20/12/2011 - 09:58

Xây dựng xã hội học tập - trách nhiệm từ nhiều phía

Chính phủ xác định việc xây dựng xã hội học tập là một trong những giải pháp chiến lược để nâng cao nguồn nhân lực và mặt bằng dân trí, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống... Tại TP Cần Thơ, những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, ngành giáo dục đã thực hiện nhiều giải pháp tạo nhiều cơ hội học tập cho người dân. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, tiến trình xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ...

Giờ học của cô trò Trường Tiểu học Trà Nóc 4 tại hội trường Công đoàn Các khu chế xuất & công nghiệp Cần Thơ. 

Đến hội trường Công đoàn Các khu Chế xuất và công nghiệp (KCX&CN) Cần Thơ (phường Trà Nóc, quận Bình Thủy) vào một buổi trưa trung tuần tháng 12. Mặc dù thời tiết nắng nóng, nhưng vẫn không “nóng” bằng sinh khí giờ học môn Toán của học sinh Trường Tiểu học Trà Nóc 4, do cô Trần Bích Yến, giáo viên chủ nhiệm dạy lớp 4A2 phụ trách. Sau mỗi câu hỏi mà cô gợi ý, lập tức nhiều cánh tay của học sinh giơ lên phát biểu, số học sinh khác chăm chú lắng nghe hoặc ghi chép cẩn thận... Cô Trần Bích Yến bộc bạch: “Cơ sở vật chất trường đang xây dựng mới, Ban Giám hiệu mượn hội trường này để dạy học hơn 5 tháng nay. Mặc dù, phòng ốc không đúng qui chuẩn, 3 học sinh phải ngồi cùng một bàn khá chật chội nhưng các em đều học rất tốt, đi học đều đặn mỗi ngày”. Kỳ kiểm tra giữa kỳ năm học 2011-2012 vừa qua, lớp 4A2 có 100% học sinh có học lực trên trung bình. Trường Tiểu học Trà Nóc 4 được khởi công xây dựng từ tháng 5-2011. Cô Nguyễn Thị Hồng Huế, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Nhờ Ban Chấp hành Công đoàn Các KCX&CN Cần Thơ hỗ trợ miễn phí 2 điểm dạy rộng rãi, thoáng mát. Chúng tôi mới có điều kiện dạy học tốt, hạn chế tối đa tình trạng học sinh bỏ học. Ngoài ra, Công đoàn Các KCX&CN Cần Thơ còn tặng 30 phần quà cho học sinh khó khăn, vượt khó học tốt”.

Thực tế, không chỉ riêng gì nghĩa cử đẹp của Công đoàn Các KCX&CN Cần Thơ, mà thời gian qua, các cấp ủy đảng, ban ngành đoàn thể địa phương, nhiều tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ tích cực cho ngành giáo dục, như: gây quỹ tặng học bổng cho học sinh nghèo, cán bộ, giáo viên; huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp... Nhờ vậy, năm 2011, quận Bình Thủy có tỷ lệ xóa mù chữ đạt trên 98%, phổ cập tiểu học đạt gần 100%, phổ cập THCS đạt trên 85%. Số lượng, chất lượng của các tổ chức hội khuyến học cơ sở ở quận Bình Thủy ngày càng vững mạnh. Toàn quận hiện có 405 tổ chức, với hơn 8.870 hội viên. 8/8 phường đều có hội khuyến học... Toàn quận đã xây dựng được 529 gia đình hiếu học; 12 khu dân cư đăng ký xây dựng khu dân cư khuyến học. Bà Nguyễn Thị Thu, Chủ tịch Hội Khuyến học quận Bình Thủy, nói: “Sự phát triển của hệ thống giáo dục cơ sở không chỉ tạo điều kiện để người dân học tập mà còn góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về tầm quan trọng của việc học. Kết quả có được là nhờ sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền từ quận đến cơ sở và sự phối hợp có hiệu quả giữa các ban ngành đoàn thể các cấp... đến công tác giáo dục, đào tạo”.

Những năm gần đây, sự phát triển hệ thống trung tâm Giáo dục thường xuyên (TTGDTX), trung tâm Học tập cộng đồng (TTHTCĐ) cũng góp phần tạo môi trường, xây dựng xã hội học tập. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ, nếu như năm 2001, thành phố chỉ có một TTHTCĐ Nông trường Sông Hậu thì đến năm 2010 có 85/85 xã, phường, thị trấn đã thành lập được TTHTCĐ; 9/9 quận, huyện có TTGDTX. Ông Nguyễn Văn Từ, Phó Trưởng Phòng Giáo dục thường xuyên chuyên nghiệp, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ, cho biết: “Các TTHTCĐ đã chủ động mở các lớp xóa mù chữ và tiếp tục phổ cập giáo dục cho người dân đã biết chữ, góp phần nâng cao tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi (năm 1998 đạt hơn 94%, năm 2010 đạt gần 99%)...”. Hệ thống TTGDTX, TTHTCĐ thành phố đã thực hiện tốt công tác xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ cho hơn 1.100 học viên; huy động hàng ngàn lượt người tham gia các lớp chuyên đề tại các TTGDTX, trung tâm dạy nghề, TTHTCĐ. Bên cạnh đó, hàng trăm ngàn lượt cán bộ cấp xã, phường, thị trấn được bồi dưỡng các kiến thức về luật, kinh tế...; người lao động được bồi dưỡng những kiến thức về nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp...

Bên cạnh những chuyển biến tích cực, thực tiễn quá trình xây dựng xã hội học tập ở Cần Thơ vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ để nâng cao chất lượng, hiệu quả của mô hình này. Tại Hội thảo xây dựng xã hội học tập ở Cần Thơ do Hội Khuyến học TP Cần Thơ tổ chức vừa qua, nhiều đại biểu cho rằng: Mức đầu tư cho giáo dục, đào tạo vẫn còn hạn chế, cơ sở vật chất, trường lớp và đội ngũ cán bộ, giáo viên còn thiếu, yếu... Ông Nguyễn Văn Từ cho rằng: “Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho TTHTCĐ còn thiếu thốn cần được quan tâm đầu tư thêm để có điều kiện phục vụ tối thiểu; đội ngũ cán bộ quản lý ở các TTHTCĐ luôn biến động nên ảnh hưởng đến hoạt động”. Trên thực tế, một số TTGDTX, TTHTCĐ trên địa bàn TP Cần Thơ còn tạm bợ, phải thuê mượn các cơ sở khác để giảng dạy. Như TTGDTX huyện Cờ Đỏ hiện đang “tá túc” tại 4 phòng học mượn của Trường Tiểu học thị trấn Cờ Đỏ 2, trong đó, có 3 phòng được dùng làm phòng học, 1 phòng làm công tác văn phòng... Còn TTHTCĐ thì vẫn còn tạm bợ, phải mượn trụ sở làm việc, chưa có kinh phí hoạt động thường xuyên, ban chỉ đạo ở các TTHTCĐ đa số kiêm nhiệm... vì vậy, một số trung tâm hàng năm trời cũng không tổ chức được hoạt động nào thiết thực. Điều này cũng dễ hiểu vì sao các trung tâm chưa thực sự tạo được chuyển biến trong nhận thức để mọi người, mọi nhà thấy được sự cần thiết của việc học để hướng đến mục tiêu học tập suốt đời cho người dân. Mặc dù, các TTGDTX, TTHTCĐ có cố gắng duy trì hoạt động, phối hợp đào tạo nghề tại địa phương...

Nhiều năm qua, mô hình xã hội học tập đã có bước chuyển biến mạnh mẽ, nhưng chưa bền vững, bởi còn nhiều vướng mắc, khó khăn. Chính vì thế, ngoài sự quan tâm của các cơ quan hữu quan, cần phải huy động toàn lực của xã hội chung tay chăm lo cho giáo dục, nhất là sự đầu tư mang tính chất đột phá từ Trung ương đến địa phương...

Bài, ảnh: THANH NGỌC

Chia sẻ bài viết