26/08/2017 - 16:47

Xây dựng và phát triển đô thị bền vững 

Trong xu hướng phát triển hiện đại, đô thị thông minh chính là giải pháp hiệu quả cho quá trình đô thị hóa ở các quốc gia đang phát triển. Mặc dù “đô thị thông minh” còn là một khái niệm mới mẻ, nhưng các chuyên gia cho rằng, đô thị thông minh chính là giải pháp hiệu quả để xử lý các vấn đề của đô thị hóa. Nhờ đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho cư dân, đảm bảo sự phát triển hài hòa, bền vững của đô thị.

   Dựa vào điều kiện đặc thù của thành phố sông nước ở ĐBSCL, Cần Thơ cũng đang hướng đến xây dựng đô thị thông minh, cải thiện đời sống cư dân đô thị.

Xu hướng đô thị thông minh...

Trong khuôn khổ SOM 3 Năm APEC 2017 tại TP Hồ Chí Minh, ngày 18-8, Hội thảo APEC với chủ đề “Chia sẻ thực hành tốt về tiêu chuẩn và đánh giá sự phù hợp trong lĩnh vực đô thị thông minh trong khu vực APEC đã tập trung vào chủ đề định hướng phát triển, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc tế (ISO, IEC) trong lĩnh vực đô thị thông minh.

Chia sẻ kinh nghiệm của một số nước phát triển về hoạch định chính sách phát triển đô thị thông minh tại các quốc gia. Chia sẻ về kinh nghiệm triển khai hoạt động tiêu chuẩn hóa và đánh giá sự phù hợp trên nền tảng phát triển khoa học công nghệ trong một số lĩnh vực cụ thể trong khu vực APEC như: giao thông thông minh, tòa nhà thông minh, quản lý nguồn nước, phương tiện giao thông thế hệ mới tiết kiệm năng lượng, hạ tầng công nghệ thông tin và các ứng dụng công nghệ thông minh áp dụng vào đời sống…

Hội thảo APEC về đô thị thông minh lần này cũng là cơ hội tốt để các nền kinh tế đang phát triển của APEC như: Việt Nam, Thái Lan, Philippines... có cơ hội học hỏi những mô hình điểm, kinh nghiệm tốt về nghiên cứu, triển khai, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ về phát triển đô thị thông minh từ các nền kinh tế có trình độ khoa học công nghệ cao như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore... Hướng tới mục tiêu ưu tiên của năm APEC 2017 là phát triển Nền kinh tế số trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho rằng: Thúc đẩy phát triển nền kinh tế kỹ thuật số là một chủ đề ưu tiên của Năm APEC 2017 được tổ chức tại Việt Nam.

Một trong những hoạt động trọng tâm trong năm nay của Tiểu ban Tiêu chuẩn và Hợp chuẩn là “Phát triển và thúc đẩy hoạt động tiêu chuẩn và đánh giá sự phù hợp để hỗ trợ nền kinh tế kỹ thuật số”. Đây là một lĩnh vực khá mới, ứng dụng khoa học công nghệ cao, đòi hỏi các thành viên APEC phối hợp chặt chẽ, cùng nhau chia sẻ các kinh nghiệm thực hành tốt nhất trong xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật, chứng nhận sản phẩm  hàng hóa, dịch vụ nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Giải pháp đô thị thông minh ở Việt Nam

Theo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ), đô thị hóa mạnh mẽ tại các đô thị lớn của Việt Nam đang tạo hiệu ứng thúc đẩy đô thị hóa nhanh lan toả diện rộng trên phạm vi các tỉnh, các vùng và cả nước. Nhiều đô thị mới, khu đô thị mới hình thành phát triển; nhiều đô thị cũ được cải tạo, nâng cấp hạ tầng cơ sở: đường sá, điện nước, cơ sở giáo dục, y tế, vệ sinh môi trường…

Các đô thị Việt Nam đang nỗ lực phát triển, nâng tầm cao với kiến trúc hiện đại. Các đô thị lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng đã có nền tảng phát triển kinh tế vững chắc, số lượng các cơ sở sản xuất công nghiệp và dịch vụ thương mại cũng tăng mạnh hơn...

Đánh giá chung phát triển đô thị hóa Việt Nam trong giai đoạn vừa qua có nhiều chuyển biến về số lượng, với tốc độ đô thị hóa nhanh nhất Đông Nam Á (khoảng 3,4%/năm). Hiện nay, dân số đô thị của Việt Nam đạt khoảng 35,7% và ước tính đến năm 2020 có khoảng 40% dân số Việt Nam sống trong các khu vực đô thị. 

Tuy nhiên, theo nhóm nghiên cứu của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, hệ thống đô thị Việt Nam đang phát triển nhanh về số lượng, nhưng chất lượng đô thị còn đạt thấp. Nhất là hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa đồng bộ; trình độ và năng lực quản lý và phát triển đô thị còn thấp so với yêu cầu; tốc độ xây dựng cơ sở hạ tầng ở phần lớn đô thị Việt Nam đều chậm so với phát triển kinh tế xã hội...

Do đó, đô thị thông minh sẽ cho phép phát triển tối đa các khía cạnh về kinh tế, xã hội, môi trường và phúc lợi đối với toàn bộ đối tượng tham gia vào đô thị như: cư dân, các công ty thuộc khu vực tư nhân và khu vực hành chính công. Đô thị thông minh cũng tạo ra nhiều mô hình kinh doanh mới hơn, từ đó tạo ra nền tảng vững chắc và môi trường khuyến khích thúc đẩy sự sáng tạo của cư dân và các doanh nghiệp.

Nhìn một cách tổng thể, đô thị thông minh là một không gian đô thị với các cơ sở hạ tầng, mạng lưới thông minh chứa hàng triệu các bộ cảm biến và bộ dẫn động tương tác với con người thông qua hệ thống công nghệ thông tin và truyền thông.

Không gian như vậy kết hợp với việc sử dụng các công nghệ phân tích tiên tiến tại thời điểm thực sẽ cho phép các thành phần đang hoạt động trong đô thị (cư dân, doanh nghiệp, chính quyền) nhận thức và hiểu biết về các sự kiện đang diễn ra tại mọi thời điểm, từ đó đưa ra các quyết định cũng như các thông tin và dịch vụ phù hợp nhất cho cư dân của đô thị, hoặc từ đó nâng cấp và cải tiến các dịch vụ được cung cấp.

Phát triển hài hòa nông thôn - đô thị

Cũng trong khuôn khổ Năm APEC 2017, Tuần lễ An ninh lương thực APEC 2017 diễn ra tại TP Cần Thơ từ ngày 18 đến 25-8-2017, Hội thảo “Chuỗi giá trị thực phẩm nhằm thúc đẩy phát triển nông thôn – đô thị trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương” của Nhóm Diễn đàn đối tác chính sách về an ninh lương thực (PPFS) ngày 20-8 bàn luận nhiều vấn đề về phát triển nông thôn- đô thị. Đây là nội dung được đưa vào Kế hoạch hành động thực hiện Khung chiến lược APEC về phát triển nông thôn- đô thị bền vững để tăng cường an ninh lương thực và tăng trưởng chất lượng.

Hội thảo của PPFS là một chuỗi các hoạt động quan trọng của Tuần lễ APEC 2017 tại Cần Thơ. Các đại biểu chia sẻ các mô hình thành công trong phát triển chuỗi giá trị thực phẩm để cung cấp an toàn và đảm bảo an ninh lương thực cho các nền kinh tế APEC và toàn khu vực. Đồng thời đưa ra các giải pháp để tăng giá trị cho các sản phẩm đầu ra và phân phối lợi ích một cách công bằng cho tất cả các bên liên quan trong chuỗi giá trị, đặc biệt là nông dân ở góc xa nhất của chuỗi giá trị.

Theo ông Hirofumi Kobayashi, chuyên gia đến từ Nhật Bản, nông dân tham gia vào Chuỗi giá trị thực phẩm là cần tham gia chợ nông sản, tiếp thị trên website, tiếp thị trực tiếp đến các công ty... Tham gia hội chợ giao thương để tăng cường quan hệ kinh doanh với các nhà bán sỉ và bán lẻ. Sử dụng chiến lược quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ và tăng cường hơn nữa thương hiệu và các giá trị trong sản phẩm…

Sự phát triển của chuỗi giá trị thực phẩm mở ra con đường thoát nghèo quan trọng cho hàng triệu hộ nghèo của các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực APEC. Chuỗi giá trị thực phẩm còn tăng cường khả năng kết nối giữa nông thôn và đô thị.

Bài, ảnh: HỒNG BẢO 

Chia sẻ bài viết