24/06/2008 - 20:44

Xung quanh việc sản xuất mỗi năm 3 vụ lúa cao sản ngắn ngày ở ĐBSCL

Hiện nay, ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), lúa vụ 3 mặc nhiên đã thành vụ chính, vì diện tích sản xuất lúa gần gấp hai lúa mùa, dù có năm giảm do sâu bệnh và không được khuyến khích (năm 2005 đạt 472.000 ha; 2006: 341.000 ha, 2007: 267.000 ha, 2008: dự báo: 419.000 ha). Bài viết dưới đây của Gs.Ts Nguyễn Văn Luật đề xuất dự án nghiên cứu “tài nguyên” 3 vụ lúa cao sản/ năm ở ĐBSCL, để tham mưu với lãnh đạo có quyết sách. Bởi theo ông, ĐBSCL có thể khai thác tới hàng triệu ha 3 vụ lúa cao sản/ năm và sản lượng lúa có thể tăng thêm 4-5 triệu tấn do tăng vụ…

* TIỀM NĂNG 3 VỤ LÚA

Khảo sát tình hình làm 3 vụ lúa ở một số địa phương vào tháng 6-2008 cho thấy: huyện Tháp Mười có toàn bộ diện tích lúa 15.000 ha đang bắt đầu làm vụ 3. Ở tỉnh Đồng Tháp có kế hoạch làm lúa vụ 3 năm 2008 dự kiến đạt 60.000 ha. Lịch xuống giống đợt 1 là: 25/5- 5/6; đợt 2 là: 25/6- 5/7. Tỉnh An Giang làm 3 vụ lúa hàng năm đã thu được 350.000 đến 400.000 tấn lúa với năng suất bình quân khoảng 4,8 tấn/ha. Phong trào làm lúa vụ 3 ở tỉnh này bắt đầu từ huyện cù lao Chợ Mới với 1.000 ha từ năm 1990, rồi phát triển sang nhiều huyện khác. Tỉnh Trà Vinh có trên 100.000 ha lúa, thì đã có khoảng 60.000 ha làm 3 vụ lúa. Đến hạ tuần tháng 6 này, nông dân thu hoạch cơ bản xong vụ lúa thứ 2 để làm tiếp vụ lúa thứ 3. Như vậy, 3 vụ lúa cao sản chính ở tỉnh này là đông xuân, xuân hè và hè thu. Ngoài 3 vụ lúa cao sản chính trên, còn một số vụ khác ở điều kiện thích hợp chẳng hạn như: vụ thu đông ở huyện Trà Cú, Cầu Kè. Có vụ nằm trọn vào một mùa, như ở huyện Châu Thành, nhiều hộ dân tộc Khmer dùng giống OMCS7 (75-80 ngày) làm trọn trong vụ xuân trên đất giồng nhẹ, tiếp theo là các vụ rau màu, sau đó vẫn làm được các vụ lúa chính khác.

Do điều kiện sản xuất 3 vụ lúa ở các địa phương có khác nhau, nên nhiều nơi chủ trương phát triển diện tích làm 3 vụ lúa, coi vụ 3 cũng là vụ chính như ở tỉnh Đồng Tháp; có nơi “nói không với lúa vụ 3” hay không cho làm vụ lúa 3 như ở tỉnh Kiên Giang. Sự khác nhau trên đều có cơ sở thực tế. Ở Kiên Giang có vấn đề xâm nhập mặn ở mùa khô mà Đồng Tháp không có. Kiên Giang có mô hình 2 lúa - 1 khoai lang trên 100 ha của nông dân Ba Hạo ở huyện Hòn Đất rất đáng được nghiên cứu để mở rộng diện tích, vì vừa có hiệu quả kinh tế cao, vừa cải tạo đất nặng phèn rất tốt. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 30.000-40.000 ha làm 3 vụ lúa.

 Nông dân ở huyện Thốt Nốt (TP Cần Thơ) phơi lúa hè thu 2008 vừa thu hoạch. Ảnh: KHÁNH TRUNG

Theo nhiều nguồn tin, diện tích sản xuất lúa thu đông năm 2008 sẽ “bùng phát”. Cụ thể, diện tích vụ lúa thu đông có thể đạt 417.000 ha, tăng 152.000 ha so với 2007. Diện tích sản xuất trên chủ yếu nằm trong vụ hè thu, bởi vì theo khảo sát trực tiếp thời vụ xuống giống và thu hoạch ở 2 tỉnh Trà Vinh và Đồng Tháp là vụ hè thu. Hơn nữa, diện tích lúa trên tập trung ở An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long... vì nằm trong vụ thu đông thì phần lớn sẽ bị lũ dìm (thời kỳ trổ bông và chín vào lúc mực nước lũ lớn nhất).

