15/10/2018 - 16:21

Xây dựng nước ta mạnh và giàu lên từ biển 

Hội nghị Trung ương lần thứ tám, khóa XII vừa thông qua nội dung cơ bản Nghị quyết mới về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Báo Nhân Dân cuối tuần trân trọng giới thiệu với bạn đọc chuyên đề “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam” nhằm góp phần đưa ra những ý tưởng đóng góp vào công tác phát triển biển bền vững trong thời kỳ mới.

Cảng Tiên Sa (Đà Nẵng). Ảnh: HUỲNH SƠN

Một tư tưởng chiến lược nhất quán và phát triển

Việc tiếp tục phát triển Nghị quyết Trung ương 9, khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 bằng Nghị quyết mới về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để từng bước đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, dựa vào biển và hướng ra biển của nước ta là rất rõ ràng. Điều đó thể hiện sự nhất quán đường lối của Đảng và Nhà nước ta về biển đảo nói chung và trong phát triển kinh tế biển từ trước đến nay.

Việt Nam, một quốc gia ven biển đang phát triển năng động, với vùng đặc quyền kinh tế lớn hơn ba lần phần đất liền (hơn một triệu ki-lô-mét vuông), nhiều tiềm năng phát triển với những đặc thù về thiên nhiên, các yếu tố về địa chính trị và địa kinh tế có ý nghĩa không những trong khu vực mà còn ở quy mô toàn cầu thì muốn mạnh về biển và giàu lên từ biển, không gì khác là phải thật sự dựa vào biển và mạnh dạn hướng ra biển. Nói cách khác, mức độ thực thi chủ trương dựa vào biển và hướng ra biển sẽ quyết định khả năng hoàn thành được mục tiêu từng bước đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển và giàu lên từ biển một cách khả thi và bền vững trong khoảng thời gian 10 năm chiến lược và 25 năm trong khuôn khổ tầm nhìn.

Có giàu lên từ biển mới có điều kiện cần để nghĩ tới mạnh về biển xét từ thành quả và tiềm lực. Nhưng thật sự mạnh về biển cần phải có điều kiện đủ là những yếu tố quan trọng khác, trong đó phải lưu tâm tới mạnh về quản lý biển và mạnh về khoa học công nghệ biển.

Mạnh về biển và giàu lên từ biển chắc chắn là một quá trình để đạt đến những mục tiêu cụ thể, các tiêu chí được lấy làm thước đo của sự phát triển, bao hàm cả kinh tế, văn hóa xã hội và an ninh quốc phòng. Không thể nói một cách tuyệt đối rằng đến một thời điểm nào đó trong thập kỷ tới, thậm chí lâu hơn, thì mục tiêu này được hoàn thành đầy đủ, và nước ta đã được xác định “Mạnh về biển và giàu lên từ biển”. Quan trọng hơn là, với việc hoàn thành từng nhóm mục tiêu và tiêu chí đề ra cho 10 năm sau năm 2020 và cho mỗi kỳ kế hoạch 5 năm xét về những thành quả và tiềm lực kinh tế có được, những tiến bộ về quản lý biển và sự phát triển của khoa học công nghệ để nhìn thấy những mốc quan trọng cần đạt được trong quá trình này.

Đã là lúc cần thiết phải nghĩ đến và đề ra các nhóm mục tiêu, tiêu chí ngắn và dài hạn này cho giai đoạn năm 2020 trở đi. Những dự báo quốc tế và khu vực và từ thực tế bức tranh kinh tế, xã hội của nước ta hiện nay hoàn toàn cho phép chúng ta tư duy theo hướng này và thực thi được những ý đồ chiến lược đó.

Quan hệ các ngành kinh tế biển

Các mục tiêu cơ bản về phát triển bền vững kinh tế, xã hội và môi trường biển, vùng ven biển và hải đảo sẽ thực hiện được phần quan trọng nhờ thông qua vận hành phát triển các ngành kinh tế liên quan trong một cơ cấu kinh tế, xã hội phù hợp và trong mối quan hệ hữu cơ được quản lý đồng bộ của các ngành này theo tổng thể không gian biển Việt Nam và với sự gắn kết giữa tuyến đất liền ven biển với các vùng biển đảo. Thực hiện mục tiêu này cũng đòi hỏi những chính sách về dân cư vùng biển và hải đảo có những đột phá mạnh mẽ, những thiết chế xã hội vùng biển đảo phù hợp, tiên tiến.

Nghị quyết 09 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã định rõ những ngành kinh tế biển chủ yếu ở nước ta. Về cơ bản trong vài thập niên tới khó xuất hiện những ngành mới nổi bật, trong khi những ngành hiện hữu dù có tốc độ phát triển khác nhau thì về cơ bản cũng vẫn hiện diện và có ý nghĩa kinh tế, xã hội đáng kể. Có lẽ, những tác động sau này tới ngành khai thác dầu khí, một ngành dựa vào nguồn tài nguyên không thể tái tạo cần được suy nghĩ thận trọng hơn khi nguồn dầu thô khai thác không còn thuận lợi như lâu nay, không nói là đã cạn. Tuy nhiên với ngành này, bù lại là những tiềm năng khoáng sản khác và các nguồn nhiên liệu mới từ đại dương, hoặc mở rộng về phía năng lượng là các nguồn năng lượng tái tạo. Khả thi nhất là nhanh chóng phát triển công nghiệp chế biến dầu (Nhật Bản lâu nay thu lợi từ công nghiệp chế biến dầu khí phát triển mạnh mà nguyên liệu phải nhập khẩu từ nước ngoài).

Điều quan trọng tới đây là sự vận hành các ngành kinh tế biển với một cơ cấu hài hòa trong khi vẫn giữ được thế mạnh tương đối về kinh tế, xã hội của mỗi ngành sản xuất cũng như không làm tổn thương động lực bứt phá của những lĩnh vực và sản phẩm đóng góp lớn về kinh tế, xã hội, những sản phẩm có thế cạnh tranh cao, những ngành và sản phẩm quan hệ trực tiếp đến đời sống và thu nhập cũng như sự ổn định và tiến bộ xã hội của cộng đồng dân cư vùng biển, hải đảo. Yêu cầu giúp chủ động phòng tránh thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và đặc biệt chủ động phòng, chống những sự cố môi trường biển và ven biển cũng được đặt ra khi quy hoạch phát triển các ngành này.

Sự phát triển trong những thập kỷ tiếp theo của các ngành kinh tế biển cần được tính toán để mật độ các hoạt động kinh tế không quá dày đặc như hiện nay ở tuyến biển ven bờ, trong khi phát triển công nghiệp nặng hay xây dựng đô thị trên bờ lấn át và làm tổn thương đa dạng sinh học ở một số khu vực đất liền giáp biển mà nguy cơ ô nhiễm môi trường đã là quá lớn. Quy hoạch được như vậy sẽ tốt hơn trong việc bảo vệ môi trường, gìn giữ được đa dạng sinh học so với việc phải chạy theo để quản lý, giám sát đối với từng cơ sở sản xuất, từng địa bàn cụ thể lâu nay. Và đặc biệt tránh được sự tập trung quá mức này, khắp vùng biển nước ta mới được sử dụng khai thác đúng mức, hợp lý. Từ đó phát triển kinh tế biển mới có khả năng gắn kết được với bảo đảm an ninh quốc phòng, gìn giữ chủ quyền biển, đảo.

Xét đến sự gắn kết hữu cơ của các ngành kinh tế biển, dựa vào những lợi thế từng ngành về lợi ích kinh tế, hiệu quả xã hội và vai trò của mỗi ngành với bảo đảm an ninh quốc phòng, gìn giữ chủ quyền lãnh thổ mà mỗi ngành, mỗi lĩnh vực đều có thế mạnh riêng, thì có thể khẳng định rằng: không nên đặt ra một cách cứng nhắc thứ tự ưu tiên cho mỗi ngành (như đã phân thứ tự trong Nghị quyết 09 trước đây). Sự quy định thứ tự cứng nhắc đó trong thực tiễn đã gây không ít lúng túng khi ban hành chính sách, nhất là cho công tác quản lý từ trung ương tới địa phương với các hoạt động kinh tế cụ thể.

Một vài suy nghĩ về quản lý kinh tế biển

Dân gian ta từ lâu đã có câu về đất nước mình: Tam sơn tứ hải nhất phần điền, rồi lại có câu khác: Điền tư ngư chung. Hai câu này dường như có một sự gợi mở nhất định về tầm quan trọng và cung cách quản lý nghề biển, dù nghề biển xa xưa chủ yếu chỉ là nghề cá, trên bờ chủ yếu nghề nông. Chí ít từ cách nói này cho thấy quản lý trên biển khác với công việc quản lý mọi thứ trên bờ dù nghề biển nay đã khác nhiều.

Thời gian qua, việc sáp nhập lập Bộ đa ngành được triển khai trong hai thập kỷ gần đây để giảm đầu mối cơ quan quản lý nhà nước cấp Trung ương, các sở, ban, ngành địa phương cơ bản là việc làm hợp lý. Tuy nhiên khi ghép đa ngành cần cân nhắc các phương án sao cho thuận lợi nhất cho việc quản lý và điều hành kinh tế - xã hội, kế thừa các yếu tố về thể chế, bộ máy và sự gần gũi của các ngành cụ thể trong một cơ quan quản lý, và quan trọng nhất là đáp ứng được một cách hiệu quả yêu cầu thực tiễn của hệ thống kinh tế, xã hội.

Với các ngành kinh tế biển từ lâu chúng ta đã có khái niệm quản lý tổng hợp, nên chăng Bộ Quản lý biển cần lấy quản lý tổng hợp các ngành kinh tế làm gốc, và hơn thế nữa người lao động phải là đối tượng quản lý thực thụ.

Tiếp cận công việc quản lý theo đa ngành nêu trên khác với hệ thống quản lý hơn 10 năm qua: các bộ, ngành quản lý phần kinh tế biển riêng rẽ, còn quản lý chung thuộc về một bộ tổng hợp, không gắn với sản xuất. Như vậy tạo ra sự cắt khúc, nhiều tầng nấc, chồng chéo và thực tế không hiệu quả. Chính vì vậy nhân dịp này “Bộ kinh tế biển” như lâu nay được nêu trong một số đề xuất và kiến nghị cần được xem xét tích cực và thấu đáo. Ngoài ra, hoạt động khai thác của ngư dân trải khắp các ngư trường trong vùng đặc quyền kinh tế, cộng đồng ngư dân nước ta lâu nay sinh sống suốt dọc dải ven biển cũng như trên một số hải đảo với những đặc trưng xã hội truyền thống đặc thù mà không có ngành kinh tế biển nào khác ở nước ta có được. Chính vì lẽ đó, trong việc quản lý nhà nước về kinh tế biển cần chọn điểm nhấn là Nghề cá. Từ ý kiến trên, tôi thấy ta nên tham khảo mô hình Bộ Biển và Thủy sản (MOMAF) như ở In-đô-nê-xi-a và Hàn Quốc hiện nay.

Quản lý nhà nước về biển có hợp lý, phù hợp thực tiễn thì mới mạnh lên được thông qua hiệu lực và hiệu quả của nó. Đây là một nhân tố quan trọng để chúng ta mạnh và giàu lên từ biển.

Sự phát triển của các ngành kinh tế biển cần được tính toán để mật độ các hoạt động kinh tế không quá dày đặc như hiện nay ở tuyến ven bờ.

Theo Báo Nhân Dân

Chia sẻ bài viết