16/11/2017 - 09:12

Ý tưởng và quyết tâm 

Những ý tưởng khởi nghiệp, dự các cuộc thi cốt để nghe góp ý và phải nhanh nhanh tổ chức sản xuất đưa ra thị trường, sẵn sàng điều chỉnh theo nhu cầu. Ngô Chí Công, Giám đốc Công ty SX TMDV Khởi Minh Thành Công (Senta) nói về thầy của mình, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, khi xây dựng nhóm du học sinh hỗ trợ nhóm khởi nghiệp. Trước đó Công đã lập nhóm đoạt giải hồi năm ngoái tư vấn hỗ trợ cho các bạn mới khởi nghiệp hướng tới cuộc thi.

Vượt qua ngọn đồi

Các thí sinh dự thi vòng chung kết Dự án khởi nghiệp trong hai ngày ở Dinh Thống nhất, TPHCM. Thực ra từ vòng bán kết cuộc thi khởi nghiệp Nông nghiệp do Trung tâm BSA, các thí sinh đã vất vả trả lời những câu hỏi  từ Ban Giám khảo, chủ yếu là các doanh nhân thành đạt, các nhà đầu tư, các nhà khoa học gắn bó thực tiễn.

Những hạt giống Start up được trồng trên đỉnh đồi ý tưởng. Ảnh: CHÂU LAN

Các doanh nhân từng bươn bả trên thị trường từ miền Tây cũng tới đây xem 30 Start up lọt vào vòng chung kết bảo vệ ý tưởng. Một người nói trả lời suôn sẻ những câu hỏi này, thuyết phục được Ban Giám khảo cũng giống như mang ước mơ vượt qua ngọn đồi.

“Nhiều bạn đầy tham vọng, muốn che phủ thế gian, muốn mọi việc hoàn hảo và thường rất chật vật với tham vọng thay vì chỉ cần tập trung vào tính sáng tạo vì đó là cái lõi của dự án, kế đó là tính cộng đồng và hiệu quả với cách tính toán và kỹ năng để sản phẩm đi xa hơn, giá trị gia tăng bền vững hơn”,  vị này nói.

Gắt là vậy, nhưng cuối cùng 7 dự án mang tính cộng đồng cao đã nhận được học bổng về “Tăng cường năng lực kinh doanh IYB, diễn ra trong 1 tuần tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc do Ủy ban Dân tộc & Tổ chức lao động quốc tế trao tặng, 12 dự án gồm nhất, nhì, ba, khuyến khích và 2 dự án Xây dựng Nhà truyền thống người Chăm của Trương Ngọc Thùy An, An Giang  và H’Mong Home của Vừ A Ly, Sơn La nhận được học bổng là chuyến tập huấn, tham quan mô hình “Một làng một sản phẩm (OTOP)” tại Thái Lan.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vinamit, thành viên Ban Giám khảo đã tặng tổng số tiền 100 triệu đồng cho 6 dự án có ứng dụng sinh học trong sản xuất ở vòng chung kết này. Trong đó, 4 dự án nhận số tiền 20 triệu đồng, 2 dự án nhận 10 triệu đồng/dự án. Bà Phạm Chi Lan đã tặng học bổng cho Trương Ngọc Thùy An và nhờ Trung tâm BSA tổ chức để An  tham gia “ Studies tour” tại Thái Lan.

Dự án Vườn Sinh Thái Ngọc Trà của Nguyễn Thị Bích Ngọc ở Thái Nguyên và Hồ tiêu Ngũ sắc của Lại Thị Bích ở Gia Lai, Dự án SX Chế phẩm Vi sinh từ bột bã mía phục vụ nuôi tôm thâm canh của Trần Phúc Hậu, Bến Tre; Dự án Máy nông nghiệp đa năng “Thành Ngân” của Nguyễn Văn Tuấn, Bắc Kạn; Dự án Chuỗi giá trị dược liệu, nông sản tại Quản Bạ của Lý Tà Giàng,  vùng núi đá Hà Giang; Nhang sinh học có tác dụng xua muỗi của Lê Duy Hậu, Bến Tre; Mật Ong Hương Tràm của Trần Thành Long, Đồng Tháp; Gia vị nấu bún bò của Nguyễn Tấn Tôn Thất Tử Mỹ, Thừa Thiên Huế; Vườn Ươm sinh thái tự dưỡng chuyên biệt của Lê Hoàng Long, Kiên Giang (17 tuổi) theo đuổi cuộc thi và khi lọt qua vòng bán kết họ thấy như gân cốt cứng cỏi hơn, đến vòng chung kết thì Ban Giám khảo thở phào khi nhìn những mái đầu xanh vượt qua ngọn đồi ý tưởng.

Gần gũi và tinh tế

Cuối cùng, quán quân cuộc thi Dự án khởi nghiệp từ nông nghiệp thuộc về  Lê Thị Hiền (TPHCM), một dự án ứng dụng công nghệ trong sản xuất, khai thác vật liệu bỏ đi, thậm chí là rác rến ở các chợ trong thành phố. Gáo dừa khô lăn lóc ở góc chợ  được Hiền xây dựng chiến lược thương hiệu  than 4 không: không khói, không  mất nhiều thời gian mồi, không nổ bắn tia, không tốn kém và phiền hà như than củi.

