17/04/2019 - 07:57

Luồng sinh khí mới từ chương trình mỗi xã một sản phẩm 

Đề án OCOP (mỗi xã một sản phẩm) là chương trình hỗ trợ khởi nghiệp nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh. Bước đầu chương trình đã đem lại luồng sinh khí mới cho các mô hình sản xuất hiệu quả trên địa bàn.

Mô hình nuôi lươn không bùn của hộ anh Phan Anh Luân. Ảnh: THÀNH PHÚ

Mô hình nuôi lươn không bùn của hộ anh Phan Anh Luân. Ảnh: THÀNH PHÚ

Hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm của huyện Vĩnh Thạnh đã đề xuất 10 loại thực phẩm và 1 loại đồ uống đã có thương hiệu và lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Trong đó đáng chú ý là các sản phẩm lươn thương phẩm (100 hộ tham gia), gạo đỏ an toàn (diện tích 20ha) và thương hiệu chả lụa Kim Nguyên (gồm 4 hộ). Qua lựa chọn, giai đoạn 2018-2020, Vĩnh Thạnh tập trung xây dựng phát triển 2 thương hiệu sản phẩm là: Lươn thương phẩm (xã Vĩnh Trinh), Gạo Đỏ an toàn của Hợp tác xã Thạnh Đạt (xã Thạnh Quới).

Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trinh, cho biết: “Từ khi mô hình nuôi lươn thương phẩm của xã được chọn là mô hình OCOP của huyện, tất cả bà con trong tổ hợp tác đều rất vui mừng khi biết thương hiệu lươn của mình sẽ được nâng tầm, được hỗ trợ toàn diện từ kỹ thuật cho đến quảng bá sản phẩm. Trong số 320 hộ nuôi lươn của xã sẽ chọn ra 100 hộ có kinh nghiệm để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, tiến tới mở rộng tổ hợp tác cho các hộ còn lại cùng tham gia”.

Bước đầu Chi cục Khuyến nông TP Cần Thơ đã chuyển giao công nghệ nuôi lươn không bùn cho hộ anh Phan Anh Luân làm thí điểm cho bà con tham quan. Đây là mô hình nuôi lươn mới với các lợi thế như chiếm ít diện tích đất, tiết kiệm nguồn nước, thức ăn, dễ xử lý khi có dịch bệnh, tốn ít công thu hoạch. Ông Nguyễn Nhật, nông dân nuôi lươn tại ấp Vĩnh Quy, xã Vĩnh Trinh, chia sẻ: “Tuy vốn đầu tư ban đầu cao nhưng với những ưu điểm vượt trội, nuôi lươn không bùn sẽ là mô hình chiếm đa số trong tương lai. Vả lại chi phí chuồng trại ban đầu cao nhưng có thể sử dụng lâu dài, giảm chi phí nhân công”.

Bên cạnh hai sản phẩm đã được lựa chọn, tầm nhìn đến năm 2030, huyện Vĩnh Thạnh sẽ có thêm 4 sản phẩm mới. Nâng tổng số sản phẩm đặc trưng của huyện lên 6 sản phẩm, chiếm 10% trong tổng số 61 sản phẩm đặc trưng của TP Cần Thơ. Trong đó các sản phẩm nổi bật đang được tập trung hỗ trợ có thương hiệu chả lụa Kim Nguyên (thị trấn Thạnh An); mô hình nuôi ếch thương phẩm (xã thạnh Lộc)...

Chương trình OCOP được triển khai trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh với mục tiêu trọng tâm là xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng của huyện nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, tăng thu nhập cho người sản xuất. Đây cũng là một phần trong nhóm giải pháp thúc đẩy phong trào khởi nghiệp nông thôn của địa phương. Chị Lê Thị Thương, chủ cơ sở sản xuất chả lụa Kim Nguyên, cho biết: “Nhờ sự hỗ trợ xuyên suốt của địa phương mà thương hiệu chả lụa Kim Nguyên mới có thể phát triển như hôm nay. Đặc biệt chính quyền đã hỗ trợ tôi rất nhiều trong vay vốn để nâng cấp, cải tiến máy móc thiết bị sản xuất, nhằm đáp ứng yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng cao. Tôi còn được tham gia các lớp tập huấn khởi nghiệp, tập huấn quản lý doanh nghiệp gia đình”.

Thời gian tới, huyện Vĩnh Thạnh tập trung hỗ trợ doanh nghiệp địa phương về cơ chế, ưu đãi vốn vay nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, hướng dẫn các tổ hợp tác cách thức xây dựng thương hiệu, cải tiến bao bì sản phẩm. Huyện cũng kiến nghị thành phố xây dựng chỉ dẫn địa lý, tổ chức hội chợ cho các sản phẩm đặc sản OCOP toàn thành phố... Bên cạnh đó, huyện cũng thường xuyên kiểm tra chất lượng của các sản phẩm OCOP, kiên quyết hạ bậc xếp hạng đối với các sản phẩm không đạt chất lượng đăng ký, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm.  

THÀNH PHÚ

Chia sẻ bài viết