này, thể hiện sự đồng lòng của các lực lượng: Chính phủ, doanh nghiệp, ngân hàng, nhà trường trong nỗ lực vượt qua khó khăn do biến động kinh tế vĩ mô hiện nay. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Ngay từ quý II-2008, Chính phủ đã kiên quyết đề ra và triển khai 8 nhóm giải pháp nhằm đạt mục tiêu ưu tiên là kiềm chế lạm phát. Nhờ vậy, đến nay tỷ lệ lạm phát tháng đã giảm đáng kể, nhập siêu tháng cũng giảm, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế đất nước ước đạt 6,5 % năm 2008, tạo ra những điều kiện cần thiết để ổn định phát triển kinh tế trong điều kiện kinh tế thế giới thay đổi năm 2009.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ rõ: Điều hành kinh tế vĩ mô dựa trên 4 tham số: nhập siêu, lạm phát, lãi suất và cán cân thanh toán quốc gia. Nước ta có 2 tham số chưa ở mức phù hợp, đó là: nhập siêu: 15 - 18 tỉ USD/năm, trong đó một nửa là tài trợ qua đầu tư trực tiếp nước ngoài, một nửa là vay nước ngoài. Tham số thứ hai là lãi suất thu hồi vốn của chủ doanh nghiệp, trong Quý II năm 2008 đạt 5 - 10% trong khi lãi suất cho vay là 13-18%...

Hội thảo đã nghe hàng chục tham luận đi sâu phân tích và dự báo các biến động của kinh tế thế giới và khả năng ảnh hưởng tới nước ta. Đa số các ý kiến đều đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ thời gian qua. Tuy nhiên, các giải pháp đưa ra vẫn chưa thật sự đủ mạnh để giúp các DN vượt qua khó khăn.

Tất cả những đề xuất tại Hội thảo sẽ được tập hợp để gửi đến các đại biểu đang tham dự tại Kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XII diễn ra tại Hà Nội đến ngày 15-11-2008.

* Tổng cục Thống kê vừa công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 đã giảm 0,19% so với tháng trước. Đây là lần đầu tiên CPI của cả nước giảm sau 18 tháng tăng liên tục.

Sáu tháng đầu năm nay, CPI luôn ở mức cao, tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân mỗi tháng là 2,86%. Trong quý III-2008, tốc độ tăng giá tiêu dùng đã chậm lại, bình quân mỗi tháng CPI chỉ còn tăng 0,96% và đến tháng 10 thì CPI đã giảm 0,19% so với tháng trước. Như vậy sau 18 tháng tăng liên tục, CPI đã giảm. Tuy nhiên nếu so với tháng 10-2007 thì CPI vẫn tăng ở mức 26,72% và CPI bình quân 10 tháng đầu năm tăng 23,15% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 10 nhóm hàng hóa tính CPI tháng này, có ba nhóm hàng giảm giá so với tháng trước là hàng ăn và dịch vụ ăn uống; nhà ở và vật liệu xây dựng; phương tiện đi lại, bưu điện với mức giảm từ 0,42% đến 1,08%. Đáng chú ý là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng có mức giá giảm mạnh nhất 1,08%. Bảy nhóm hàng còn lại đều tăng giá, nhưng với mức tăng nhẹ dưới 1% (từ 0,38% đến 0,85%).

Trong tháng 10, CPI tăng cao nhất là vùng Tây Bắc (0,42%), các vùng đồng bằng sông Hồng, Đông Bắc, Tây Nguyên có mức tăng khoảng 0,03% - 0,24%. Riêng các vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải miền trung, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, giá giảm khoảng 0,07% - 0,66% so với tháng trước.

Theo Phó Vụ trưởng Thương mại, Dịch vụ và Giá cả (Tổng cục Thống kê) Nguyễn ức Thắng, một trong những nguyên nhân khiến CPI tháng này giảm nhẹ là do giá cả nhiều mặt hàng quan trọng trên thế giới như xăng, dầu, thép xây dựng, phân bón, lương thực, ga... giảm mạnh, đã tác động tích cực đến giá cả trong nước. Giá xăng, dầu giảm tới ba lần liên tiếp cũng góp phần ổn định giá cả thị trường.

HOÀNG HOA (TTXVN) – (Website Đảng Cộng sản)

Chia sẻ bài viết