Lê Thị Hiền giải thích về bếp than không khói do cô thiết kế. Ảnh: CHÂU LAN

Không phải là người đầu tiên làm than không khói nhưng có lẽ là Hiền người đầu tiên bán than không khói trên mạng Alibaba và tiếp cận Lazada. “Đó là cách “đón đầu” xu hướng thương mại điện tử và thực hiện những yêu cầu chất lượng quốc tế ngay tại thị trường Việt Nam, theo những dấu chân (digital footprint) để lại trong hành trình sản phẩm trên môi trường số”, Hiền nói.

Theo Hiền, kênh bán hàng hiệu quả nhất là các chuỗi cửa hàng Organica và hệ thống Annam Gourmet Market, hệ thống horeca… khi than 4 không tiết kiệm từ 15 – 20% so với than củi, càng rẻ hơn gas. “Nói gì thì nói chứ lửa than nấu cơm, kho cá, nướng thịt coi bộ ngon hơn các loại chất đốt khác rất nhiều”, một người mua than nói.

Tiến sĩ Phạm Chi Lan, từng là thành viên Tổ tư vấn của Chính phủ (1996 - 2006), nói rằng cuộc thi Dự án khởi nghiệp từ nông nghiệp, cho thấy các ý tưởng có tính sáng tạo, ý thức đổi mới trong việc sản xuất, kinh doanh, thể hiện quyết tâm đóng góp những điều hay, tích cực đối với cộng đồng từ góc nhìn tinh tế về tài nguyên bản địa.

Cách đây vài năm, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TPHCM, tập hợp những cây sáng kiến khởi nghiệp từ nông nghiệp ở mọi miền về Cần Thơ; Dự án Simva cũng tổ chức cuộc thi để có kỷ lục 100 ý tưởng khởi nghiệp từ nông nghiệp, nhưng đúng như nhiều chuyên gia dự báo về tỷ lệ thành công sẽ là con số rất nhỏ.

Lê Thị Hiền lập Công ty cổ phần Khoa học công nghệ R2D, trưởng nhóm nghiên cứu dành dụm được 400-500 triệu đồng, nhận giải thưởng chỉ bằng 50% số vốn bỏ ra, nhưng đối với cô là nguồn động viên, là kỳ công vượt qua một địa hình và nghe được những lời gợi ý để phát triển ý tưởng  không dễ gì có được.

Vượt qua chính mình

Trịnh Thị Ngọc Hiện, từng đoạt giải ba cuộc thi Dự án khởi nghiệp lần 2 năm 2016 với dự án Kinh doanh với người giữ rừng, cùng chồng ẵm con trai 3 tháng tuổi từ Bến Tre lên TP Hồ Chí Minh để ủng hộ tinh thần các thí sinh thi chung kết khởi nghiệp.

Ý tưởng khởi nghiệp của Thạc sĩ Hiện chỉ có 5 triệu đồng, ý chí của cô lớn hơn, vượt qua giới hạn tiền nong, vốn liếng.

Khi trở về quê làm việc tại Trung tâm Chuyển giao công nghệ - dịch vụ và phát triển cộng đồng nông - ngư nghiệp Việt Nam (thuộc Hội Nghề cá Việt Nam), Hiện tham gia dự án bảo vệ tài nguyên thiên nhiên tại xã biển Thạnh Phong (huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) do Chính phủ Đan Mạch tài trợ. 1.000ha rừng ngập mặn ở xã này được Nhà nước giao cho dân bảo tồn và khai thác với chi phí 100.000 đồng/ha.

Thử hỏi khoản hỗ trợ này có thể trở thành thu nhập bền vững dưới tán rừng? Người giữ rừng sẽ thôi lén lút chặt phá rừng hoặc bỏ rừng tha hương kiếm sống? Liệu rừng sẽ sinh sôi khi những người giữ rừng tàn tạ? Trong khi ở quê mình thì lại gặp khó khăn về đầu ra thì người thành phố sẵn sàng bỏ ra giá rất cao để tìm mua hàng sạch, có nghịch lý gì ở đây?  Hiện đánh liều bỏ vốn 5 triệu đồng để khởi nghiệp từ ý tưởng vận động cộng đồng giàu tri thức bản địa, khai thác điều kiện tự nhiên nuôi thủy sản theo hướng thuận thiên. Công việc bền bỉ, tới nay 20 hộ làm theo hướng dẫn kỹ thuật và hợp tác cung ứng nguyên liệu cho Hiện mang lên TPHCM. Bây giờ, doanh số của Hiện hơn 200 triệu đồng/tháng.

“Khi đoạt giải 3 ở kỳ thi năm ngoái, lòng tin của các hộ dân tăng lên”, Hiện nói.

 Bà Vũ Kim Anh, Phó Giám đốc Trung tâm BSA, phụ trách Dự án  sáng tạo khởi nghiệp nói: “Tôi nghĩ 30 bạn vào vòng trong đều thắng, có người được giải người không, nhưng phải nói các bạn đã cố gắng một cách đáng tự hào, đáng trân trọng khi vượt qua chính mình”.

Start up từ nông nghiệp là cách các bạn trẻ phát hiện những lỗ hổng và lấp đầy bằng những kiến thức đương đại, công nghệ thích ứng. Cái khó nhất trong hành trình khởi nghiệp là đặt cái tâm lên hàng đầu và quyết tâm theo đuổi ý tưởng cho đến cùng chứ không thể làm lấy có, làm để báo công rồi thôi, các bạn trẻ nói như vậy. Có bạn chỉ mới 17 tuổi, đang học lớp 12.

CHÂU LAN

Chia sẻ bài viết