27/02/2010 - 21:45

Xin đừng bôi bác "văn hóa truyền thống"

Sau thời gian dài chạy theo, bắt chước nhạc Âu Mỹ, Hàn Quốc, Hồng Công, Đài Loan... từ phong cách trình diễn, trang phục đến giai điệu, ca từ, gần đây nhiều ca sĩ trẻ lại đưa “văn hóa truyền thống” là việc làm như một “chiêu thức” mới để tự lăng xê mình. Thật ra, trở về “văn hóa truyền thống” là việc làm đáng hoan nghênh nếu như những ca sĩ này không mượn đó làm cái cớ để tiếp thị, thể hiện sự xô bồ, chụp giật.

“Thảm họa của nhạc Việt” là đánh giá của giới trẻ với bài hát “Vọng cổ teen” do ca sĩ trẻ V.T.K trình bày. Bài hát này được phát trên rất nhiều kênh truyền hình và các trang web âm nhạc gần đây. Bài hát theo thể loại pop-rock không có gì đặc sắc, với lời hát kiểu như “Là sao ta, nói chung là yêu đó. Mà đó có phải là yêu không. Mà sao vắng anh thì buồn. Ố ô, ố ô”. Người nghe, đặc biệt là những người trân trọng vọng cổ, sốc với bản nhạc này là đoạn cuối được hát đúng theo cách vọng cổ, đệm dàn nhạc cổ: “Và nhớ anh nhiều lắm, ước chi mình có nhau người yêu hỡi em muốn cùng anh thề câu chung thủy không thay đổi lòng, mình bên nhau đi đến cuối con đường”. Trên nền nhạc nửa tây nửa ta, cô ca sĩ V.T.K ăn mặc như nam giới, thắt cravat, đầu đội nón cao bồi, vừa nhảy nhót vừa xuống vọng cổ (!) - gây ra sự phản cảm cho người xem.

Ca sĩ Hiền Thục trong trang phục áo dài, quần soóc!
Ảnh: vietnamnet.vn 

Về trang phục trình diễn, áo dài cũng được nhiều ca sĩ nhạc trẻ chọn. Thế nhưng, công chúng không hề thấy chiếc áo dài vừa kín đáo vừa gợi cảm được bạn bè trên thế giới khen ngợi. Các nữ ca sĩ biểu diễn với áo dài xẻ eo rất cao, cổ sâu, ống tay rộng thùng thình đi cùng chiếc quần jeans lửng hoặc quần soóc. Gần đây nhất, nữ ca sĩ Hiền Thục khi trình diễn bài hát rất đỗi nên thơ, trong sáng nổi tiếng từ hơn 40 năm trước có tựa đề “Tuổi ngọc” trong một chương trình ca nhạc tại thành phố Hồ Chí Minh. Dù Hiền Thục hát “Tuổi ngọc” khá hay, nhưng hầu hết khán giả bên dưới đều bực mình khi nhìn chiếc áo dài màu đỏ, eo xẻ rất cao, tay áo như cánh bướm đi cùng chiếc quần soóc ngắn đến mức “không thể nào ngắn hơn”, lại thêm đôi vớ lưới đen dài kiểu các vũ nữ trong quán rượu miền viễn Tây nước Mỹ. Thật dị hợm!

Có thể nói, việc lợi dụng âm nhạc và cả trang phục truyền thống trong biểu diễn gần đây khá phổ biến. Nhiều ý kiến trên mạng dự đoán một cách chua chát: Với đà này, trong năm 2010, trào lưu sao chép nhạc truyền thống sẽ còn nở rộ và những “Ca trù teen”, “Chèo teen” hoặc “Quan họ teen”... sẽ tiếp tục gây thêm những “thảm họa” mới cho nhạc Việt. Điều khiến người yêu nhạc thấy khó hiểu nhất là tại sao những bản nhạc làm xấu văn hóa truyền thống, những bộ trang phục xúc phạm đến những biểu tượng văn hóa quốc gia lại được “lăng - xê” một cách thoải mái trên các phương tiện truyền thông đại chúng?

PHÚC AN

Chia sẻ bài viết