24/11/2018 - 17:08

Xu hướng thiết kế trường học “xanh” nâng cao sức khỏe và chất lượng học tập 

Không nằm ngoài xu hướng thiết kế xanh (biophilic) được ưa chuộng những năm gần đây, nhiều ngôi trường trên thế giới bắt đầu cải tiến không gian học tập theo hướng thân thiện môi trường, đặc biệt là nâng cao sức khỏe và chất lượng học tập của sinh viên, học sinh.

Trường Quốc tế Pháp ở Hồng Công. Ảnh:SCMP

Các kiến trúc sư và ban giám hiệu bắt đầu chú ý đến kiến trúc trường học sau khi một số nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ giữa các phòng học được thiết kế tốt với khả năng cải thiện năng lực học tập của học sinh. Cụ thể, nghiên cứu của Đại học Salford (Anh) năm 2015 cho thấy, sự khác biệt về yếu tố vật lý trong lớp học (chất lượng không khí, màu sắc và ánh sáng) giúp nâng cao kết quả học tập ở học sinh tiểu học 16% mỗi năm.

Theo Jonny Perks, kiến trúc sư của công ty Đan Mạch Steensen Varming chuyên thiết kế các công trình bền vững tại Úc và Hồng Công, điều quan trọng đối với một ngôi trường chính là cung cấp không gian lành mạnh và tác động tích cực tới kết quả học tập. Ông dẫn kết quả một nghiên cứu chứng minh học sinh cải thiện 21% điểm kiểm tra khi lớp học được chiếu sáng tự nhiên, trong khi nghiên cứu khác cho thấy ánh sáng tự nhiên tác động đến nhịp sinh học, giúp thúc đẩy sức khỏe tổng thể, giảm căng thẳng và tăng hiệu suất học tập.

Hiện Steensen Varming đang bắt tay với nhiều kiến trúc sư và chuyên gia tư vấn về ánh sáng, âm thanh, kỹ thuật cơ khí và điện, đường ống và cảnh quan để tạo ra môi trường học tập tốt nhất có thể. Nổi bật là công trình trường nội trú ở Bắc Sydney với hồ bơi và phòng tập thể dục trong nhà, mái nhà phủ xanh cây cỏ, hệ thống thông gió và lấy ánh sáng tự nhiên. Trong khi đó, trường trung học Adelaide Botanic mới không chỉ xanh, bền vững, đáp ứng tiêu chí không gian học tập mở mà còn là ví dụ điển hình về tái sử dụng thích nghi, nhờ được thiết kế sử dụng năng lượng và nguồn nước tối thiểu và hướng tới mục tiêu “không các-bon” của thành phố vào năm 2021. Trung tâm tòa nhà là giếng trời làm từ ETFE – vật liệu nhẹ và trong suốt giúp lọc tia cực tím có hại nhưng vẫn đảm bảo cung cấp nguồn sáng tự nhiên cho học sinh.

Claude Godefroy – kiến trúc sư trưởng của công trình Trường Quốc tế Pháp vừa xây xong tại Hồng Công – cũng đồng tình cho rằng thiết kế phòng học tốt có liên quan mạnh mẽ tới năng lực học tập của học sinh. Do đó, ngôi trường mới được xây dựa trên ý tưởng giải phóng học sinh khỏi kết cấu lớp học truyền thống, thay bằng không gian học tập mở, cho phép học sinh và giáo viên các lớp dễ dàng phối hợp trong những dự án chung, tập cho các em thích nghi với môi trường làm việc nhóm. “Việc thay đổi bố cục lớp học và tiếp xúc với nhiều bạn học hơn giúp học sinh tiếp thu bài học tốt hơn so với ngồi một chỗ trong thời gian dài” – ông Godefroy lý giải.

Nhằm đảm bảo sức khỏe giáo viên và học sinh, mặt tiền của trường được thiết kế với không gian thoáng đãng, đủ ánh sáng tự nhiên và hứng gió biển nên cũng giảm nhu cầu sử dụng máy điều hòa, tiết kiệm năng lượng. Đây cũng là trường đầu tiên ở Hồng Công lót sàn bằng cao su thiên nhiên và trần nhà làm từ tre, tạo môi trường trong nhà lành mạnh, trong khi mái nhà được phủ xanh cây cỏ và có hẳn một khu vườn phục vụ học tập, nghiên cứu.

ĐƯỜNG THẤT (Theo SCMP)

Chia sẻ bài viết