12/07/2013 - 14:06

Xuôi về chợ nổi Ngã Năm

Chợ nổi Ngã Năm luôn sung túc và nhộn nhịp bất kể thời tiết nắng hay mưa.

Chợ nổi Ngã Năm nằm tại thị trấn Ngã Năm, huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng. Đây là chợ nổi hiếm hoi ở ĐBSCL chưa được khai thác du lịch. Hoạt động mua bán đậm chất miền sông nước, luôn tấp nập người mua kẻ bán. Người đến mua hàng cứ nhìn lên cây bẹo từ xa thì tấp ghe xuồng lại ngã giá, mua bán. Chợ nhóm từ tối hôm trước nhưng đến khoảng 4 giờ sáng hôm sau mới nhộn nhịp đúng nghĩa chợ trên sông…

Muốn cảm nhận hết không gian chợ nổi, du khách phải có mặt ở chợ lúc 5 giờ sáng hoặc sớm hơn. Khi đó, chợ vẫn còn nhóm ở khu vực giao nhau của 5 nhánh sông: Cà Mau lên, Vĩnh Quới vào, Long Mỹ, Thạnh Trị qua, Phụng Hiệp xuống. Đến khoảng 6 giờ sáng, các ghe lui vào một nhánh, chừa đường lưu thông cho tàu bè đi theo hướng kinh xáng Quản lộ Phụng Hiệp.

Những ghe khóm, dưa, cá, ba khía, cải chua… tấp nập đổ về chợ từ tối hôm trước. Họ neo đậu ghe dọc theo bờ kè ven sông. Đến khoảng 8-9 giờ đêm, số lượng ghe hàng nhiều hơn. Họ đậu lấn ra giữa dòng và neo lại đó bắt đầu buôn bán. Không khí chợ búa thật sự tấp nập từ khoảng 4 giờ sáng. Tiếng mái chèo khua nước, máy nổ chạy ghe và tiếng người trò chuyện, mặc cả như xé tan màn đêm, bắt đầu cho ngày mới với phiên chợ trên sông đầy thú vị.

Quán xá trên bờ cũng lục đục mở cửa dọn bàn ghế. Các ghe bún, hủ tiếu, nước giải khát… từ các ngã sông hối hả về đây để bán cho người đi chợ. Một ngày mới trên sông nhộn nhịp. Từ bao năm nay, chợ Ngã Năm vẫn thế. Ghe trái cây từ Cần Thơ, Phụng Hiệp, Vị Thanh, Long Mỹ đổ xuống. Ghe cá mắm từ miệt Cà Mau, Bạc Liêu đổ lên. Ghe bánh pía từ Sóc Trăng chạy đến. Chợ chẳng thiếu thứ gì. Ai tới trước thì giành chỗ neo ghe trước. Ai tới sau cứ thấy chỗ trống thì dừng lại bán. Chẳng ai tranh giành. Một năm, chợ chỉ vắng họp một vài ngày vào ngày Tết cổ truyền. Còn lại, dù mưa hay nắng, chợ vẫn tấp nập họp đều đặn mỗi khuya cho đến 9-10 giờ sáng mới tan dần.

Đi qua nhiều chợ nổi từ Cái Bè-Tiền Giang đến Cái Răng-Cần Thơ hay ngược lên Châu Đốc-An Giang, có thể nói chợ nổi Ngã Năm còn giữ được nét buôn bán thuần nông của thương hồ miền Tây. Họ luôn bận rộn trả giá để mua bán nhanh. Tiểu thương ở các chợ theo xuồng chèo ra chợ nổi mua rau củ, cá mắm. Những người bán lẻ cũng ra đây rất sớm để bổ hàng đủ loại rồi nhanh mái chèo xuôi vào những kinh rạch nhỏ bán cho người dân. Nhà xa chợ nên những xuồng chèo bán hàng là những siêu thị di động. Chỉ cần bước ra bến sông trước nhà là có xuồng hàng phục vụ tận nơi.

Du khách chỉ cần xuống xuồng chèo với giá 10.000 đồng/người là đã có chuyến đi một vòng chợ nổi. Muốn đi và dừng theo ý mình, khách trả thêm 10.000 đồng/người. Những người chèo ghe và buôn bán trên sông rất thân thiện, khách tha hồ lên ghe hàng trò chuyện với chủ ghe hay quan sát cuộc ngã giá của người buôn kẻ bán. Từ xa, những cây bẹo treo lủng lẳng đủ loại nông sản, trông rất vui mắt. Những thứ củ quả khó treo, người bán chất thành đống cao ở mũi ghe. Hoàn toàn không biển hiệu, không tiếng rao. Cây bẹo trở thành công cụ tiếp thị hiệu quả. Trước khi vào chợ nổi, nhìn từ xa người mua đã định hướng được ghe hàng mình cần và chạy xuồng máy thẳng đến đó. Ghe tương, ghe ba khía thì có những chiếc khạp da bò, kiệu chất đầy trên ghe.

Một vòng chợ chỉ mất khoảng một giờ nhưng du khách khám phá được nhiều điều thú vị về văn hóa chợ trên sông ở vùng đất này. Cảnh thanh bình và nhộn nhịp của miền quê như níu chân du khách. Luyến tiếc khi phải lên bờ, chúng tôi – những du khách hiếm hoi của chợ nổi tìm một vị trí cao của ngôi nhà hai tầng để ngắm và trải nghiệm chợ ở một góc độ khác không kém phần thú vị… Chợ nổi Ngã Năm vẫn còn mang nét nông thôn bình dị hấp dẫn, vẫn giữ được cái hồn đặc trưng của chợ nổi miền Tây, để lại ấn tượng khó quên trong lòng du khách.

Bài, ảnh: Liên Ngọc

Trước đây, khu vực này chỉ có một con kinh. Từ khi Kinh Xáng và kinh Quản lộ Phụng Hiệp hình thành, cắt ngang con kinh tự nhiên này hình thành năm ngã đi ra năm hướng.

Đường sá thông thương cả đường bộ lẫn đường sông, dần dà Ngã Năm hình thành một khu chợ nổi. Ghe từ miệt Cà Mau, Bạc Liêu đến xứ Vị Thanh, Phụng Hiệp và cả từ Cần Thơ, Long An… đổ đến đây mua bán, trao đổi hàng hóa. Và Ngã Năm trở thành trung tâm, chợ đầu mối nông sản.

Cái hay của chợ nổi Ngã Năm là người ta vẫn mua bán theo nếp cũ, tạo sự hấp dẫn đối với du khách bởi nét chân chất, thiệt thà mà phóng khoáng của người dân sông nước.

 

 

Chia sẻ bài viết