14/10/2017 - 15:28

Xu hướng kinh doanh đang tốt lên

Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, bình đẳng là mục tiêu quan trọng để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 19-2017/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020.

Theo đó, trong 9 tháng qua, sự nhập cuộc của các bộ, ban ngành và các địa phương trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn đã đạt kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, đã cắt bỏ trên 5.000 thủ tục và tập trung mạnh vào khâu hậu kiểm; cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các rào cản, cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã phát huy tác dụng… Việc tăng cường đối thoại với doanh nghiệp (DN), tập trung tháo gỡ vường mắc cho sản xuất, kinh doanh của các bộ, ngành và các địa phương cũng tạo lực đẩy giúp DN hoạt động hiệu quả hơn.

Mới đây, chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 9-2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục nhấn mạnh tinh thần Chính phủ kiến tạo, liêm chính và hành động. Thủ tướng nhấn mạnh: “Để cả năm tăng trưởng GDP tăng 6,7% thì quý IV phải tăng 7,4-7,5%, đây là con số không phải dễ dàng”. Thủ tướng yêu cầu quyết liệt tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thực chất nhằm thúc đẩy các DN phát triển sản xuất, kinh doanh, làm ăn hiệu quả, bền vững và lâu dài.Có giải pháp giảm lãi suất cho vay, tập trung vốn cho lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện cho DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi. Các bộ, ngành và địa phương cần thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại với DN để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III-2017, có 41,5% số DN đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý III tốt hơn quý trước; 17,9% DN đánh giá gặp khó khăn và 40,6% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Nhận định trong quý IV, có 52,6% số DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 11% số DN dự báo khó khăn hơn và 36,4% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.

Trong quý III, nhận định về các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của DN, có 59,4% tin khả năng cạnh tranh cao của hàng hóa trong nước là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN; 47% DN cho rằng do nhu cầu thị trường trong nước thấp; 32,2% DN cho biết gặp khó khăn về tài chính; 31,2% DN không tuyển được lao động theo yêu cầu; 28,1% DN cho rằng lãi suất cao và 22,2% DN cho rằng tính cạnh tranh cao của hàng nhập khẩu là yếu tố quan trọng.

Về khối lượng sản xuất trong quý IV so với quý III, có 54,2% DN dự báo khối lượng sản xuất tăng lên; 9,9% số DN dự báo giảm và 35,9% DN dự báo ổn định. Về đơn đặt hàng, DN nhận định khả quan hơn so với quý III, với 48,9% số DN dự kiến có đơn hàng tăng; 10,4% số DN dự kiến đơn hàng giảm và 40,7% số DN dự kiến có đơn hàng ổn định. Về đơn đặt hàng xuất khẩu, có 39,7% số DN dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu; 10,6% số DN cho rằng giảm và 49,7% số DN dự kiến ổn định. Dự kiến giá bán sản phẩm, có 15,9% DN dự báo giá bán sản phẩm sẽ cao hơn; 6,8% DN dự báo giá bán thấp hơn và 77,3% DN dự báo giá bán sản phẩm ổn định.

Về tồn kho sản phẩm, xu hướng quý IV so với quý III, có 13,7% DN dự báo lượng hàng tồn kho sẽ tăng; 33,5% DN cho rằng lượng hàng tồn kho giảm và 52,8% cho rằng vẫn giữ ổn định. Về tồn kho nguyên vật liệu, quý IV so với quý III, có 13,8% DN dự báo lượng tồn kho nguyên vật liệu tăng; 32% DN dự báo lượng tồn kho giảm và 54,2% DN cho rằng sẽ không có biến động về tồn kho nguyên vật liệu…

Những con số trên cho thấy, DN vẫn lạc quan về xu hướng kinh doanh thời gian tới đang có tín hiệu tốt lên.

GIA BẢO

Chia sẻ bài viết