15/06/2018 - 07:43

Xây dựng văn hóa giao thông, góp phần kiềm chế tai nạn 

Cách đây mấy hôm, tôi chứng kiến vụ va chạm giao thông trên đường 3 Tháng 2. Giờ tan tầm buổi chiều, khá đông phương tiện qua lại, một phụ nữ điều khiển mô tô chở bé gái từ đường Trần Ngọc Quế băng ngang lộ. Lúc này, 4 thanh niên điều khiển 2 mô tô đi từ hẻm trên đường 3 Tháng 2, rồi chạy ngược chiều để qua bên kia đường. Do tốc độ xe hơi nhanh nên một xe tông vào xe người phụ nữ, khiến hai mẹ con bị ngã. Bé gái văng ra, hai chân trầy xước, hoảng sợ khóc thét, còn xe người phụ nữ bị rớt kính, vỡ một bên bửng. 

Người dân chấp hành nghiêm sự điều tiết của cảnh sát giao thông giờ tan tầm tại giao lộ Mậu Thân - 3 Tháng 2. Ảnh: KIỀU CHINH
Người dân chấp hành nghiêm sự điều tiết của cảnh sát giao thông giờ tan tầm tại giao lộ Mậu Thân - 3 Tháng 2. Ảnh: KIỀU CHINH

Quá trình tham gia giao thông, không khó bắt gặp những hình ảnh như trên. Khi dừng xe tại các ngã tư, trong khi mọi người nghiêm chỉnh đợi tín hiệu đèn, không ít trường hợp cố tình vượt đèn đỏ, dù chỉ đợi vài chục giây. Hay khi ùn tắc đường, người đi sau bấm kèn inh ỏi thúc giục người đi trước, ô tô lấn đường xe máy, xe máy lấn đường xe đạp, leo lên hành lang, vỉa hè... khiến giao thông thêm hỗn loạn.

Những năm gần đây, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố diễn biến phức tạp, để lại nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội. Cơ quan chức năng xác định, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân chưa cao. Theo báo cáo từ Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ Công an TP Cần Thơ, các vụ tai nạn từ đầu năm đến nay xảy ra chủ yếu do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia; tránh, vượt xe không đảm bảo an toàn; không chú ý quan sát; đi ngược chiều, không làm chủ tay lái… Những nguyên nhân này có thể khắc phục nếu người tham gia giao thông biết quý trọng sinh mạng của mình và người khác, tự giác chấp hành quy định pháp luật. Trung tá Trần Hậu Giang,  Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông Công an quận Ninh Kiều, cho biết: “Quá trình tuần tra, kiểm soát, không chỉ xử lý nghiêm vi phạm, lực lượng lồng ghép tuyên truyền, nhắc nhở, phân tích hậu quả để người dân không tái phạm. Sắp tới, đơn vị tiếp tục phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền lĩnh vực này. Chúng tôi mong muốn mọi người hợp tác, cùng xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng, góp phần kiềm chế tai nạn”.

Làm gì để mỗi người chấp hành tốt quy định về trật tự an toàn giao thông khi điều khiển phương tiện, hình thành nền nếp người lớn nêu gương, nhắc nhở, răn đe con trẻ khi làm sai… là vấn đề không đơn giản, đòi hỏi thời gian cũng như áp dụng các biện pháp phù hợp, hiệu quả của chính quyền địa phương. Nếu mỗi gia đình thực hiện tốt điều này, không khó để tiến tới xây dựng khu dân cư, xã, phường, thị trấn, thành phố an toàn giao thông, không xảy ra tai nạn.

KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết