30/04/2014 - 21:47

Ý nới lỏng chính sách thụ tinh nhân tạo

Tháo bỏ luật cấm có thể làm gia tăng trẻ em được sinh ra từ ống nghiệm. Nguồn: CORBIS

Ý đang tiến hành cải cách hàng loạt trong chính sách về thụ tinh nhân tạo của nước này sau một thập niên duy trì những luật lệ nghiêm khắc và thiếu linh hoạt về sinh sản khiến nhiều cặp vợ chồng rơi vào những tình huống "dở khóc dở cười".

Đầu tháng 12 năm 2013, bốn cặp vợ chồng Ý đến bệnh viện Sandro Pertini tại Roma để thực hiện thụ tinh nhân tạo. Xét nghiệm sau đó cho thấy có hai phụ nữ mang song thai. Tuy nhiên, thật trớ trêu là những đứa con đó không phải của họ. Do nhầm lẫn từ bệnh viện, hai trong số bà mẹ tương lai có tên giống với nhau đã bị hoán đổi trứng cho nhau. Sự cố này không chỉ khiến các bác sĩ có liên quan phải chịu trách nhiệm mà còn làm cho các bà mẹ trên rơi vào tình huống pháp lý khó khăn vì luật quy định họ chỉ được phép cấy trứng của chính mình được thụ tinh trong ống nghiệm.

Ý là một trong những nước có luật về sinh sản nghiêm khắc nhất châu Âu trong thập niên qua, sau khi quốc hội nước này thông qua luật cấm hiến tặng hoặc đông lạnh trứng và tinh trùng năm 2004. Việc vi phạm được xem là một tội hình sự và phải đối mặt với mức phạt 600.000 euro cho mỗi cặp vợ chồng, còn bác sĩ và bệnh viện thực hiện tiến trình trên có thể bị tước giấy phép hành nghề. Tuy nhiên, nếu hai phụ nữ mang thai trên quyết định sẽ sinh các em bé và trả chúng lại cho cha mẹ ruột thì họ cũng phạm tội. Các chị sẽ phải đối mặt với án tù lên đến 20 năm, vì mang thai hộ dù với mục đích kinh tế hay nhân đạo đều là tội hình sự. Và dù trường hợp của họ là do lỗi của bệnh viện, họ cũng sẽ phạm tội nếu trả em bé về cho cha mẹ ruột của chúng vì luật quy định rõ ràng "người mẹ là người đã sinh em bé".

Tìm lại thiên đường đã mất

Trước lệnh cấm năm 2004, Ý được biết đến như một "thiên đường" về thụ tinh nhân tạo của phương Tây, với số ca sinh đôi, sinh ba bình quân đầu người cao nhất so với châu Âu và Mỹ. Hàng ngàn cặp vợ chồng hiếm muộn khắp nơi tìm đến đất nước hình chiếc ủng để thực hiện liệu pháp sinh sản này và làm nở nộ ngành công nghiệp "du lịch sinh sản" tại Ý. Khi đó, không có giới hạn về số trứng được cấy và cũng ít có xét nghiệm để kiểm tra việc thụ tinh nhân tạo đó diễn ra ở phụ nữ đã kết hôn, người "đẻ thuê" hay người đồng tính. Điều này đã góp phần nâng tỷ lệ sinh ba tại Ý lên 7%, so với mức ít hơn 1% trên toàn châu Âu.

Từ khi Ý áp dụng "Luật 40" về sinh sản, người dân nước này trở thành nguồn khách "du lịch sinh sản" đến các nước khác. Hiệp hội Luca Coscioni (bảo vệ quyền sinh sản và nghiên cứu khoa học) ước tính chỉ riêng năm 2012, khoảng 4.000 cặp vợ chồng Ý phải ra nước ngoài để thụ tinh nhân tạo. Tại Tây Ban Nha, khoảng 62% bệnh nhân liên quan đến thụ tinh nhân tạo là người Ý. Do việc khai sinh cho em bé không cần kê khai nơi em bé được sinh ra, Roma không thể thống kê được có bao nhiêu trẻ mỗi năm được sinh ra trong phòng nghiệm nước ngoài. Nhưng với 73.507 cặp vợ chồng đăng ký thực hiện phương pháp này trong nước theo khuôn khổ pháp luật, Bộ Y tế Ý cho biết chỉ có 15.467 ca thụ thai thành công và 13% số này sau đó sảy thai.

Trong một tòa án châu Âu về nhân quyền năm 2012, Luật sư Filomena Gallo cho rằng việc Ý cấm sử dụng trứng và tinh trùng hiến tặng đi ngược lại hiến pháp. Việc tháo bỏ lệnh cấm trong "Luật 40" không chỉ gỡ rắc rối cho những phụ nữ "mang nhầm con" như trường hợp trên mà còn giúp mở rộng cơ hội làm được cha mẹ cho những đôi vợ chồng hiếm muộn. Tòa án Tối cao Ý dự kiến sẽ nhóm họp vào 18-6 tới để thảo luận các vấn đề khác còn tồn tại trong luật này.

Tuy vậy, việc nới lỏng chính sách sinh sản cũng làm trỗi dậy lo ngại viễn cảnh Ý trở lại giai đoạn thụ tinh nhân tạo hàng loạt như trước đây. Thượng nghị sĩ Maurizio Sacconi quan ngại việc cho phép thụ tinh trong ống nghiệm có thể tạo ra những đứa bé có gien từ nhiều cha mẹ. Theo Bộ trưởng Y tế Beatrice Lorenzin, Quốc hội Ý xem xét một giải pháp "trung hòa" để "người ta đừng trở nên quá điên cuồng sản xuất em bé".

THUẬN HẢI (Theo Telegraph)

Chia sẻ bài viết