19/10/2018 - 07:32

Yêu cầu chấn chỉnh việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính

(CT)-  Thực hiện kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính (TTHC), Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật TTHC và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc thi hành Luật TTHC.

Theo đó, yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có các giải pháp tăng cường năng lực, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ quản lý, tham mưu; chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, vi phạm trong việc ban hành quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Xác định trách nhiệm, có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật các cá nhân, tổ chức ban hành quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính trái pháp luật là nguyên nhân phát sinh việc khiếu nại, khởi kiện. Có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, vi phạm trong việc thực hiện nghĩa vụ tham gia quá trình giải quyết vụ án hành chính và thi hành bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của Luật TTHC.

Đồng thời rà soát, tổ chức thực hiện nghiêm túc, dứt điểm các bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật; chỉ đạo kiểm tra, xử lý trách nhiệm những cá nhân, tổ chức chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đầy đủ, không đúng bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Đối với những bản án có khó khăn, vướng mắc, phức tạp trong quá trình thi hành phải khẩn trương có biện pháp giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến chỉ đạo, không để kéo dài.

Phó Thủ tướng Thường trực cũng biểu dương một số địa phương chấp hành nghiêm túc Luật TTHC (Đồng Tháp, Tiền Giang…); yêu cầu một số tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Điện Biên, Lâm Đồng, Thanh Hóa, Bắc Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bạc Liêu, Hải Dương... có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời việc chưa nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ tham gia quá trình giải quyết vụ án hành chính theo quy định của Luật TTHC.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ giao Bộ Tư pháp giúp Chính phủ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra UBND các cấp trong việc chấp hành Luật TTHC, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Rà soát, kiểm tra, kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, tổ chức trong việc để tồn đọng 32 bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa thi hành; trao đổi với UBND tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành có liên quan có biện pháp giải quyết đối với bản án có khó khăn, vướng mắc, phức tạp trong quá trình thi hành; báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trước ngày 31-12-2018.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tổng kết, làm rõ những nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai, đề xuất các giải pháp chấn chỉnh, khắc phục...

LINH CHI

Chia sẻ bài viết