Mặc dù cần có đề tài khảo sát vấn đề làm 3 vụ lúa ở ĐBSCL, nhưng từ những tư liệu trên bước đầu có thể thấy hiện nay ở ĐBSCL có khoảng 0,4 – 0,5 triệu ha đất làm 3 vụ lúa, sản xuất thêm vài triệu tấn lúa. Năng suất lúa vụ xuân hè đạt xấp xỉ lúa hè thu chính vụ. Vụ thu đông cũng cho năng suất khá cao nếu ở nơi không bị gây hại do lũ dìm. Vấn đề còn ở chỗ xác định nơi nào có điều kiện thuận lợi về nước và đất cho vụ lúa xuân hè, nơi nào cho vụ thu đông tăng giữa 2 vụ chính là hè thu hoặc xuân hè và đông xuân. Một số địa phương ở tỉnh Đồng Tháp, cả ba vụ lúa đều được coi là chính vụ.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), vụ đông xuân 2008, vùng ĐBSCL lại được mùa lớn, sản lượng lúa đạt khoảng 10 triệu tấn, tăng hơn vụ đông xuân năm 2007 gần nửa triệu tấn. Dự kiến tổng sản lượng lúa năm 2008 cả 3 vụ đông xuân, hè thu và mùa đạt khoảng 21 triệu tấn, tăng gần một triệu tấn so với năm trước. Như vậy, ĐBSCL liên tiếp nhiều năm đạt sản lượng lúa năm sau cao hơn năm trước, nhiều lần tăng trên dưới 1 triệu tấn một năm. Ngay cả sau những đợt dịch rầy nâu và gần đây nhất là đợt dịch rầy nâu mang bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá làm thất thu cục bộ, nhưng sản lượng lúa toàn vùng vẫn không giảm. Những kết quả này chắc chắn là có sự đóng góp của vụ lúa thứ 3.

* GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC NHỮNG KHÓ KHĂN

Đã có những khuyến cáo từ các nhà khoa học không nên tăng quá 2 vụ lúa/năm, do vụ tăng thêm sẽ làm cầu nối sâu bệnh, nhất là rầy nâu và bệnh vàng lá/vàng lùn xoắn lá như đợt dịch vừa qua; đồng thời làm kiệt độ màu mỡ của đất lúa, hiệu quả kinh tế không cao và thường bị lỗ vốn. Mặc dù những khuyến cáo trên là có cơ sở ở ĐBSCL, nhưng người nông dân không “tranh luận” lại. Họ vẫn lẳng lặng làm vụ lúa vụ 3. Lãnh đạo ngành nông nghiệp đã thấy vấn đề trên nhưng vẫn đứng về phía nông dân. Vì họ biết: “cấm có được đâu!”.

Chúng tôi cũng như nhiều cơ quan bạn có tính toán đến hiệu quả kinh tế của lúa vụ ba, phần lớn trường hợp lời ít, hoặc bị lỗ. Nhưng nông dân vẫn cứ làm. Trước hết là để “lấy công làm lãi”; hơn nữa, giá lúa trước đây quá rẻ chưa phản ảnh được đúng giá trị. Điều này càng thấy công đóng góp của nông dân cho gạo tiêu dùng và xuất khẩu là rất lớn!

Ngành trồng trọt và bảo vệ thực vật đã có những đóng góp rất ấn tượng trong việc giúp nông dân dập dịch rầy nâu mang mầm bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá. Cụ thể là, biện pháp dập dịch ở những đợt sau phong phú hơn và có hiệu quả hơn đợt trước, làm cho chu kỳ dịch xuất hiện chậm hơn, cường độ giảm hơn và kết thúc sớm hơn. Có nhà khoa học về sâu bệnh phát biểu các đợt dịch rầy nâu bột phát mang tính chu kỳ. Ý kiến này không làm giảm những nỗ lực dập dịch trên, mà còn nhắc nhở cần luôn cảnh giác bằng các biện pháp phòng tốt ngay cả khi tưởng như vấn đề rầy nâu đã được giải quyết như có cơ quan quốc tế đã nhận thấy.

Sản xuất lúa liên tục làm giảm độ màu mỡ có thể hiện ở nơi làm bờ bao ngăn cách triệt để nước lũ về để tăng vụ lúa. Nhiều nông dân cho biết từ sau khi có bờ bao ngăn lũ triệt để, tuy chủ động thực hiện được 3 vụ lúa, nhưng sau nhiều vụ năng suất giảm dần, muốn đạt năng suất như trước phải bón phân đạm gấp rưỡi. Những thí nghiệm liên tục nhiều năm của chúng tôi trên cùng một thửa ruộng với cùng một cách bón cho thấy, hiện tượng năng suất lúa giảm dần trên chưa thấy xảy ra ở vụ đông xuân được phù sa do lũ mang đến trước khi xuống giống. Ở vụ hè thu có xảy ra, nhưng khắc phục được nếu tìm cách lấy được nước phù sa vào ruộng, hay luân canh với cây màu ngắn ngày. Trong chiều hướng chung năng suất lúa ở ĐBSCL luôn luôn tăng, đã và đang trở thành yếu tố quyết định tăng sản lượng lúa trong khi diện tích canh tác lúa giảm do công nghiệp hóa, đô thị hóa và làm sân gôn. Có thể hiểu là do nước lũ mang phù sa bồi dưỡng cho ruộng lúa và công nghệ sản xuất lúa cao hơn.

Như vậy, tăng lên 3 vụ lúa ở ĐBSCL là có thể và cần thiết để tăng sản lượng lúa, góp phần chống lạm phát. Nội dung cơ sở khoa học và cơ sở thực tế này cần được nghiên cứu xác định theo những đề tài/dự án đến mức tới những quy hoạch cụ thể cho từng tiểu sinh thái canh tác, đồng thời nghiên cứu xác định giống và kỹ thuật thích hợp, xác định hiệu quả kinh tế xã hội trước mắt cũng như lâu dài. Có thể, đề tài mở rộng đến cả những kênh cung ứng vật tư và kênh tiêu thụ sản phẩm, đề xuất làm sao để giá vật tư ở cổng nhà máy gần hơn với giá nông dân mua để sản xuất; giá thóc gạo xuất khẩu gần với giá nông dân bán tại cổng... Có như vậy mới kích thích nông dân sản xuất nhiều lúa gạo, tăng thu nhập cho nông dân vốn chịu nhiều thiệt thòi.

Về giống lúa, theo Cục Trồng trọt, bà con ta có thể chọn dùng các giống cho lúa vụ 3: OM4498, OM5930, B-TE1, OM2395, VND95-20, AS996, OMCS2000, OM4900, MTL392, MTL499, OM4668, OM4088... Về kỹ thuật, cần thực hiện tốt “3 tăng, 3 giảm”, IPM. Cần đặc biệt quan tâm giải pháp rút ngắn thời gian vụ lúa chiếm ruộng bằng biện pháp rút ngắn thời gian vụ lúa chiếm ruộng là dùng giống cực ngắn ngày nhóm Ao có thời gian sinh trưởng 90 ngày và làm nương mạ hay mạ vỉ cấy tung ném, hay mạ ném theo cách gọi trước. Những đề tài dự án tạo chọn và chuyển giao vào sản xuất giống lúa thuộc nhóm Ao trước đây đã có vào cuối những năm 80 và đầu 90 thuộc thế kỷ trước, hiện nay chưa thấy có, vì tạo chọn giống nhóm Ao khó hơn, lâu hơn, cần có kinh nghiệm và công sức.

Không cần kỹ thuật đặc biệt nào khác, mà cần phải thực hiện nghiêm túc hơn những kỹ thuật đã khuyến cáo như: vệ sinh đồng ruộng, làm đất kỹ, trang phẳng ruộng, sạ thưa theo hàng bằng máy, dùng hạt giống xác nhận thuần và sạch sâu bệnh, phòng trừ sâu bệnh ngay từ khi xử lý hạt giống, từ thời kỳ mạ, chăm bón kịp thời theo hướng giảm phân đạm hóa học, thu hoạch kịp thời, tốt nhất là bằng máy gặt đập liên hoàn, làm khô lúa bằng lò sấy...

Gs.Ts Nguyễn Văn Luật

Chia sẻ bài viết