29/08/2022 - 22:22

Liz Truss tiến gần đến ghế thủ tướng Anh 

MAI QUYÊN (Theo AFP)

Dựa vào kinh nghiệm chính trị và sự ủng hộ từ các thành viên nội các, cựu Ngoại trưởng Anh Liz Truss vượt trội rõ ràng so với đối thủ là cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak trong cuộc đua tìm người thay thế ông Boris Johnson vào vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ và thủ tướng.

Cựu Ngoại trưởng Liz Truss. Ảnh: AP

Từ tháng 8, các thành viên đảng Bảo thủ bắt đầu chọn người đứng đầu đảng cầm quyền bằng lá phiếu qua đường bưu điện. Cuộc bỏ phiếu kết thúc vào ngày 2-9 và tên người thắng cuộc sẽ công bố vào ngày 5-9.

Là một trong những bộ trưởng đầu tiên từ chức để phản đối loạt bê bối của chính phủ, ông Sunak liên tục dẫn đầu các cuộc thăm dò và bỏ phiếu vòng loại. Ngoài đội ngũ cố vấn được đánh giá vượt trội hơn hẳn nhóm bà Truss, tỉ phú Anh gốc Ấn Ðộ còn thu hút chú ý nhờ khả năng trình diễn trước ống kính truyền thông. Song, lợi thế này sau đó không giúp ứng viên Sunak xóa bỏ nghi ngại rằng bản thân là một nhà kỹ trị giàu có nên khó gần gũi dân lao động. Ông cũng bị phản đối về việc ưu tiên chống lạm phát để giải quyết khủng hoảng kinh tế, rồi mới tính chuyện cắt giảm thuế. Thông tin ông từng có thẻ Xanh để cư trú dài hạn tại Mỹ cho đến tận năm 2021 và vợ ông không đóng thuế tại Anh mà ở các “thiên đường thuế” cũng khiến nhiều người bất bình. Ðặc biệt, ứng viên thủ tướng da màu đầu tiên của Anh còn bị cáo buộc “phản bội” vì dẫn đầu phong trào hạ bệ Thủ tướng Johnson vốn được coi là “người hùng” của đảng Bảo thủ khi giúp Anh hoàn thành tiến trình rời Liên minh châu Âu (EU).

Trong khi đó, bà Truss ban đầu được tín nhiệm cao thứ 2, nhưng hiện vượt lên một cách rõ ràng khi nhận được ủng hộ rộng rãi từ những người trung thành với Thủ tướng Johnson. Giới chuyên môn cũng nhận xét tích cực về cựu ngoại trưởng, mô tả bà là người tinh tế và có tố chất chính trị thông qua việc tránh chỉ trích “sếp cũ” và truyền tải hiệu quả thông điệp kinh tế rõ ràng, nhất quán theo cách của đảng Bảo thủ.

Hành trình chính trị

Năm nay 47 tuổi, bà Truss xuất thân từ một gia đình theo đường lối cánh tả và ban đầu gia nhập đảng Dân chủ Tự do, trước khi chuyển sang đảng Bảo thủ cánh hữu. Năm 2010, bà trở thành nghị sĩ khu vực bầu cử Tây Nam Norfolk và kể từ năm 2012, bà đảm nhiệm một loạt chức vụ cấp bộ trong ngành giáo dục, tài chính và tư pháp dưới thời Thủ tướng David Cameron, Theresa May và chính quyền Johnson hiện nay.

Năm 2016, bà ủng hộ Anh ở lại EU nhưng thay đổi quan điểm vào năm 2017. Trước khi được bổ nhiệm làm ngoại trưởng từ tháng 9-2021, bà Truss được giao nhiệm vụ trưởng đoàn đàm phán của chính phủ về các thỏa thuận thương mại tự do mới với EU. Trong vai trò này, bà đã thể hiện quan điểm cứng rắn với Brussels. Giống như Thủ tướng Johnson, bà Truss cũng có quan điểm cứng rắn với Nga và ủng hộ Ukraine. Ðiểm gây chú ý hơn hết là phong cách ăn mặc và hình ảnh trước truyền thông của bà khiến nhiều người nghĩ tới “bà đầm thép” Margaret Thatcher - biểu tượng của các chính trị gia cánh hữu hoạt động năng nổ trong đảng Bảo thủ.

Thách thức cho tân thủ tướng

Bất cứ ai chiến thắng sau ngày 5-9 cũng sẽ đối mặt những thử thách lớn khi lạm phát ở Anh đang vượt 10%, tăng trưởng ì ạch và sự thiếu tin tưởng của người dân vào chính trị sau những bê bối của chính phủ. Martin Lewis, chuyên gia về người tiêu dùng, đã cảnh báo về một “thảm họa xã hội và tài chính” khiến cuộc sống người dân gặp rủi ro.

Trước mắt, người dân Anh từ tháng 10 được giảm 400 bảng cho hóa đơn năng lượng của họ trong 6 đợt theo chính sách do ông Sunak đề xuất. Nếu được chọn, ông Sunak còn cam kết giảm 20% thuế thu nhập cá nhân vào cuối thập kỷ này, sau khi kiểm soát được lạm phát và nợ công. Ngược lại, bà Truss loại trừ kế hoạch của ông Sunak khi cảnh báo cách tiếp cận đó sẽ đẩy Anh vào suy thoái. Mục tiêu của bà khi trở thành thủ tướng là sử dụng ngân sách giải quyết cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt bằng cách cắt giảm thuế, tăng tỷ lệ bảo hiểm quốc gia và đình chỉ thuế xanh đối với hóa đơn năng lượng.

Chia sẻ bài viết