23/09/2018 - 17:05

Y tế Cần Thơ phát triển chuyên sâu 

15 năm qua, TP Cần Thơ đã thành lập và đầu tư cho các bệnh viện chuyên khoa, phát triển các kỹ thuật điều trị chuyên sâu, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân TP Cần Thơ và các tỉnh thành lân cận, xứng đáng là “Trung tâm Y tế của vùng ĐBSCL”.

Địa chỉ tin cậy của người dân ĐBSCL

Cô Nguyễn Thị Hồng, 57 tuổi, ấp 8, xã Long Trị, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, bị khối u ác tính ở mũi, đang xạ trị tại Khoa Điều trị tia xạ, BV Ung bướu TP Cần Thơ cho biết, cuối năm 2017, khi phát hiện bệnh, gia đình đưa cô đến BV Ung bướu TP Hồ Chí Minh điều trị nhưng cuối cùng cô quay về điều trị ở BV Ung bướu TP Cần Thơ. Cô Hồng cho biết: "BV trên đó quá tải khủng khiếp, chịu không nổi, gia đình chuyển về TP Cần Thơ điều trị gần 1 năm nay. Ở đây thuận tiện cho gia đình thăm nuôi, chăm sóc hơn. Sau thời gian điều trị, tôi thấy đỡ nhiều".

Cán bộ Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ vận hành hệ thống máy Spect đời mới với 2 đầu thu. 

Khoa Điều trị tia xạ được trang bị máy xạ trị cobalt (xạ trị ngoài), máy xạ trị áp sát. Xạ trị áp sát (áp dụng 3D), tối ưu hóa lập kế hoạch điều trị, giảm biến chứng cho bệnh nhân… Bác sĩ Trần Thanh Phong, Trưởng khoa Điều trị tia xạ, cho biết: Khoảng 70% bệnh nhân ung thư có chỉ định xạ trị. Xạ trị có 3 vai trò: xạ trị triệt để, xạ trị hỗ trợ và xạ trị tạm bợ (giảm đau, chống chèn ép, cầm máu). Hằng ngày, Khoa xạ trị ngoài cho 75 bệnh nhân và xạ áp sát từ 12-15 bệnh nhân. Do tình hình quá tải ở TP Hồ Chí Minh và một số BV không có máy xạ trị nên chuyển bệnh về BV Ung bướu Cần Thơ. Nhờ hệ thống máy này giúp bệnh nhân được điều trị gần nhà, giảm chi phí đi lại, ăn ở.

Năm 2016, BV thành lập Khoa Y học hạt nhân, đây là khoa duy nhất ở khu vực ĐBSCL. Khoa được trang bị hệ thống Spect. Đây là hệ thống máy đời mới, với 2 đầu thu. Bác sĩ Nguyễn Tấn Lực,  Phó trưởng Khoa Y học hạt nhân cho biết: "Việc thành lập Khoa Y học hạt nhân đã giảm tỷ lệ bệnh nhân phải chuyển lên TP Hồ Chí Minh, đặc biệt trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý tuyến giáp lành tính, ác tính; chẩn đoán bệnh lý di căn xương; xạ hình xương, xạ hình tuyến giáp…".

Có thể nói, hơn 10 năm qua, BV Ung bướu TP Cần Thơ luôn đi đầu ứng dụng nhiều phương pháp chẩn đoán và điều trị mới trong lĩnh vực ung bướu. Hằng năm, BV triển khai 100 dịch vụ mới, góp phần giải quyết gánh nặng bệnh ung thư trên địa bàn TP Cần Thơ và khu vực ĐBSCL. Theo bác sĩ Huỳnh Minh Thiện, Trưởng Phòng Kế hoạch, hiện nay, trung mỗi ngày, BV điều trị nội trú cho 450-500 bệnh nhân, ngoại trú (xạ trị, hóa trị) 200 bệnh nhân và khám ngoại trú 500-600 bệnh. Trong đó, bệnh nhân ở TP Cần Thơ chiếm từ 35-40%. Hướng tới, BV tập trung phát triển theo hướng chuyên sâu điều trị ung thư, điều trị nhắm trúng đích, đồng thời hướng đến kỹ thuật chẩn đoán sớm ung thư, kỹ thuật sinh học phân tử xác định yếu tố nguy cơ ung thư cao.

Trong 15 năm qua, ngoài BV Ung bướu, thành phố đã thành lập mới BV Huyết học-Truyền máu Cần Thơ, BV Tim mạch, BV Phụ sản. Đồng thời, xây dựng mới cơ sở vật chất cho BV Tâm thần, BV Lao-Bệnh phổi, BV Nhi đồng; nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất cho BV Tim mạch, BV Phụ sản, BV Huyết học-Truyền máu, BV Tai mũi họng… cùng với việc mua sắm nhiều trang thiết bị hiện đại trên các lĩnh vực chuyên khoa. Từ đó, các BV chuyên khoa tập trung phát triển các kỹ thuật chuyên môn sâu, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân thành phố và các tỉnh thành lân cận.

Tiếp tục phát triển các kỹ thuật cao gắn với BV chuyên khoa

Vừa qua, Sở Y tế TP Cần Thơ đã tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch phát triển y tế TP Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Bác sĩ Cao Minh Chu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ cho biết, tuyến thành phố, ưu tiên đầu tư chuyên sâu theo từng chuyên ngành, từng bước đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, xứng tầm là Trung tâm Y tế chuyên sâu, chất lượng cao của vùng.

Về mạng lưới khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, đến năm 2020, giữ nguyên 12 BV như hiện tại. Trong đó chú trọng tăng cường đầu tư về trang thiết bị cho BV Nhi đồng để có đủ năng lực đáp ứng vai trò là BV của vùng Tây Nam bộ, góp phần giảm tải cho các BV Nhi đồng của TP Hồ Chí Minh. Giai đoạn 2021-2025, gồm 16 BV, trong đó thành lập 3 BV gồm: BV Răng hàm mặt, BV Lão khoa, BV Bệnh nhiệt đới. Ngành y tế tiếp tục bổ sung nguồn nhân lực cho các BV, tổ chức đào tạo, huấn luyện để tăng cường lực lượng đội ngũ bác sĩ có tay nghề cao, có chuyên môn sâu.

Theo quy hoạch, BV Đa khoa thành phố cũng cần thành lập thêm một số trung tâm chuyên sâu như Trung tâm Thận lọc máu, Trung tâm Nội tiết. Giai đoạn 2018-2020: xây dựng mới BV Ung bướu; kết hợp đầu tư công và đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, đẩy nhanh tiến độ xây dựng BV Tim mạch quy mô 200 giường. Giai đoạn 2021-2025: xây dựng BV Tai mũi họng; chia tách BV Mắt - Răng hàm mặt thành BV Mắt và BV Răng hàm mặt. Trong đó, xây dựng mới BV Răng hàm mặt và cải tạo BV Mắt tại cơ sở hiện tại; Cải tạo, xây dựng mới BV Da liễu… Ngoài ra, căn cứ mô hình bệnh tật và xu hướng già hóa dân số để thành lập BV Bệnh nhiệt đới quy mô 100 giường bệnh và BV Lão khoa 100 giường bệnh vào năm 2025. Nâng cấp BV Lão khoa lên 200 giường vào năm 2030. Giai đoạn 2018-2020, tiếp tục mua sắm trang thiết bị cho BV Lao và Bệnh phổi, BV Nhi đồng, BV Tai mũi họng, BV Phụ sản, BV Da liễu…

Bài, ảnh: H.Hoa

Chia sẻ bài viết