02/05/2009 - 08:51

Xem “Đừng đốt” - Lắng đọng lại với tình yêu thương con người

Quyển nhật ký của nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã có sức lay động mạnh mẽ, làm thay đổi nhận thức của những người lính Mỹ và gia đình họ về con người, cuộc chiến tranh Việt Nam. Số phận của quyển nhật ký từ lúc rơi vào tay người lính Mỹ Frederic Whitehurst cho đến khi trở về với gia đình của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm được tái hiện sinh động trong bộ phim truyện nhựa “Đừng đốt”, do NSND Đặng Nhật Minh làm đạo điễn. Phim vừa được công chiếu rộng rãi tại các rạp trên toàn quốc từ ngày 29-4-2009 và được chọn chiếu mở màn cho tuần phim kỷ niệm các ngày lễ lớn tại TP Cần Thơ.

 Diễn viên Minh Hương trong vai Đặng Thùy Trâm (ảnh: news.zing.vn)

Sự khốc liệt của chiến tranh được tái hiện ấn tượng ngay màn mở đầu phim: bệnh xá trong rừng phải sơ tán khẩn cấp trước sự đánh phá dữ dội của máy bay giặc. Bác sĩ Thùy (tên gọi thân mật của Thùy Trâm) cùng 2 nữ y tá được phân công ở lại chăm sóc những thương binh nặng. Họ vất vả đối phó với bom đạn kẻ thù, với những cơn mưa giông dữ dội, với sự thiếu thốn mọi bề và cả sự cô đơn... Sự khốc liệt trải dài suốt phim qua hình ảnh làng mạc bị thiêu đốt, dân làng bị tàn sát... Xúc động nhất là cảnh anh bộ đội bị thương nặng chỉ yên lòng nhắm mắt khi bác sĩ Thùy hứa sẽ gửi thư của anh đến mẹ anh và bên kia chiến tuyến, người lính Mỹ trước khi qua đời cũng nhắn nhủ với đồng đội những lời thương yêu đến mẹ của mình...

Trong bối cảnh đó, số phận kỳ lạ của quyển nhật ký được mở ra. Sau một trận càn, người sĩ quan ngụy tên Huân đã nhặt được quyển nhật ký của bác sĩ Thùy và bị cuốn hút khi lần giở từng trang nhật ký. Đưa nó cho Fred- một quân báo viên của Mỹ, chuyên khai thác các tài liệu thu nhặt được từ chiến trường- Huân nói: “Đừng đốt, trong đó đã có lửa!”. Qua lời dịch của Huân, quyển nhật ký đã tác động mạnh mẽ, mang đến cho Fred cái nhìn khác về những người ở bên kia chiến tuyến, về cuộc chiến tranh phi nghĩa mà anh đang tham gia. Chính Fred phải thừa nhận với mẹ anh rằng chủ nhân của quyển nhật ký từng là kẻ thù nhưng đã trở thành ân nhân của anh vì: “Cô ấy đã dạy cho con bài học về tình yêu thương con người”. Với sự ủng hộ của gia đình và sự giúp đỡ của bạn bè, Fred đã trao lại quyển nhật ký cho gia đình bác sĩ Đặng Thùy Trâm sau 35 năm gìn giữ.

Phim khắc họa khá thành công quá trình lưu lạc của quyển nhật ký cũng như sự trăn trở, ám ảnh của người cựu binh Mỹ về số phận, tâm hồn chị Thùy qua những trang viết đẫm tình người. Cuốn nhật ký lưu lạc nơi nước Mỹ xa xôi đã góp phần xóa nhòa ranh giới giữa những người lính ở 2 chiến tuyến, 2 nền văn hóa khác biệt để cuối cùng chỉ còn lại tình người và giá trị nhân văn sâu sắc.

Phim có nhiều góc quay rộng, đẹp. Các cảnh máy bay quần thảo, lính Mỹ đổ bộ càn quét, bom đạn chiến tranh... được thực hiện công phu, hoành tráng. Ánh sáng, âm thanh, khói lửa, đạo cụ, phục trang... được chăm chút kỹ lưỡng. Phần nhạc phim do 2 nhạc sĩ nước ngoài: Benedicfi Zoltan, Benedicfi Istvan phụ trách, tạo hiệu ứng tốt, thể hiện được các cung bậc tình cảm của nhân vật cũng như các trường đoạn bi hùng, khốc liệt trong phim.

Đáng tiếc là hình ảnh liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm- tâm điểm của bộ phim- chưa thực sự thuyết phục người xem. Hình ảnh chị Thùy được tái dựng theo cách đan xen giữa quá khứ và hiện tại, qua một số trang nhật ký, qua hồi ức của người thân, đồng đội mà thiếu cốt truyện để làm “xương sống” cho toàn phim nên rời rạc và hơi khó hiểu. Bác sĩ Đặng Thùy Trâm trong phim chỉ dừng lại ở một hình ảnh đẹp về một nữ bác sĩ tận tình với công việc, với thương binh, một cô gái Hà Nội lãng mạn chứ chưa thật sự nổi bật lên như một nữ bác sĩ kiên cường, vượt lên trên những khó khăn, thiếu thốn về thuốc men, phương tiện, quyết cứu sống thương binh. Diễn viên Minh Hương trong vai bác sĩ Đặng Thùy Trâm, chưa lột tả được cái “thần” của nhân vật do hạn chế về khả năng diễn xuất cũng như hạn chế về kịch bản.

Xem xong “Đừng đốt”- bộ phim dựa theo câu chuyện có thật về cuốn nhật ký nổi tiếng của liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm, khán giả như có khoảng lặng trong tâm hồn để thấm thía hơn về những mất mát của chiến tranh, về ý nghĩa, giá trị của hòa bình.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết