12/12/2016 - 20:05

Xử trí sau phơi nhiễm HIV

9 tháng năm 2016, toàn thành phố có 205 người bị phơi nhiễm HIV do tai nạn nghề nghiệp và tai nạn sinh hoạt. Cần phải xử trí như thế nào sau khi bị phơi nhiễm HIV là vấn đề được nhiều người quan tâm. Thạc sĩ Võ Triều Lý, Khoa Y, Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, chia sẻ về dự phòng sau phơi nhiễm HIV.

Theo Thạc sĩ Võ Triều Lý, đến cuối năm 2015, Việt Nam có trên 227.000 người nhiễm HIV còn sống. Do chương trình điều trị, chăm sóc ngày càng tốt hơn nên tuổi thọ bệnh nhân ngày càng cao. Chính vì thế, cán bộ y tế, người dân tiếp xúc với người nhiễm HIV nhiều hơn và nguy cơ phơi nhiễm cũng cao hơn.

Phơi nhiễm là tiếp xúc trực tiếp với máu/dịch cơ thể người nhiễm hoặc nghi nhiễm HIV. Có hai dạng phơi nhiễm là phơi nhiễm nghề nghiệp và sinh hoạt. Theo Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ, những dạng phơi nhiễm nghề nghiệp thường gặp là: nhân viên y tế bị kim đâm khi làm thủ thuật, bị vết thương do dao mổ gây ra khi mổ cho bệnh nhân; bị máu, dịch cơ thể của bệnh nhân bắn vào vùng da tổn thương, niêm mạc; phơi nhiễm với máu có HIV trong khi làm nhiệm vụ truy bắt tội phạm… Nguy cơ lây nhiễm HIV đối với truyền máu nhiễm HIV là 88,3- 100%; nguy cơ lây nhiễm bởi vết thương do dụng cụ y tế nhiễm HIV gây ra là 2%- 7%; tỷ lệ này là 0,09% đối với trường hợp bị máu của người nhiễm HIV bắn vào niêm mạc nguyên vẹn; còn phơi nhiễm do kim đâm có tỷ lệ 0,23%- 0,32%.

Phòng khám Ngoại trú, Bệnh viện Đa khoa Ô Môn cấp thuốc ARV cho bệnh nhân.  

Phơi nhiễm do sinh hoạt chủ yếu là quan hệ tình dục không dùng bao cao su hoặc bao cao su bị rách, vỡ hoặc bị cưỡng dâm; vết thương do đâm phải kim hoặc vật sắc nhọn ở khu vực công cộng và có dính máu nhìn thấy được... Đối với các hành vi này, nguy cơ lây nhiễm HIV qua tiêm chích ma túy có tỷ lệ 0,63-2,4%; tỷ lệ lây nhiễm HIV bởi quan hệ tình dục qua hậu môn (nam quan hệ tình dục đồng giới) là từ 0,5- 3% (đối tượng nhận) và 0,06-0,62% (đối tượng cho); tỷ lệ lây nhiễm khi quan hệ qua đường âm đạo: từ nam sang nữ là 0,1%, từ nữ sang nam là 0,05%, và quan hệ đường miệng rất thấp 0,005-0,01%.

Theo Thạc sĩ Võ Triều Lý, sau phơi nhiễm, cần xử trí vết thương như sau:

+ Với tổn thương da chảy máu, cần rửa vết thương dưới vòi nước; để vết thương tự chảy máu, không nặn bóp vết thương; rửa kỹ bằng xà phòng và nước sạch.

+ Nếu phơi nhiễm qua niêm mạc mắt: rửa mắt bằng nước cất/ nước muối NaCl 0,9% x 5 phút

+ Phơi nhiễm qua niêm mạc miệng, mũi: rửa mũi bằng nước cất hoặc dung dịch NaCl 0,9%, súc miệng bằng dung dịch NaCl 0,9% nhiều lần.

Dự phòng sau phơi nhiễm nên bắt đầu càng sớm càng tốt, tối ưu nhất là trong vòng 72 giờ. Tiêm ngừa viêm gan B nếu chưa có kháng thể bảo vệ. Việc điều trị dự phòng kéo dài 28 ngày. Thạc sĩ Võ Triều Lý lưu ý, theo các nghiên cứu, điều trị trước 72 giờ và đủ 28 ngày là thời điểm tối ưu. Thuốc ARV có tác dụng phụ, vì thế, cần kiên trì điều trị đủ phác đồ và thông báo các tác dụng phụ cho bác sĩ. Bác sĩ sẽ xác định tình trạng HIV người bị phơi nhiễm, nếu xét nghiệm đã nhiễm HIV từ trước, dừng thuốc ARV dự phòng và tư vấn đến cơ sở điều trị HIV. Nếu âm tính, tư vấn cho người bị phơi nhiễm nguy cơ nhiễm HIV; viêm gan B và C; lợi ích và nguy cơ việc dự phòng; các tác dụng phụ của thuốc ARV, triệu chứng nhiễm trùng tiên phát (sốt, phát ban, buồn nôn...); dự phòng lây nhiễm cho người khác...

Theo bác sĩ Phạm Thị Bạch Quí, Trưởng Phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS và điều trị nghiện chất, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ, khi xảy ra phơi nhiễm HIV, đa số khách hàng đến cơ sở điều trị để được tư vấn theo dõi tác dụng phụ của thuốc; hỗ trợ tâm lý (nếu cần). Quá trình tư vấn, cán bộ y tế tư vấn bệnh nhân không được cho máu; quan hệ tình dục an toàn; tiêm chích an toàn; không cho con bú đến khi loại trừ tình trạng nhiễm HIV.

Hiện nay, phòng khám ngoại trú ở các bệnh viện: Đa khoa TP Cần Thơ, Nhi đồng, Quân y 121, Đa khoa quận Ô Môn, quận Thốt Nốt, quận Cái Răng, Trung tâm Y tế dự phòng quận Ninh Kiều, có điều trị phơi nhiễm HIV. Theo quy định, phơi nhiễm HIV do tai nạn nghề nghiệp được điều trị miễn phí. Còn với trường hợp phơi nhiễm do tai nạn sinh hoạt, bác sĩ ghi toa để bệnh nhân tự mua thuốc uống. Đặc biệt đáng mừng là qua điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV, TP Cần Thơ chưa ghi nhận trường hợp có kết quả HIV dương tính.

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết