15/06/2018 - 07:13

Nông nghiệp 4.0

Xu hướng tất yếu cho nền nông nghiệp Việt 

Sản phẩm nông sản ngày càng yêu cầu cao về chất lượng, áp lực tiết giảm chi phí sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu đòi hỏi nền nông nghiệp Việt Nam phải chuyển mình thích ứng. Một trong những giải pháp đó là đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào nông nghiệp...

Biểu diễn phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái của Công ty cổ phần Đại Thành. Ảnh: MỸ THANH
Biểu diễn phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái của Công ty cổ phần Đại Thành. Ảnh: MỸ THANH

Còn khó khăn

Thời gian qua, thành tựu của nông nghiệp 4.0 đã được ứng dụng trên một số lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản tại Việt Nam và đạt được kết quả ban đầu. Đơn cử như, ứng dụng công nghệ Internet kết nối vạn vật (IoT) với phần mềm Agricheck của Công ty cổ phần Đại Thành, người tiêu dùng có thể sử dụng điện thoại thông minh kiểm tra, truy xuất nguồn gốc của một số lương thực, thực phẩm. Ngoài ra, Trang trại Nuôi trồng rau sạch công nghệ cao Vifarm đã và đang ứng dụng công nghệ thủy canh hồi lưu – Hydroponic trong trồng rau sạch. Đây là công nghệ tích hợp tưới tiêu nhỏ giọt, công nghệ đèn LED; thiết bị kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, thông số môi trường. Nhờ đó, năng suất rau gấp 3 lần và giá thành một nửa so với sản xuất truyền thống. Ở lĩnh vực chăn nuôi, Tập đoàn TH True Milk đã xây dựng trang trại bò sữa ứng dụng công nghệ chăn nuôi thông minh lớn nhất châu Á với quy mô hơn 45.000 con bò... 

Những lợi ích mang lại từ nông nghiệp 4.0 là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, quá trình ứng dụng công nghệ này vào thực tế thì không hề đơn giản. Ông Cao Nhật Anh Tú, người sáng lập Trang trại Nuôi trồng rau sạch công nghệ cao Vifarm, cho biết: “Không giống với các hệ thống công nghệ cao thông thường, việc ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp đòi hỏi phải nghiên cứu rất sâu vào đặc tính của mỗi loại cây trồng và có sự cân nhắc cẩn thận. Từ đó, áp dụng công nghệ một cách phù hợp, theo đúng giai đoạn, chu trình mới mang lại hiệu quả tốt nhất”. Bên cạnh đó, thói quen canh tác truyền thống, trình độ nông dân không đồng đều cũng là những cản ngại không nhỏ đối với ứng dụng công nghệ 4.0 vào nông nghiệp.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp, các ứng dụng công nghệ cao, IoT sử dụng trong nông nghiệp các nước phát triển đã làm từ lâu. Tuy nhiên, muốn ứng dụng được vào thực tế sản xuất tại Việt Nam còn là câu chuyện dài. “Xét tổng thể, sản xuất nông nghiệp nước ta chủ yếu nhỏ lẻ, manh mún. Một người nông dân chỉ có trong tay 2-3 công đất thì làm sao mua nổi cái máy 400-500 triệu đồng. Do đó, nếu muốn làm thì phải có doanh nghiệp lớn, các hợp tác xã hay trang trại có quy mô, nguồn lực mạnh. Tuy nhiên, chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp cũng chưa thông thoáng và chưa thực sự hấp dẫn; việc tiếp cận các nguồn vay ưu đãi, cơ chế còn nhiều bất cập”- ông Nguyễn Văn Hùng phân tích.

