05/04/2018 - 09:14

Xứng tầm huyện nông thôn mới Phong Điền 

Phong Điền là huyện đầu tiên của TP Cần Thơ có 100% số xã đạt chuẩn và được công nhận huyện nông thôn mới vào năm 2015. Không chủ quan trước những kết quả đạt được, đến nay, tất cả 6 xã của huyện vẫn tiếp tục hoàn thiện, nâng chất các tiêu chí kết hợp với việc khai thác các lợi thế sẵn có. Phong Điền kỳ vọng sẽ trở thành huyện nông thôn mới sinh thái trong tương lai.

Dấu ấn

Theo Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới (XDNTM) huyện Phong Điền, tính đến thời điểm này, số tiêu chí bình quân các xã đạt 17,5/19 tiêu chí. Trong đó, có 3/6 xã đạt 18 tiêu chí và 3 xã đạt 17 tiêu chí. Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch  UBND huyện Phong Điền, cho biết: “Thời gian qua, Phong Điền tập trung nâng chất các tiêu chí liên quan đến phát triển hạ tầng thiết yếu, đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống dân sinh, như: giao thông, thủy lợi, điện, trường học...; đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân (thu nhập, đào tạo nghề, hình thức tổ chức sản xuất); phát triển giáo dục, văn hóa, y tế; môi trường nông thôn... Việc nâng chất các tiêu chí này góp phần giải quyết yêu cầu bức xúc trong đời sống và thực tế sản xuất nên được sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân”.

Nhà vườn Phong Điền thu hoạch cam.

Theo ông Phạm Minh Giúp, Phó Chủ tịch UBND xã Giai Xuân, những năm qua, xã luôn xác định tuyên truyền, vận động nhân dân cùng chung tay XDNTM là khâu then chốt trong việc nâng chất các tiêu chí. Giai đoạn 2016-2017, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong đó Nhà nước hỗ trợ xi măng, nhân dân hiến đất, hoa màu, vật kiến trúc và đóng góp cát, đá, ngày công lao động, Giai Xuân đã xây mới, nâng cấp 12,6km và sửa chữa 15km đường giao thông nông thôn; bắc mới, sửa chữa 43 cây cầu nông thôn. Sự đồng lòng giữa Nhà nước và nhân dân còn được thể hiện rõ qua việc cùng gia cố đê bao, các đoạn có nguy cơ sạt lở, bảo vệ vườn cây ăn trái. Thực tế cho thấy, một số tiêu chí sau thời gian nâng chất đạt tỷ lệ cao có thể kể đến như: tiêu chí thủy lợi hiện nay đảm bảo hơn 95% diện tích đất nông nghiệp được tưới, tiêu, thoát nước chủ động; tỷ lệ hộ dân sử dụng điện an toàn kỹ thuật 98,99%; tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch 88%;  tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải đạt trên 95%...

Không thể phủ nhận, sau hơn 7 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, Phong Điền đã tạo được dấu ấn và diện mạo huyện nông thôn mới sinh thái dần hiện rõ. Trên địa bàn huyện đã hình thành được những vùng chuyên canh cây ăn trái quy mô lớn như: dâu ở xã Nhơn Ái, vú sữa ở Giai Xuân, nhãn ở Trường Long, sầu riêng ở Tân Thới… Ông Trương Văn Thể, Chủ nhiệm Câu lạc bộ trồng vú sữa ấp Tân Hưng, xã Giai Xuân, chia sẻ: “Mấy chục năm gắn bó với cây vú sữa giờ chúng tôi hoàn toàn chủ động trong khâu sản xuất. Vú sữa của Câu lạc bộ chúng tôi đã được cấp mã số và chuẩn bị xuất sang Mỹ”.

Hướng đến huyện nông thôn mới sinh thái

Huyện Phong Điền chọn chủ đề năm 2018 là: “Quy hoạch xây dựng đô thị sinh thái; phát triển du lịch”. Song song đó, huyện đã xây dựng Đề án Nâng cao chất lượng các tiêu chí XDNTM giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn huyện Phong Điền và đang trong giai đoạn chờ UBND thành phố phê duyệt. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, địa phương gặp nhiều khó khăn như công tác triển khai xây dựng cảnh quan, vệ sinh môi trường ở một số nơi chưa tốt; nguồn vốn phục vụ sản xuất, hình thành vườn cây ăn trái kết hợp với du lịch còn hạn chế; kết cấu hạ tầng nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển…

Theo phản ánh của các xã, nguồn ngân sách nhà nước đầu tư nâng chất các tiêu chí sau khi được công nhận xã nông thôn mới rất hạn chế. Điều này dẫn đến việc thực hiện nâng chất các tiêu chí còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, thời gian tới, công tác tuyên truyền về XDNTM tiếp tục được tập trung theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu để vận động người dân cùng chung sức XDNTM. “Xã khuyến khích, hỗ trợ thông tin, kỹ thuật cho người sản xuất mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng lợi nhuận. Trong công tác giảm nghèo, thực hiện giảm nghèo trên phương diện hỗ trợ, kết nối, tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận vốn, việc làm… để vươn lên thoát nghèo bền vững”- ông Phạm Minh Giúp, Phó Chủ tịch UBND xã Giai Xuân, cho biết.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết: Năm 2018, huyện đề ra 3 nhóm giải pháp để nâng chất cũng như hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới: thể chế, chính sách; tổ chức thực hiện và nguồn lực. Bên cạnh đó, huyện Phong Điền kiến nghị thành phố sớm ban hành các văn bản hướng dẫn kịp thời, đồng bộ và có những chính sách hỗ trợ sản xuất phù hợp, hiệu quả cho người nông dân. Đặc biệt là chính sách về tín dụng nhằm giúp nông dân tiếp cận  được nguồn vốn trung và dài hạn để cải tạo vườn cây ăn trái tập trung, chuyên canh; chuyển đổi sản xuất theo hướng công nghệ cao. Đồng thời, xem xét, hỗ trợ huyện xây dựng các tuyến đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái kết hợp với giao thông nông thôn gắn với phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn. Tin rằng, với sự phát huy nội lực sẵn có và sự trợ lực từ cấp trên, mục tiêu huyện nông thôn mới sinh thái của Phong Điền sẽ không còn xa.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết