01/01/2018 - 17:47

Xây dựng xã hội học tập: Trách nhiệm từ nhiều phía 

Xây dựng xã hội học tập (XHHT) là một trong những giải pháp chiến lược nâng chất nguồn nhân lực và mặt bằng dân trí, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, ngành giáo dục TP Cần Thơ đã thực hiện nhiều giải pháp tạo cơ hội học tập cho người dân. Thế nhưng, trong quá trình xây dựng và phát triển XHHT, vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ.

Nỗ lực chung

Từ năm 2007, khi có Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 14 của Thành ủy Cần Thơ về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT, cả hệ thống chính trị TP Cần Thơ đã chung tay hành động, lan tỏa đến từng hộ gia đình. Đây là cơ sở để thành phố phấn đấu đến năm 2020, có 70% gia đình được công nhận Gia đình học tập; 50% dòng họ được công nhận Dòng họ học tập; 60% ấp, khu vực đạt cộng đồng học tập.

Ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Cần Thơ trao học bổng cho học sinh khó khăn huyện Thới Lai, vào đầu năm học mới.

Năm 2017, quận Ninh Kiều đã xây dựng, xét công nhận được 77 dòng họ học tập, 91 đơn vị học tập, 66 cộng đồng học tập và 35.753 gia đình học tập. Cô Nguyễn Thị Ngọc Thu, Chủ tịch Hội Khuyến học (HKH) quận Ninh Kiều, cho rằng: “Đó là nhờ sự quan tâm của lãnh đạo địa phương và nỗ lực của các cấp hội khuyến học cơ sở cùng chăm lo cho giáo dục. Trong năm, toàn quận vận động trên 4,746 tỉ đồng cho Quỹ Khuyến học khuyến tài. Từ số tiền này, Quận hội cấp 28.265 suất học bổng, quà, phần thưởng cho học sinh, sinh viên nghèo, hiếu học”. Ông Phạm Sĩ Đảng, Chi hội trưởng Chi HKH Khu vực 2, phường An Cư, cho biết: Năm 2012, Chi HKH Khu vực 2 đã thực hiện mô hình dân vận khéo để chung tay lo cho con cháu học hành. Sau mỗi năm học, chi hội điều tra nắm tình hình học tập của học sinh. Trong buổi họp mặt với phụ huynh, Chi hội biểu dương, trao thưởng cho những em giỏi; đồng thời hỗ trợ những em học lực trung bình, yếu, hoàn cảnh khó khăn… Từ đó, tạo phong trào, động cơ học tập cho con cháu ở khu vực”. Ngoài mô hình dân vận khéo, khu vực 2 còn thành lập câu lạc bộ thầy cô, cha mẹ đồng hành cùng con tới trường; xây dựng trang facebook khuyến học;…

Thực hiện Đề án “Xây dựng XHHT giai đoạn 2012-2020” (Đề án), Ban chỉ đạo Xây dựng XHHT- Chống mù chữ- Phổ cập giáo dục TP Cần Thơ (Ban Chỉ đạo) có nhiều hoạt động chăm lo, tạo điều kiện học tập cho người dân trên địa bàn. Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ, bên cạnh chăm lo cho học sinh, thành phố tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động học tập, nâng cao trình độ chuyên môn. Chẳng hạn, tài liệu học tập được cung cấp đầy đủ cho người học tại các cơ sở giáo dục. Các sở ban ngành thành phố tổ chức biên tập một số tài liệu về khoa học công nghệ, nông nghiệp, thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi; thực hiện lồng ghép với đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn để phát hành, cung cấp tài liệu cho các cơ sở giáo dục phục vụ nhu cầu học tập và tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn.  

Ông Nguyễn Văn Hồng nói thêm: “Thành phố đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động với 20.383 người tham gia các chương trình học tập nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm; 18.261 người có trình độ ngoại ngữ đạt chuẩn và 792 người có trình độ ngoại ngữ vượt chuẩn”. Hiện nay, tất cả 85 xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 và đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 1; tỷ lệ người trong độ tuổi từ 15- 35 và 15- 60 biết chữ đạt từ 98,95% trở lên.

Vẫn chưa đáp ứng yêu cầu

Dù đạt nhiều thành tựu nhưng công tác xây dựng XHHT của TP Cần Thơ vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đợt kiểm tra của Bộ GD&ĐT về tình hình thực hiện Đề án trên địa bàn thành phố vừa qua, Ban Chỉ đạo thành phố nhìn nhận công tác xây dựng XHHT phát triển chưa đồng đều tại một số địa phương; một số ngành, địa phương nhận thức chưa chính xác về vị trí, vai trò quan trọng của việc xây dựng XHHT. Việc bố trí sắp xếp thời gian cho công nhân làm việc trong các khu công nghiệp học tập nâng cao trình độ chưa được chú trọng. Số công nhân có trình độ THPT hoặc tương đương chỉ đạt trên 51%; trên 57% công nhân lao động qua đào tạo nghề…

Đại diện các sở ngành thành phố cho rằng việc đầu tư nguồn lực cho các Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, trung tâm hoạt động chưa đạt hiệu quả… Ông Nguyễn Văn Hồng nói: “Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các TTHTCĐ, nên sáp nhập 2 trung tâm văn hóa và HTCĐ cấp xã. Điều này giúp tiết kiệm con người, chi phí; tận dụng được cơ sở vật chất. Thành phố có thể chọn triển khai thực hiện ở một số địa phương đảm bảo đủ điều kiện”. Ông Lê Thanh Bình, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, đồng ý quan điểm này, bởi thực tế các trung tâm văn hóa, TTHTCĐ ở cơ sở đang hoạt động khá dàn trải, chưa phát huy hết công năng. Khía cạnh khác, các cấp HKH cơ sở- đơn vị hỗ trợ đắc lực cho xây dựng XHHT, lại gặp khó về kinh phí hoạt động. Ông Hồ Văn Ngộ, Phó Chủ tịch HKH TP Cần Thơ, nói: “Hầu hết các cấp HKH đều gặp khó về kinh phí hoạt động. Chúng tôi kiến nghị các cấp, ngành nghiên cứu bổ sung kinh phí cho các cấp HKH cơ sở”.

Qua chuyến đi thực tế về tình hình thực hiện Đề án ở quận, huyện TP Cần Thơ, Đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT nhận định: Ban Chỉ đạo thành phố chăm lo tốt bậc học mầm non, phồ thông; song với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là công nhân, vẫn còn hạn chế. Theo ông Nguyễn Công Hinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ GD&ĐT, để xây dựng XHHT đạt hiệu quả, cần phải tổ chức tốt các TTHTCĐ- nơi để người dân địa phương học tập. Thực tế, lãnh đạo địa phương nào chăm lo việc học hành cho người dân, TTHTCĐ nơi đó hoạt động mạnh nhờ huy động được các tổ chức chính trị -xã hội tạo điều kiện cho trung tâm phát triển. Việc sáp nhập, tinh gọn các trung tâm là cần thiết nhưng phải nghiên cứu, thực hiện có lộ trình. Ông Nguyễn Công Hinh nhấn mạnh: Ban Chỉ đạo thành phố cần quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa để người lao động được học tập, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, tay nghề. Muốn thế cần phải huy động mọi nguồn lực xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, xây dựng XHHT. Đồng thời phân công, phân nhiệm cụ thể cho các sở, ban, ngành, đoàn thể trong việc xây dựng XHHT.

Bài, ảnh: B.KIÊN 

Chia sẻ bài viết