Xu thế tất yếu

  Theo Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, thuật ngữ “Nông nghiệp 4.0” xuất phát từ châu Âu được hiểu là các hoạt động trồng trọt và chăn nuôi được kết nối mạng bên trong và bên ngoài đơn vị nhưng không cần sự có mặt trực tiếp của con người và dựa vào hệ thống thiết bị có thể đưa ra những quyết định 1 cách tự động. Nông nghiệp 4.0 còn được coi là hàm số của nông nghiệp thông minh x công nghệ thông minh x thiết kế thông minh x doanh nghiệp thông minh…

Theo các chuyên gia, nông nghiệp 4.0 là xu thế tất yếu và là lựa chọn của nhiều quốc gia hiện nay. Riêng đối với Việt Nam, dựa vào điều kiện khí hậu, sản phẩm đặc thù, kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp, trình độ lao động… nên  lựa chọn mô hình, công nghệ phù hợp để mang lại hiệu quả kinh tế tối ưu nhất. Trong đó, những ngành có tiềm năng tiếp cận nông nghiệp 4.0 ở nước ta có thể kể đến như: chăn nuôi bò sữa, lợn, gà, tôm, cá da trơn quy mô công nghiệp; sản xuất hoa quả, nấm ăn, nấm/cây dược liệu, lúa gạo, cà phê, hồ tiêu... Các ngành hàng này đang có những mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, theo chuỗi từ sản xuất đến xuất khẩu, mang lại giá trị gia tăng cao nên dễ dàng ứng dụng công nghệ của nông nghiệp 4.0 như tự động hóa, sử dụng robot, ứng dụng viễn thám trong quản lý sản xuất và sâu bệnh, công cụ quản lý cây trồng trên điện thoại thông minh… 

Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp 4.0, ông Lê Quý Kha, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Đề  án Phát triển nông nghiệp 4.0 của cả  nước và cho từng vùng sinh thái. Trong đó, nêu rõ bối cảnh thế giới và Việt Nam; thị trường tiềm năng; tiêu chí cần đạt; thuận lợi, khó khăn khi áp dụng nông nghiệp 4.0. Ngành nông nghiệp cũng cần hình thành nhóm chuyên gia về nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp 4.0; tổ chức các đoàn tham quan khoa học đến Thái Lan, Đài Loan, Malaysia, Nhật Bản để trao đổi kinh nghiệm. Nhà nước nên dành nguồn kinh phí cho nghiên cứu,  ứng dụng  thiết bị  thông minh, lập ngân hàng thông tin về dinh dưỡng đất. Mặt khác, các bộ ngành hữu quan nên điều chỉnh chính sách khuyến nông để có nguồn kinh phí đào tạo tập huấn, cập nhật công nghệ  -  thiết bị  thông minh cho cán bộ  quản lý đến thế hệ nông dân mới ứng dụng được các tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp 4.0. 

Ông Nguyễn Đức Trường, Chủ tịch hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Thành, chia sẻ: “Khi đầu tư cho một thiết bị nông nghiệp thông minh thường đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu rất cao nhưng sau đó sẽ mang lại hiệu quả lâu dài. Đơn cử như sử dụng Máy bay không người lái  (UAV) phun thuốc bảo vệ thực vật do công ty chúng tôi cung cấp có thể tiết kiệm 90% nước và 30-40% thuốc bảo vệ thực vật. Không chỉ vậy, UAV còn tích hợp nhiều công năng khác như gieo hạt giống, bón phân, đo chỉ số bức xạ thực vật để phát hiện sâu bệnh”. Nhiều ý kiến cho rằng, để hỗ trợ việc ứng dụng nông nghiệp 4.0 vào sản xuất, rất cần sự phát triển đồng bộ của thương mại điện tử, thương mại không kho bãi (outlet) để giảm chi phí sản xuất… Về chính sách, Nhà nước cần có một chiến lược dài hạn, hình dung được bức tranh nông nghiệp Việt Nam năm 2030, 2050 và 2100 như thế nào để có quy hoạch và vạch lộ trình đầu tư cụ thể, rõ ràng để mang lại hiệu quả cao nhất. 

MỸ THANH

Chia sẻ bài viết