07/01/2012 - 14:22

Xung quanh chiến lược quốc phòng mới của Mỹ

Tổng thống Obama (giữa) công bố chiến lược quốc phòng mới bên cạnh các tướng lĩnh hàng đầu của quân đội Mỹ. Ảnh: Reuters

Sau 8 tháng nghiên cứu, tham vấn và soạn thảo, Tổng thống Barack Obama đã công bố chiến lược quân sự tổng quát của Mỹ gói gọn trên 8 trang giấy trong cuộc họp bất thường tại Lầu Năm Góc hôm 5-1. Tuy nhiên, sự thay đổi cụ thể ra sao còn phải chờ xem dự thảo ngân sách quốc phòng năm 2013 mà ông chủ Nhà Trắng dự định trình Quốc hội Mỹ vào tháng tới tiết lộ như thế nào.

Ông Obama đã trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên trực tiếp công bố chiến lược quân sự mới ngay tại tổng hành dinh của Bộ Quốc phòng Mỹ và điều này nói lên tầm quan trọng của vấn đề trong một thế giới đang thay đổi cũng như xuất phát từ thực tế của bản thân nước Mỹ ngày nay. Theo Thời báo New York của Mỹ, chiến lược quốc phòng mới của ông Obama dựa trên 3 thực tế, đó là một thập niên chiến tranh đầy tốn kém ở Iraq và Afghanistan sắp hạ màn; cuộc khủng hoảng tài chính buộc Lầu Năm Góc phải cắt giảm 487 tỉ USD trong 10 năm tới; và mối đe dọa ngày càng tăng của Trung Quốc và Iran. Ngoài ra, chiến dịch tái tranh cử tổng thống nhiệm kỳ hai cũng là mục tiêu của ông Obama khi quyết định công bố chiến lược quân sự mới.

Ông chủ Nhà Trắng giải thích rằng những thành quả mà Mỹ đạt được trong cuộc chiến ở Iraq, việc trùm khủng bố Osama bin Laden bị tiêu diệt và chiến dịch lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gadhafi ở Libye hoàn tất sẽ cho phép Mỹ cắt giảm lực lượng bộ binh hùng hậu vốn được xây dựng từ thời Chiến tranh lạnh và nay bị coi là lỗi thời. Hãng tin Reuters cho biết Mỹ có thể cắt giảm từ 10-15% trên tổng số biên chế bộ binh và thủy quân lục chiến hiện đang lần lượt có khoảng 565.000 và 201.000 người. Ngoài ra, Lầu Năm Góc sẽ rút một lữ đoàn chiến đấu từ 3.000-4.000 quân ra khỏi châu Âu, đồng minh của Mỹ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta nhấn mạnh: “Một lực lượng nhỏ gọn và cơ động có thể giúp Mỹ mở rộng vai trò quân sự tại châu Á, đồng thời vẫn duy trì sự hiện diện quy mô lớn tại Trung Đông”.

Theo Tổng thống Obama, chiến lược mới kêu gọi tăng cường sự hiện diện của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương trong khi tránh xa các cuộc chiến tranh trên bộ quy mô lớn với quân nổi dậy. Ông Obama cũng cho biết hai định hướng chiến lược trong kế hoạch cắt giảm này là gia tăng sự hiện diện tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và tiếp tục đầu tư cho các đối tác và liên minh quan trọng, như NATO, vì nhờ đó mà sức mạnh của Washington được tăng lên gấp bội. Theo nội dung bản chiến lược quân sự, Mỹ cũng sẽ duy trì sự hiện diện quân sự mạnh mẽ tại Trung Đông và sẽ phối hợp với các đồng minh ở khu vực này để bảo đảm an ninh tại Vùng Vịnh, cũng như “đối phó với những chính sách gây mất ổn định của Iran”. Chiến lược mới cũng kêu gọi Mỹ duy trì một lực lượng có thể giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh, trong khi vẫn có khả năng răn đe các mục tiêu của một kẻ thù trong cuộc xung đột thứ hai.

Nhưng để tăng cường can dự vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương với Trung Quốc là trọng tâm cũng như duy trì vị thế ở Trung Đông mà với mục tiêu chính là Iran, Nhà Trắng một mặt cắt giảm những chương trình mua sắm vũ khí đồ sộ tốn kém (như máy bay tàng hình F-35), nhưng mặt khác lại đầu tư lớn hơn cho hệ thống tên lửa, máy bay không người lái ném bom và do thám, khả năng chiến tranh mạng. Ông Obama khẳng định quy mô quân đội Mỹ tuy “cô đọng” nhưng vẫn duy trì được ưu thế vượt trội của mình với thế giới bởi ngân sách quốc phòng của nước này sắp tới dù sao cũng cao hơn 10 nước có chi phí quân sự lớn khác gộp lại. Nhà lãnh đạo đảng Dân chủ gốc Phi này tuy muốn sử dụng vấn đề kinh tế làm “điểm tựa” cho chiến dịch vận động tái tranh cử trong năm nay, nhưng ông cũng không dám làm mất lòng giới quân đội và các thế lực bảo thủ trong đảng Cộng hòa, những người lo ngại cắt giảm chi tiêu ngân sách quốc phòng sẽ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Tổng thống Obama (giữa) công bố chiến lược quốc phòng mới bên cạnh các tướng lĩnh hàng đầu của quân đ&#

Chia sẻ bài viết