22/03/2016 - 21:12

XỨNG DANH “BỘ ĐỘI CỤ HỒ”

Trong căn phòng làm việc của cựu chiến binh Nguyễn Văn Dầy ( ở ấp Thới Thuận A, thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai) có treo hai tấm ảnh khổ lớn chân dung Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông nói mình thường nhìn vào đó để soi rọi bản thân, giữ gìn trọn vẹn phẩm chất anh "Bộ đội cụ Hồ"...

*Lấy chữ tín để kinh doanh

Cuối năm 2015, tôi có nghe CCB Phạm Nghĩa Hiệp, Chủ tịch Hội CCB thị trấn Thới Lai, kể về CCB Nguyễn Văn Dầy - một CCB khởi nghiệp chỉ với mấy triệu đồng. Ông trở thành tấm gương CCB sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu của thị trấn. Lần đầu gặp mặt, tôi khá ấn tượng bởi sự xốc vác, nhanh nhẹn, giọng nói hào sảng của ông. Đưa tôi đi tham quan cơ sở sản xuất, ông chỉ cho tôi cách nhận biết từng loại gỗ làm tủ, bàn, ghế, giường… Ông cho biết, hầu hết các sản phẩm ở cơ sở ông đều không sơn trước, để khách hàng có thể nhận biết có đúng loại gỗ mình muốn mua. Ông tâm niệm phải kinh doanh với cái tâm. Người có tâm sẽ làm nghề được lâu. Và với người lính trở về đời thường làm kinh tế thì điều đó phải đặt lên hàng đầu.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Dầy chia sẻ kinh nghiệm nhận biết các loại gỗ tốt.

" Trước đây, gia cảnh tôi khó khăn, không có nhiều ruộng đất nhưng tôi nghĩ trời cho tôi sức khỏe tốt thì phải làm, nỗ lực hơn khi không có điều kiện tốt nhất" - CCB Nguyễn Văn Dầy vừa nói vừa nhìn về cánh đồng lúa gần nhà. Hơn 30 năm trước, ông Dầy cũng như bao thanh niên cùng thế hệ viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Xuất ngũ trở về địa phương, lập gia đình, CCB Nguyễn Văn Dầy oằn vai trong cuộc mưu sinh với 2 công đất ruộng. Ông dành ba phần tư đất canh tác lúa, số còn lại trồng cải bẹ xanh, xà lách, đậu bắp… Hàng ngày, vợ chồng ông thức dậy từ 4 giờ sáng để thu hoạch rau mang ra chợ bán, chắt mót từng đồng để phụng dưỡng mẹ già và nuôi con.

Năm 1992, ông đến Hà Tiên để làm gỗ thuê cho các xưởng cưa. Hơn 5 năm sau, CCB Nguyễn Văn Dầy thấy bà con ở địa phương có nhu cầu sử dụng đồ gỗ cao nên về quê thuê một thợ mộc làm tủ, bàn, ghế… bán kiếm lời. Để tiết kiệm chi phí, sau khi thợ làm ra sản phẩm, ông đảm trách công đoạn sơn, hoàn thiện sản phẩm. Năm 2003, CCB Nguyễn Văn Dầy vay 65 triệu đồng thành lập hợp tác xã chuyên sản xuất đồ gỗ và sau đó đứng ra thành lập Công ty TNHH Ngọc Ánh. "Hồi còn tại ngũ, tôi ở bộ phận hậu cần, thường đi xây dựng công trình nên biết nghề mộc. Nhưng khởi nghiệp, thấy mình không bằng ai nên đi tới đâu tôi cũng học hỏi từng chút. Năm dài tháng rộng, tôi dần dần nắm được quy trình sản xuất các sản phẩm từ gỗ" - ông Dầy kể. Để tiết kiệm chi phí, ông đi đến các trại gỗ lớn ở miền Tây, miền Trung và Tây Nguyên để tìm mua những cây chưa xẻ để có giá "mềm" hơn. Rồi ông đi đến Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh học tập kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh. Ông mày mò học cách sử dụng vi tính để lên mạng tìm hiểu mẫu mã được ưa chuộng rồi nghiên cứu, thiết kế. Theo ông, để đánh giá chất lượng cây gỗ chính xác thì không chỉ nhìn bằng mắt thường mà đôi khi cần phải ngửi và nếm.

Trong kinh doanh, ông luôn đặt chữ tín lên hàng đầu.Ông kể, hơn mười năm trước, công ty của ông có nhận một gói thầu trị giá hàng tỉ đồng. Khi ông giao hàng thì người đặt hàng nghi ngờ sản phẩm không phải tất cả đều làm từ cây dầu. Ông dõng dạc: "Tôi là đảng viên, là CCB nên luôn ý thức việc mình làm, trách nhiệm mình chịu. Tôi sẵn sàng để mọi người kiểm tra sản phẩm". Sau khi khách hàng kiểm tra và xác nhận 100% sản phẩm làm từ cây dầu, ông xúc động muốn rơi nước mắt. Bởi đây là thử thách nhưng cũng là cơ hội để ông nâng cao uy tín với mọi người.

*Làm giàu để giúp được nhiều người

Những năm qua, CCB Nguyễn Văn Dầy đã được Hội CCB thành phố, Hội CCB huyện tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen trong phong trào "CCB gương mẫu". Tuy nhiên, điều ông tâm đắc nhất chính là được san sẻ khó khăn với những người xung quanh. Ông gọi đó là trách nhiệm với xã hội. Do nhu cầu phát triển kinh doanh và mong muốn tạo việc làm cho người thân và bà con địa phương, ông Dầy đã tạo điều kiện cho nhiều người học nghề và nhận vào làm việc. Hiện nay, cơ sở của ông có khoảng 30 lao động đến từ huyện Thới Lai và quận Ô Môn. Trong đó, thợ lành nghề có thu nhập gần 9 triệu đồng/tháng, thợ tay nghề trung bình khoảng 5-6 triệu đồng/tháng và công nhân có mức lương 3-3,5 triệu đồng.

Từ 2002 đến nay, mỗi năm CCB Nguyễn Văn Dầy còn hỗ trợ tiền, quà cho các gia đình nghèo, CCB có hoàn cảnh khó khăn… với trị giá khoảng 150 triệu đồng/năm. Ông đặc biệt quan tâm các học sinh hiếu học, thông qua hỗ trợ học bổng cho các em trong dịp khai giảng. "Anh Dầy là Ủy viên Ban Chấp hành Hội CCB huyện, những cuộc họp nếu nghe lãnh đạo Hội CCB cơ sở báo có ai khó khăn là anh liên hệ hỗ trợ ngay. Khoảng 4 năm nay, mỗi năm anh còn tặng 30-40 phần quà cho CCB vào dịp Tết. Mới đây, anh đã đóng góp 10 triệu đồng cất Nhà nghĩa tình đồng đội" - Ông Phạm Nghĩa Hiệp, Chủ tịch Hội CCB thị trấn Thới Lai, cho biết. Còn CCB Lê Hoàng Đang (76 tuổi, ở ấp Thới Thuận A) chia sẻ: "Hai năm nay, chú Dầy đều tặng quà cho tôi. Năm rồi tôi nhận được tới 2 lần. Gia đình tôi thuộc diện hộ cận nghèo nên mỗi phần quà của chú tặng vào dịp Tết khiến tôi rất vui, thấy anh em CCB luôn nghĩ tới mình".

Hôm gặp tôi, CCB Nguyễn Văn Dầy hồ hởi cho biết ông vừa bàn với mấy anh em kinh doanh ở thị trấn đóng góp tiền mua xe ô tô tặng Bệnh viện Đa khoa huyện làm xe cứu thương. Dự kiến, chiếc xe trị giá khoảng 500-700 triệu đồng. Mọi người đều ủng hộ, ông đang tiếp tục vận động thêm một số người nữa. Chia sẻ về kế hoạch kinh doanh sắp tới, ông cho biết đang tiếp tục đầu tư máy móc để nâng cao chất lượng sản phẩm. Ông tâm sự: "Mình làm kinh tế tốt thì mới có thể giúp đỡ bà con được nhiều. Tôi cũng có kế hoạch hỗ trợ dạy nghề cho con em CCB. Cháu nào đến học nghề sẽ được bao cơm và hỗ trợ 20 ngàn đồng/ngày. Hai tháng sau, tôi sẽ nhận vào làm việc".

Bài, ảnh: Phạm Trung

Chia sẻ bài viết