15/03/2018 - 07:01

Xung quanh sự ra đi của Ngoại trưởng Mỹ 

Theo tờ New York Times, việc Tổng thống Donald Trump bất ngờ sa thải Ngoại trưởng Rex Tillerson (ảnh) và thay bằng Giám đốc Cục Tình báo Trung ương (CIA) Mike Pompeo phản ánh quyết tâm của ông chủ Nhà Trắng là cất nhắc những nhân vật trung thành để thực hiện chủ trương “Nước Mỹ trên hết”.

Quyết định cách chức được Tổng thống Trump thông báo trên Twitter kèm theo lời cám ơn ông Tillerson vì những đóng góp trên cương vị ngoại trưởng thời gian qua. Không lâu sau đó, truyền thông đưa tin Thứ trưởng Ngoại giao  Steve Goldstein cũng bị sa thải sau những tuyên bố bị cho là “mâu thuẫn” với Nhà Trắng. Hai quan chức khác của Bộ Ngoại giao gồm Chánh văn phòng và Phó chánh văn phòng là Margaret Peterlin và Christine Ciccone cũng đệ đơn từ chức.

Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters

Hiện thời, Giám đốc CIA Pompeo sẽ tạm thay thế ông Tillerson dẫn dắt Bộ Ngoại giao trong thời gian chờ Quốc hội phê chuẩn. Trong khi đó, Phó Giám đốc CIA Gina Haspel sẽ tiếp nhận vai trò lãnh đạo cơ quan này. Đây là lần đầu tiên cơ quan tình báo hàng đầu của Mỹ có nữ lãnh đạo, nhưng diễn biến này cũng gây tranh cãi không kém khi bà Haspel bị cho đã từng giám sát một trong những nhà tù thuộc hệ thống nhà tù bí mật của CIA ở Thái Lan.

Theo nhận định của Nhật báo Phố Wall, chuỗi biến động tại Bộ Ngoại giao báo hiệu những thay đổi mạnh mẽ trong chính sách đối ngoại của Mỹ giữa thời điểm Nhà Trắng đang đối mặt 2 vấn đề quan trọng cần giải quyết: thỏa thuận hạt nhân Iran và cuộc gặp thượng đỉnh với CHDCND Triều Tiên dự kiến vào tháng 5. Đây đều là những thách thức chi phối mối quan hệ của Washington và các đồng minh. Chuyên gia Gary Samore ở Trung tâm Khoa học và Nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Harvard cho rằng, việc ông Trump thời điểm này quyết định cất nhắc một nhân vật mà ông “tin cậy” và có cùng quan điểm sẽ giúp tiến trình đối ngoại được trơn tru hơn hoặc cũng có thể “thất bại gấp đôi”.

Được bổ nhiệm hơn một năm trước, Ngoại trưởng Tillerson từng được xem là nhân tố bất ngờ trong nội các và được Tổng thống Trump ca ngợi dựa trên tài thương thuyết cũng như mối quan hệ hữu hảo với Tổng thống Nga Vladimir Putin khi còn lãnh đạo tập đoàn dầu khí ExxonMobil. Nhưng sau thời kỳ đầu tốt đẹp, quan hệ giữa ông Trump với ông Tillerson dần chuyển xấu khi liên tục mâu thuẫn trong các cuộc tranh luận chính sách quan trọng, từ tình hình Trung Đông, thỏa thuận hạt nhân Iran đến mối quan hệ với Nga và vấn đề Triều Tiên. Trái lại, người thay thế ông Tillerson được cho là nhân vật trung thành và có quan điểm gần gũi với ông chủ Nhà Trắng.

Theo đó, ông Pompeo thường được cho làm giảm nhẹ vấn đề Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 nhưng lại là một trong những tiếng nói “diều hâu” trong nội các của ông Trump về vấn đề Iran và Triều Tiên. Tương tự Tổng thống Trump, ông Pompeo nhiều lần công khai chỉ trích Tehran và kêu gọi hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân đạt được dưới thời Tổng thống Barack Obama. Về vấn đề Triều Tiên, ông này từng chỉ trích chính quyền Mỹ trước đây chỉ “cố tỏ ra cứng rắn” trong khi Triều Tiên không ngừng phát triển chương trình vũ khí hạt nhân. Trên cương vị Giám đốc CIA, ông Pompeo cho rằng Bình Nhưỡng đang tiến nhanh đến khả năng phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân sang tận Mỹ và tin tưởng vào các giải pháp quân sự hơn so với người tiền nhiệm Tillerson. “Nếu hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim Jong-un thất bại hoặc có thể đạt được một thỏa thuận khả thi nhưng sau đó đổ vỡ, khả năng ông Pompeo sẽ thể hiện khuynh hướng hiếu chiến hơn bao gồm giải pháp kích động nhằm vào Triều Tiên” - Giáo sư chính trị quốc tế Mason Richey nhận định.

Trong một tuyên bố, Thứ trưởng Ngoại giao Đức Michael Roth cho rằng việc bãi nhiệm ông Tillerson “sẽ không giúp được gì”. Về phía Hàn Quốc, Ngoại trưởng Kang Kyung Wha  xác nhận việc ông Tillerson ra đi là khá “đột ngột” nhưng khẳng định diễn biến này không ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác giữa Seoul với Washington trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Đồng quan điểm, Trung Quốc không bình luận về thay đổi nhân sự của Bộ Ngoại giao Mỹ nhưng hy vọng lập trường đàm phán giữa Mỹ-Triều sẽ tiếp tục được duy trì.

Trong khi đó, Nhật Bản lấy làm tiếc về sự ra đi của Ngoại trưởng Tillerson. Trước đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono có kế hoạch hội đàm với ông Tillerson về vấn đề Triều Tiên vào cuối tuần này.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết