18/10/2018 - 09:53

Xử lý thành công nhiều ca nguy nan trước kỳ vượt cạn 

Những tháng cuối của thai kỳ, khi thai phụ mong mỏi đủ ngày đủ tháng để đón đứa con khỏe mạnh chào đời thì giai đoạn này chị em thường gặp phải nhiều nguy cơ tiềm ẩn như dọa sẩy thai, các bất thường nhau thai, thai chậm tăng trưởng và đặc biệt là tiền sản giật, đe dọa sức khỏe, tính mạng của cả mẹ và bé. Thời gian qua, Khoa Sản bệnh Bệnh viện (BV) Phụ sản TP Cần Thơ đã cấp cứu thành công nhiều trường hợp sản bệnh nguy kịch, đem lại niềm vui cho rất nhiều gia đình.

Cán bộ y tế thăm khám cho sản phụ sau phẫu thuật. 

Thai phụ Ng.T.B.Ph. (27 tuổi, ở quận Thốt Nốt) mang thai con rạ, tuổi thai 31 tuần, được chuyển viện từ BV quận đến BV Phụ sản TP Cần Thơ đầu tháng 10. Qua thăm khám và thực hiện các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán thai phụ bị tiền sản giật nặng, cần được kiểm soát huyết áp chặt chẽ và xử trí kịp thời diễn biến bệnh.

Nhờ sự tận tụy của các bác sĩ Khoa Sản bệnh, qua một tuần điều trị, bệnh của chị Ph. được cải thiện. Khi huyết áp bệnh nhân tạm ổn và thai nhi có dấu hiệu suy thai, các bác sĩ quyết định phẫu thuật bắt con để bảo đảm an toàn cho cả hai mẹ con. Bé gái 1.700gr cất tiếng khóc chào đời khỏe mạnh. Đến nay, sức khỏe của cả mẹ và bé gái đều tiến triển tốt.

Trước đó, cuối tháng 9, bác sĩ Khoa Sản bệnh phối hợp với các bác sĩ chuyên khoa khác của BV Phụ sản TP Cần Thơ cấp cứu thành công cho một thai phụ rất nguy kịch do tình trạng thai lưu, nhau bong non thể nặng. Bác sĩ Vũ Đăng Khoa, Trưởng Khoa Sản bệnh cho biết, trường hợp này có yếu tố nguy cơ tiền sản giật, biến chứng nhau bong non thể nặng có thể đe dọa tính mạng sản phụ nên ê kíp bác sĩ nhanh chóng phẫu thuật để cứu sống người bệnh.

Sau gần 1 giờ phẫu thuật, các bác sĩ giúp bệnh nhân vượt qua cơn thập tử nhất sinh và giữ được cơ hội làm mẹ khi bảo tồn tử cung. Bác sĩ Vũ Đăng Khoa cho biết, nhau bong non là tình trạng nhau bám đúng vị trí nhưng bị bong sớm trước khi được sổ ra ngoài do có sự hình thành khối huyết tụ sau nhau. Khối huyết tụ lớn dần làm bong bánh nhau khỏi thành tử cung, cắt đứt sự trao đổi oxy giữa mẹ và con. Những trường hợp này thường xảy ra vào 3 tháng cuối thai kỳ hay trong lúc chuyển dạ. Triệu chứng lâm sàng có thể khác nhau tùy thể nặng hay nhẹ, tuy nhiên, bệnh có thể diễn biến đột ngột, nhanh chóng gây tử vong cho cả thai nhi và thai phụ, bởi các biến chứng nguy hiểm như choáng, rối loạn đông máu, vô niệu…

Để có một thai kỳ khỏe mạnh và kịp thời xử trí những bất thường, bác sĩ Vũ Đăng Khoa, Trưởng Khoa Sản bệnh BV Phụ sản TP Cần Thơ khuyến cáo, trong thai kỳ, thai phụ nên đi khám thai ít nhất là 3 lần (gồm 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối). Tùy tình trạng sức khỏe của mẹ và thai nhi mà bác sĩ sẽ tư vấn hướng điều trị và xử trí kịp thời. Thời gian qua, BV tiếp nhận rất nhiều trường hợp thai kỳ bệnh lý, biến chứng nặng như hội chứng HELP, tiền sản giật, dọa sinh non, nhau bong non, nhau cài răng lược, nhau tiền đạo trung tâm… Trong đó, có nhiều trường hợp từ tuyến y tế cơ sở chuyển lên hoặc từ các tỉnh lân cận chuyển đến. Trước khi bệnh nhân đến, cán bộ y tế đơn vị tuyến dưới liên hệ thông báo trước tình trạng bệnh để BV chủ động điều kiện cấp cứu bệnh nhân ngay vừa nhập viện. Với những ca bệnh nặng, bệnh khó, Ban Giám đốc BV luôn sát cánh cùng ê kíp, thực hiện hội chẩn viện, hội chẩn liên viện để đảm bảo điều trị hiệu quả nhất cho người bệnh. BV cũng luôn chú trọng đến việc cải tiến, ứng dụng nhiều kỹ thuật mới, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản cho chị em trong vùng ĐBSCL.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết