10/10/2017 - 21:38

Xuất khẩu lạc quan 

9 tháng qua, hoạt động xuất khẩu trên địa bàn TP Cần Thơ có nhiều khởi sắc, kim ngạch xuất khẩu nhiều loại hàng hóa đạt mức tăng trưởng cao so cùng kỳ. Song, tăng trưởng xuất khẩu tại thành phố vẫn chủ yếu dựa vào 2 mặt hàng chủ lực truyền thống là gạo và thủy sản, vốn dễ chịu rủi ro từ nhu cầu thị trường và nhiều yếu tố bất lợi trong quá trình sản xuất. Để tăng trưởng xuất khẩu bền vững, đòi hỏi cần phải có sự chuyển đổi kịp thời.

Chủ lực vẫn là gạo và thủy sản

Tình hình xuất khẩu của thành phố đạt được kết quả khả quan do đầu ra nhiều mặt hàng xuất khẩu của thành phố thuận lợi khi các nước tăng nhu cầu nhập khẩu, nhất là đối với gạo và thủy sản.  Đây là 2 mặt hàng đang chiếm hơn 64% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Xuất khẩu gạo của thành phố trong 9 tháng hơn 638.000 tấn, tăng hơn 22% so cùng kỳ, với kim ngạch 261,9 triệu USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ.

Dự báo xuất khẩu gạo tiếp tục đạt kết quả khả quan trong những tháng cuối năm. Doanh nghiệp tại thành phố đang tiếp tục thực hiện các hợp đồng xuất khẩu gạo giao hàng từ nay đến cuối năm 2017 sang nhiều thị trường: Philippines, Trung Quốc, Hồng Công-Trung Quốc, Singapore, Iran…

Trong khi đó, xuất khẩu thủy sản 9 tháng đạt 117 ngàn tấn, tăng 15,1% so với cùng kỳ, kim ngạch đạt 378,7 triệu USD, tăng 4,8% so với cùng kỳ. Theo nhận định của các doanh nghiệp thủy sản Cần Thơ, nhu cầu nhập khẩu thủy sản của các thị trường vẫn cao, để đáp ứng dịp lễ hội cuối năm và đón năm mới 2018. Từ giữa tháng 9, giá mặt hàng cá tra và tôm xuất khẩu cũng có xu hướng nhích lên.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty TNHH công nghiệp thủy sản Miền Nam, Khu công nghiệp Trà Nóc II, TP Cần Thơ. Ảnh: KHÁNH TRUNG

Theo Sở Công thương TP Cần Thơ, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ thu ngoại tệ của thành phố  trong 9 tháng năm 2017 thực hiện hơn 1,2 tỉ USD, đạt 76,4% kế hoạch, tăng hơn 16% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa hơn 1 tỉ USD, đạt 75,8% kế hoạch, tăng 16,9% so với cùng kỳ; dịch vụ thu ngoại tệ là 275,2 triệu USD, đạt 78,6% kế hoạch, tăng 14% so cùng kỳ.

Ngoài gạo và thủy sản, xuất khẩu nhiều loại hàng hóa khác của thành phố cũng đạt mức tăng trưởng khá cao trong 9 tháng năm 2017 do nhu cầu nhập khẩu hàng của thị trường thế giới tăng và các doanh nghiệp tại thành phố chủ động cơ cấu lại sản xuất, phát triển thêm sản phẩm mới, thị trường xuất khẩu mới. Tuy nhiên, giá trị kim ngạch xuất khẩu các loại hàng hóa này còn khiêm tốn và chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Qua 9 tháng, xuất khẩu dược phẩm thu được 12,8 triệu USD, vượt 7% kế hoạch cả năm, tăng hơn 33,7% so cùng kỳ; xuất khẩu da thuộc 6,8 triệu USD, đạt 85,8% kế hoạch, tăng 37,51% so cùng kỳ; xuất khẩu các mặt hàng nông sản chế biến đạt kim ngạch 55,4 triệu USD, đạt 79,2% kế hoạch, tăng 24,4% so cùng kỳ. Xuất khẩu hàng may mặc là 101,4 triệu USD, đạt 67,6% kế hoạch, tăng 0,31% so cùng kỳ. Riêng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ là 3,7 triệu USD, giảm 7,8% so cùng kỳ.

Cần sự đột phá mới

Tại cuộc họp về tình hình xuất khẩu 9 tháng và kế hoạch công tác 3 tháng cuối năm 2017, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam đánh giá cao kết quả xuất khẩu đạt được, nhưng cũng chỉ rõ cơ cấu xuất khẩu còn chậm thay đổi, chủ yếu dựa vào 2 mặt hàng chủ lực truyền thống là gạo, thủy sản và phụ thuộc nhiều vào tín hiệu thị trường, chưa đảm bảo tính tăng trưởng liên tục và bền vững. Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các sở ngành hữu quan khẩn trương thúc đẩy đổi mới cơ cấu xuất khẩu, phát triển thêm các mặt hàng xuất khẩu mới và tăng cường đầu tư, chế biến sâu để nâng cao giá trị xuất khẩu. Tiếp tục quan tâm phát triển hạ tầng phục vụ xuất khẩu, phát triển doanh nghiệp xuất khẩu, thay đổi phương pháp xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và mở rộng thị trường xuất khẩu hiệu quả.

Về lâu dài, nếu chỉ dựa vào các mặt hàng gạo và thủy sản, xuất khẩu của thành phố sẽ khó có sự tăng trưởng bền vững. Nguyên nhân do thị trường tiêu thụ có nhiều rủi ro và các lợi thế về điều kiện tự nhiên để sản xuất lúa gạo và nhiều loại thủy sản tại TP Cần Thơ và ĐBSCL nói chung không còn như trước do biến đổi khí hậu và các hoạt động khai thác nước ở thượng nguồn sông Mekong.

Theo ông Trần Quốc Hà, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Cần Thơ, cơ cấu ngành hàng xuất khẩu chưa có nhiều thay đổi và  còn thiếu nhân tố tạo đột phá về giá trị cho xuất khẩu. Tăng trưởng giá trị xuất khẩu còn dựa nhiều vào việc tăng trưởng theo “chiều rộng” tức  chủ yếu dựa vào tăng mặt hàng xuất khẩu và số lượng hàng xuất khẩu. Những hạn chế này cần được khắc phục kịp thời.

TP Cần Thơ đã mở rộng và phát triển được ngày càng nhiều thị trường xuất khẩu. Các loại hàng hóa xuất khẩu cũng ngày càng đa dạng hơn. Song, theo đánh giá của nhiều sở, ngành hữu quan thành phố, xuất khẩu nhiều loại hàng hóa tại thành phố  chủ yếu ở dạng thô, hàm lượng “chất xám” trong sản phẩm còn hạn chế nên chưa tạo được giá trị gia tăng cao. Do vậy, tới đây cần quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cho chế biến sâu các sản phẩm và phát triển thêm nhiều sản phẩm nông sản chế biến cũng như sản phẩm công nghiệp. Ông Trần Văn Dũng, Phó Cục trưởng, Cục Thống kê TP Cần Thơ, cho rằng: “Cần có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tại thành phố khắc phục hạn chế trong đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ để làm ra những mặt hàng chất lượng”.

KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết