24/07/2010 - 09:07

Xưởng Quân giới - 50 năm vượt khó, sáng tạo

Các cán bộ, chiến sĩ Phòng Kỹ thuật, Bộ CHQS TP Cần Thơ kiểm tra, bảo quản xe trong “Ngày Kỹ thuật” của đơn vị.
Ảnh: Do Phòng Kỹ thuật cung cấp

Xưởng Quân giới được thành lập năm 1960 tại xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, với quân số ban đầu chỉ có 3 đồng chí, lấy tên là “Dân quân xưởng”, nhằm đảm bảo yêu cầu phục vụ sửa chữa, trang bị vũ khí, phương tiện sẵn sàng chiến đấu khi cách mạng miền Nam chuyển từ giai đoạn đấu tranh chính trị sang đấu tranh vũ trang. Trải qua hơn 50 năm xây dựng và trưởng thành, Xưởng Quân giới - nay là Phòng Kỹ thuật, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) TP Cần Thơ - luôn phát huy vai trò là cơ quan tham mưu, đảm bảo tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, diễn tập phòng thủ... của lực lượng vũ trang (LLVT) thành phố. Tháng 4-2010, Xưởng Quân giới vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng LLVT nhân dân” vì có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Anh hùng trong kháng chiến...

Chúng tôi tìm gặp Đại tá Phạm Như Ý (Sáu Ý), nguyên Chủ nhiệm Phòng Kỹ thuật, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cần Thơ đã nghỉ hưu - một cán bộ kỳ cựu đã có mặt hầu như xuyên suốt trong ngành Quân giới của Cần Thơ từ những năm đầu thành lập. Tham gia lực lượng địa phương quân thuộc xã Vĩnh Tường, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang (cũ), năm 1966, khi mới 15 tuổi, chiến sĩ Sáu Ý tình nguyện xin vào phục vụ trong xưởng Quân giới, rồi trở thành Phó phân xưởng, Phó Quản đốc xưởng Quân giới... Chú tâm sự: “Tuy được thành lập từ năm 1960 nhưng trong những năm đầu xưởng chỉ chuyên làm nhiệm vụ sửa súng, chưa sản xuất gì khác. Về sau, đơn vị bắt tay vào nghiên cứu, cải tiến các loại vũ khí, như: mìn định hướng, mâm phóng lựu đạn, bom đánh tàu, đánh xe tăng bọc thép,... Vài năm sau, nhờ được trang bị thêm một số máy tiện, máy hàn, đơn vị đã chế tạo thành công một số loại vũ khí tự tạo, thô sơ, như: súng kép, súng ngựa trời, chông mìn, thuốc gây nổ..., rồi sau này sản xuất được cả súng ngắn, mìn hẹn giờ... kịp thời cung cấp vũ khí cho các đơn vị của ta lập nên nhiều chiến công vang dội”. Ông còn nhớ như in những năm đầu khi LLVT Cần Thơ mới thành lập, anh em trong đơn vị luôn trăn trở trước tình hình quân ta rất thiếu thốn vũ khí, phải đương đầu với kẻ thù được trang bị vũ khí tối tân, hiện đại... Từ đó, các chiến sĩ quân giới không ngừng suy nghĩ, tìm tòi, cải tiến những vũ khí thu gom được của địch, đồng thời tạo ra một số vũ khí tuy còn thô sơ nhưng hiệu quả sát thương khá cao. Trong đó, có thể kể đến “súng ngựa trời” do ta tự chế. Trong cấu tạo của súng có thêm các chân đứng làm trụ đỡ và sử dụng bằng một liều thuốc phóng. Mỗi khi bắn phải giựt dây cò, phía trước để nhiều mảnh sắt vụn, miểng ve chai, gạch đá, làm sát thương địch. Đây là một cải tiến giúp ta tiết kiệm vũ khí, đạn dược rất nhiều. Không chỉ cải tiến, chế tạo được các loại súng, anh em trong ngành (tổ) hóa chất còn chế ra được thuốc gây nổ (dùng sản xuất những kíp nổ) - một công việc đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ, và kể cả phải mạo hiểm tính mạng, hy sinh. Chú Sáu Ý bồi hồi nhớ lại: “ Để điều chế ra 5 gram thuốc gây nổ (gồm axít sunfuric, thủy ngân và alcol 90 độ, với tỷ lệ thích hợp, đủ dùng cho 40 kíp nổ), anh em phải kiên trì làm việc nhiều giờ liền trong điều kiện hết sức nguy hiểm, chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể gây sát thương cho bản thân và đồng đội. Chẳng hạn khi phơi thuốc phải phơi ngoài trời nắng, thoáng và dùng cọng lông gà cột vào đầu nhánh cây, đứng xa gần 2 mét... đảo thuốc đều tay, nhẹ nhàng, bởi chỉ cần một chiếc lá cây rụng hay mạnh tay cũng có thể gây nổ...

Trong điều kiện chiến tranh gian khổ, ác liệt và có nguy cơ lan rộng, để đảm bảo an toàn và nâng cấp qui mô sản xuất, đơn vị phải chuyển địa điểm hoạt động liên tục, và luôn theo sát các chiến trường để kịp thời sửa chữa, chi viện vũ khí, phương tiện cho các đơn vị chiến đấu. Chú Sáu kể: “Có những năm do yêu cầu công tác, đơn vị phải rút vào đóng quân vào sâu trong rừng U Minh Thượng, mặc dù điều kiện sinh hoạt vô cùng thiếu thốn nhưng anh em, đồng chí vẫn luôn động viên nhau cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Đáng nhớ nhất là đợt sản xuất cao điểm chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công vào Tết Mậu Thân 1968. Sau khi nghe phát động lệnh tổng tiến công, đơn vị phát động đợt thi đua sản xuất “45 ngày đêm”, mọi người làm việc liên tục, ăn ngủ, nghỉ ngơi ngay tại công trường, để kịp đáp ứng đủ số lượng vũ khí chiến đấu. Không ít trường hợp do đuối sức, mệt mỏi, ngủ gục nên đập vào tay chảy máu...”.

Nếu như quân số trong những năm đầu chỉ có 3 đồng chí, thì đến năm 1967, đơn vị bắt đầu lớn mạnh với trên 80 đồng chí, trong đó có không ít là nữ. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, cải tiến, sáng chế ra nhiều loại vũ khí phục vụ kịp thời yêu cầu chiến đấu của các đơn vị, bên cạnh tích cực bồi dưỡng, đào tạo cho lực lượng tại chỗ, gồm những anh em làm nghề thợ rèn, thợ hàn có tinh thần yêu nước, đơn vị còn cử lực lượng đưa đi đào tạo các lớp trung cấp kỹ thuật, học nghề tại trường đào tạo T3 (Quân khu IX), nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho các chiến sĩ quân giới. Là một trong những chiến sĩ lúc bấy giờ được đơn vị đưa đi đào tạo khá bài bản, chú Sáu Ý bồi hồi kể: “Trước đây, sản xuất những vũ khí thô sơ, đa phần do anh em tự tạo, tự chế và truyền đạt kinh nghiệm cho nhau chứ chưa qua đào tạo kỹ thuật, bài bản nên xảy ra không ít trường hợp các chiến sĩ hy sinh, bị sát thương hỏng mắt, cụt tay, chân... do cưa bom, đầu đạn để lấy thuốc nổ. Thậm chí, có lần đơn vị có tới 3 đồng chí hy sinh và 2 bị thương nặng do cưa bom lép của địch. Về sau, anh em được đào tạo, trang bị kỹ thuật nên số trường hợp đáng tiếc giảm hẳn và chất lượng sản xuất cũng được cải tiến, nâng cao”.

Không chỉ làm nhiệm vụ sản xuất phục vụ chiến đấu, các chiến sĩ quân giới còn trực tiếp tham gia chiến đấu cùng các đơn vị bạn và địa phương trong những đợt càn quét, đánh phá của địch. Trong tổng số 24 trận đánh lớn nhỏ mà đơn vị từng tham gia, nổi bật nhất là trận chống lại đợt lấn chiếm bình định của địch vào năm 1971, các chiến sĩ quân giới ở phân xưởng B (đóng tại huyện Phụng Hiệp), vừa bảo vệ cơ sở vừa chiến đấu diệt hơn 60 tên địch và phá hủy 1 xe ủi đất của địch bằng mìn tự tạo. Trong chiến đấu, có không ít đồng chí đã hy sinh hay mang trên mình nhiều thương tật. Chú Lê Hoàng Em (thương binh với tỷ lệ thương tật 37%) ở xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, công tác trong Xưởng Quân giới từ năm 1963 đến năm 1976, kể: “Vào khoảng tháng 5- 1970, trong đợt chống càn cấp trung đoàn, anh em trong đơn vị chỉ với 3 khẩu súng AK đã kiên quyết bám trụ, đẩy lùi các đợt tấn công, gây nhiều thương vong cho địch. Về phía ta, có một đồng chí hy sinh và bản thân chú bị thương nặng...”.

Anh hùng trong lao động, sản xuất

Sau ngày hòa bình lập lại, nhiệm vụ chính của đơn vị là cấp phát, quản lý, khôi phục sửa chữa, bảo quản các loại vũ khí, phương tiện xe máy và các loại khí tài cũng như nghiên cứu, sản xuất đạn hơi đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập và trang bị vũ khí phục vụ cho chiến trường Campuchia. Theo chú Sáu Ý, ngoài việc bảo đảm trang bị đầy đủ vũ khí, phương tiện phục vụ chiến trường, xưởng còn tham gia huấn luyện gần 100 cán bộ, công nhân sản xuất lựu mìn cho chiến dịch và chỉ đạo sản xuất gần 100 tấn chông mìn phục vụ chiến đấu...”. Bước vào những năm đầu thời kỳ đổi mới, các chiến sĩ vừa phục vụ chiến đấu giỏi nhưng vừa phải thích ứng với kinh tế thị trường nhằm cải thiện đời sống cho bộ đội. Vì vậy đơn vị đã tổ chức sản xuất một số sản phẩm cơ khí, như: khung sườn mô tô 67, cốt cam máy nổ, bu lông thép của máy cày, máy xới, giàn khung gắn động cơ xăng cho ghe xuồng,... Chú Sáu Ý bộc bạch: “Vào giai đoạn đó, khó khăn lớn nhất của đơn vị là cán bộ quản lý kỹ thuật còn thiếu và yếu, trình độ tay nghề của anh em thấp nên đơn vị thường xuyên tập huấn, khuyến khích cán bộ, chiến sĩ tự nghiên cứu, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, từng bước đạt hiệu quả”. Ngoài sản xuất được các sản phẩm cơ khí bán ra thị trường, anh em còn nghiên cứu chế tạo một số loại đạn hơi, chất nổ phục vụ công tác huấn luyện, diễn tập. Đặc biệt, đơn vị đã sản xuất hoàn chỉnh sản phẩm xe gắn máy mang nhãn hiệu Tây Đô (Westcap) và bán ra thị trường, đạt chất lượng tốt, đem lại nguồn thu lớn cho đơn vị đồng thời trang bị một số thiết bị, máy móc hiện đại và xây dựng được đội ngũ công nhân lành nghề, có kiến thức về khoa học kỹ thuật cao, đáp ứng yêu cầu xã hội.

Phát huy truyền thống anh hùng...

Phát huy những thành tích mà ngành quân giới Cần Thơ đã đạt được, Phòng Kỹ thuật, Bộ CHQS thành phố hôm nay với chức năng là cơ quan làm công tác bảo đảm kỹ thuật cho LLVT thành phố luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bên cạnh nhiệm vụ bảo quản, bảo dưỡng, niêm cất, sửa chữa, phục hồi tính năng của các loại vũ khí, thiết bị kỹ thuật, đơn vị còn tổ chức sản xuất, bao gói chất nổ, phát huy, cải tiến các mô hình học cụ, sáng kiến kỹ thuật có giá trị phục vụ cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, cứu hộ, cứu nạn... Để đảm bảo kỹ thuật cho các đợt huấn luyện, diễn tập dài ngày, bên cạnh bảo đảm trang bị số lượng vũ khí lớn, đơn vị còn có đội ngũ cán bộ kỹ thuật giàu tâm huyết. Trung úy Phạm Hoàng Tuấn Em, trợ lý quân khí, Phòng Kỹ thuật, Bộ CHQS thành phố, một trong những cán bộ luôn nhiệt tình, tận tụy với công việc, cho biết “Trong hầu hết các buổi huấn luyện, chúng tôi luôn có mặt để kịp thời xử lý, sửa chữa những hỏng hóc hoặc trang bị đầy đủ, lắp đạn sẵn sàng cho các chiến sĩ. Có hôm anh em trong đơn vị phải thức đến khuya để lau chùi, bảo quản súng. Chúng tôi cũng tự mài mò, nghiên cứu cải tiến bạt bắn đạn hơi để giảm bớt trục trặc, hư hỏng của súng”. Những năm qua, đơn vị đã liên tục có những nghiên cứu, đề tài có giá trị tham dự thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật. Tiêu biểu là các đề tài: “Cải tiến bắn đạn hơi cho súng M50, do Bộ Quốc phòng tổ chức (năm 2008); đề tài “Thay đổi hệ thống máy cơ khí bằng hệ thống trợ lực trên xe thiết giáp PTR 152” do Quân khu IX tổ chức (năm 2009)... Theo Trung tá Nguyễn Khắc Tuyên, Chủ nhiệm Phòng Kỹ thuật, Bộ CHQS TP Cần Thơ: Hiện đơn vị đang tiếp tục nghiên cứu, cải tiến các mô hình học cụ, sáng kiến kỹ thuật nhằm đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ đồng thời thực hiện có hiệu quả và đi vào chiều sâu các mục tiêu của cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí thiết bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn tiết kiệm và an toàn giao thông”.

Với những thành tích xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng như trong thời bình, đơn vị vinh dự nhận nhiều Bằng khen, giấy khen của Quân khu, của tỉnh, thành phố; được UBND thành phố công nhận là đơn vị có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất kinh tế kết hợp với quốc phòng; được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng khen sáng kiến, sáng chế trong hoạt động sản xuất làm kinh tế quốc phòng; nhiều cá nhân được nhận Huân chương, Huy chương, Bằng khen, Giấy khen các loại... Và tháng 4-2010, đơn vị vinh dự được phong tặng đơn vị “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

QUỲNH LAM

Chia sẻ bài viết