12/10/2018 - 21:43

Xung quanh vấn đề “chạy” việc

Không ít người nghĩ rằng việc dùng tiền để lo cho mình hoặc người thân có được một công việc ổn định là chuyện bình thường mà không biết đây là hành vi trái pháp luật. Tùy trường hợp, hành vi đó có thể bị xử lý ở mức nghiêm khắc nhất là trách nhiệm hình sự.

Theo Điều 364 Bộ luật Hình sự hiện hành, hành vi đưa tiền, tài sản, lợi ích vật chất có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên hoặc lợi ích phi vật chất cho người trực tiếp có thẩm quyền giải quyết việc làm hoặc cho người trung gian để người này đưa cho người có thẩm quyền giải quyết việc làm là cấu thành tội đưa hối lộ. Đối với lợi ích phi vật chất thì không cần đánh giá giá trị.

Người xin việc bị coi là phạm tội này ngay sau khi đã thỏa thuận với người có thẩm quyền giải quyết việc làm hoặc người trung gian về số tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc phi vật chất và việc làm; không cần đến khi sự thỏa thuận đó được thực hiện trên thực tế. Người phạm tội này có thể bị phạt tối thiểu là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, tối đa có thể lên đến 20 năm tù. Người phạm tội còn có thể bị hình phạt bổ sung 20 triệu-50 triệu đồng.

Nhiều người đặt vấn đề nếu việc làm không được giải quyết hoặc giải quyết không như thỏa thuận thì có đòi lại được những gì mình đã đưa không? Theo khoản 7 Điều 364 Bộ luật Hình sự 2015, người bị ép buộc đưa hối lộ để giải quyết việc làm mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ. Mặt khác, người đưa hối lộ để được giải quyết việc làm tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ. Như vậy, Nhà nước khuyến khích những người đưa hối lộ chủ động khai báo trước khi bị phát giác, bất kể yêu cầu về việc làm của mình có được giải quyết hay chưa. 

Theo Điều 365 Bộ luật Hình sự hiện hành, người trung gian giữa bên xin việc làm và bên giải quyết việc làm: nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên hoặc lợi ích phi vật chất từ người xin việc hoặc người thân của họ để đưa cho người trực tiếp, có thẩm quyền giải quyết việc làm, bị coi là phạm tội môi giới hối lộ và có thể bị phạt tối thiểu là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, tối đa có thể là phạt tù đến 15 năm. Ngoài ra, người môi giới hối lộ còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là hình phạt tiền từ 20 triệu-200 triệu đồng. Hành vi này bị coi là phạm tội khi sự thỏa thuận giữa bên đưa hối lộ (xin việc) và người nhận hối lộ (giải quyết việc làm) diễn ra mà không cần sự thỏa thuận đó được thực hiện trên thực tế. Đối với người môi giới hối lộ để xin việc, Nhà nước cũng khuyến khích nếu người môi giới hối lộ  chủ động khai báo trước khi bị phát giác, có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

Trên thực tế, có thể xảy ra trường hợp người trung gian nhận các lợi ích từ bên xin việc và hứa giải quyết việc làm. Tuy nhiên, người này không đưa các lợi ích đó cho người có thẩm quyền trực tiếp giải quyết việc làm mà thông qua chức vụ, quyền hạn của mình gây ảnh hưởng để người có thẩm quyền giải quyết việc làm cho bên xin việc như đã thỏa thuận. Hành vi này bị coi là phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi và có thể bị xử phạt tối thiểu từ 1 năm đến 6 năm tù, tối đa có thể bị phạt tù chung thân và có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng.

Một trường hợp khác, có thể người trung gian sau khi đã nhận lợi ích từ bên xin việc, đã không đưa cho người có thẩm quyền trực tiếp giải quyết việc làm mà dùng ảnh hưởng của mình để tác động để người có thẩm quyền giải quyết việc làm cho bên xin việc như đã thỏa thuận. Hành vi này bị coi là phạm tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi và có thể bị xử phạt tối thiểu là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, tối đa có thể lên đến 10 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội này có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là hình phạt tiền 10 triệu- 50 triệu đồng.

Theo Điều 354 Bộ luật Hình sự hiện hành, người có thẩm quyền giải quyết việc làm nếu nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất từ người xin việc hoặc người thân của họ hoặc người trung gian để giải quyết việc làm sẽ cấu thành tội nhận hối lộ khi tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội phạm về tham nhũng hoặc lợi ích phi vật chất. Hành vi này bị coi là tội phạm từ khi sự thỏa thuận giữa người giải quyết việc làm với bên xin việc về lợi ích được nhận mà không cần điều đó được thực hiện trên thực tế. Hơn thế nữa, các lợi ích nhận được có thể dành cho người nhận hối lộ hoặc người, tổ chức khác. Người phạm tội nhận hối lộ có thể bị phạt tối thiểu 2 đến 7 năm tù, tối đa có thể lên đến mức tử hình. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1- 5 năm, có thể bị phạt tiền 30 triệu-100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

 Lưu ý, tội đưa hối lộ, môi giới hối lộ, nhận hối lộ để “chạy” việc không chỉ được áp dụng đối với các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước, mà theo Bộ luật Hình sự hiện hành, những hành vi này còn áp dụng cả đối với các doanh nghiệp, tổ chức ngoài quốc doanh. Mặt khác, khi bên xin việc đưa các lợi ích để có được việc làm nhưng đưa nhầm kẻ lừa đảo thì vẫn bị coi là phạm tội đưa hối lộ và bị xử phạt như trường hợp đưa đúng người nếu sự việc bị phát giác.

TS PHẠM VĂN BEO

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
“chạy” việc