07/09/2009 - 09:02

Đồng bằng sông Cửu Long

Xây dựng hoàn thiện hệ thống thương mại, tạo động lực phát triển

Quầy hàng nước giải khát thuộc nhóm hàng VN chất lượng cao tại Siêu thị Co.opMart Cần Thơ. Ảnh: ĐỖ CHÍ THIỆN

Phát triển cơ sở hạ tầng thương mại là điều kiện cơ bản để hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, là nhân tố thúc đẩy quá trình tích tụ và tập trung trong nông nghiệp, khắc phục phương thức sản xuất nhỏ lẻ, phân tán. Đó còn là điều kiện để đẩy nhanh phát triển kinh tế hàng hóa, mở rộng thị trường nội địa, củng cố mối liên kết kinh tế giữa thị trường nông thôn và thị trường tỉnh, khu vực, trong nước và hướng ra nước ngoài. Hệ thống thương mại phát triển còn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đưa hàng hóa về nông thôn tiêu thụ... Tuy nhiên, trong gần 4 năm qua, từ khi Chính phủ và Bộ Công thương ban hành chính sách về việc phát triển hệ thống thương mại ở ĐBSCL , nhưng đến nay việc triển khai thực hiện xây dựng các trung tâm thương mại, chợ đầu mối... ở hầu hết các địa phương đều diễn ra rất chậm, nên đã làm hạn chế việc tiêu thụ hàng hóa nông sản ở khu vực này.

Quá manh mún

ĐBSCL gồm 13 tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng và thành phố Cần Thơ, dân số khoảng 17,5 triệu người (chiếm 22% dân số cả nước) nên chiếm thị phần bán lẻ hàng hóa dịch vụ khoảng 17% - 18% so với cả nước. ĐBSCL nằm kề vùng Đông Nam Bộ, có đường giao thông thủy và hàng không quan trọng giữa Đông Nam Á và Thái Bình Dương thuận lợi trong luân chuyển hàng hóa. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ năm 2007 đạt 142.797,7 tỉ đồng, ước thực hiện năm 2008 là 181.036 tỉ đồng, tăng 26,78% so cùng kỳ năm 2007. Theo PGS- TS Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Vụ Chính sách và thị trường trong nước- Bộ Công Thương: Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ của vùng tăng bình quân 12,3%/năm, cao hơn mức bình quân của cả nước khoảng 1,3%. Tuy nhiên, hệ thống phân phối hàng hóa của vùng ĐBSCL còn mang tính tự phát, manh mún, nhỏ lẻ. Vùng ĐBSCL hiện đã đưa vào hoạt động 08 Trung tâm thương mại và 33 siêu thị, đang triển khai xây dựng một số siêu thị lớn ở một số tỉnh như Siêu thị Saigon Coopmart, Siêu thị Citimax. Hiện tại, đang hoàn thành thủ tục đầu tư xây dựng mới 04 Trung tâm Thương mại và 16 siêu thị với tổng vốn đầu tư là 207 tỉ đồng, trong đó vốn nhà nước là 90 tỉ đồng còn lại từ nguồn vốn khác. Các tỉnh trong vùng đang tổ chức triển khai các Quy hoạch hệ thống cửa hàng bán lẻ, chỉ đạo thực hiện phát triển hệ thống chợ theo quy hoạch được phê duyệt; xúc tiến đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch phát triển mạng lưới cửa hàng kinh doanh khí đốt hóa lỏng trên địa bàn; kế hoạch phát triển thương mại điện tử đến năm 2010... Tuy nhiên, hiện nay sự liên kết trong và ngoài hệ thống phân phối ở ĐBSCL còn yếu; cơ sở vật chất, kỹ thuật của mạng lưới chợ còn nghèo nàn, lạc hậu. Ngoài ra, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại còn ít, nên lưu thông hàng hóa ở thị trường nội địa vùng ĐBSCL vẫn chủ yếu thông qua hệ thống chợ truyền thống (trên 40%). Hiện nay, khu vực ĐBSCL có tổng số 1.756 chợ, chiếm 21,7% so với cả nước, trong đó có gần 600 chợ tạm, chiếm 20% và 42 chợ hoạt động không hiệu quả, chiếm 11,3% so với cả nước. Về lý thuyết “Chợ đầu mối” là “mô hình” liên kết 4 nhà, để người dân tiếp cận với cách mua bán hiện đại. Cụ thể, các chợ đầu mối này hoạt động như sàn giao dịch hàng hóa, đưa người nông dân tham gia vào thị trường, xóa bớt đầu mối trung gian và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia. Trong đó có các chợ đầu mối tại Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp đi vào hoạt động 2-4 năm. Tuy nhiên, khi tìm hiểu về hoạt động ở các chợ đầu mối hiện nay thì đa số chỉ thu mua nông sản rồi bán lại với dạng thô hoặc sơ chế chút ít, chứ chưa thực hiện việc thu mua, bảo quản nông sản vào lúc rộ mùa hay chế biến thành những sản phẩm có giá trị cao hơn. Gần như từ nông thôn đến thị thành ĐBSCL cứ cách vài trăm mét đến 1-2 cây số là có chợ. Nhưng thực tế chợ nông thôn vẫn là chợ đơn giản, hình thành theo kiểu tự cung, tự cấp. Nhiều chợ xã, chợ huyện được đầu tư lớn nhưng không phát huy được hiệu quả, thậm chí một số chợ lãng phí vì đến nay vẫn bỏ hoang. Ông Nguyễn Việt Cường, Tổng giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - dịch vụ Việt Mai, một doanh nghiệp chuyên tư vấn đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác chợ khu vực ĐBSCL cho biết: “thường các chợ này đầu tư kém hiệu quả - nhất là chợ truyền thống ở xã, huyện. Nguyên nhân do đầu tư theo yêu cầu địa phương, ít tính đến hiệu quả sau khi có chợ. Chợ xây xong, thường không có “chủ” để quản lý, khai thác.

Nhanh chóng hình thành hệ thống thương mại vùng

Hiện nay, thị trường bán lẻ đã mở cửa theo cam kết khi gia nhập WTO, sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn từ các doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi đó, mặc dù mạng lưới bán lẻ đã phát triển từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng biên giới; nhưng chủ yếu là do các doanh nghiệp nhỏ và các hộ kinh doanh đảm nhận mà chưa có mạng lưới các trung tâm thương mại, tổng kho bán buôn hiện đại để phân phối và làm đầu tàu cho ngành thương mại của từng tỉnh trong khu vực cũng như của khu vực. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 26/2008/QĐ/TTg quy định một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các tỉnh, thành ĐBSCL đến năm 2010. Trong đó, nêu rõ mục tiêu, chỉ tiêu phát triển đối với lĩnh vực thương mại - dịch vụ đến năm 2010: Mở rộng mạng lưới thương mại để tiêu thụ hàng hóa nông sản. Phát triển các chợ đầu mối, chợ đường biên với Campuchia. Đến năm 2010, có trên 60% số hộ nông dân được sản xuất và tiêu thụ hàng hóa theo hợp đồng, có địa chỉ rõ ràng. Điều này cho thấy, vai trò của nông dân - người trực tiếp sản xuất ra hàng hóa rất quan trọng trong mối quan hệ tương tác với các chợ. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất ở các tỉnh ĐBSCL hiện nay là cơ sở hạ tầng của ngành còn nhiều yếu kém, mạng lưới chợ yếu kém và phần nhiều là quá tải. Trong khi đó, một số chợ nông thôn vùng sâu đang gặp nhiều khó khăn trong kêu gọi đầu tư xây dựng, nâng cấp mở rộng do vốn đầu tư ở các chợ này cao trong khi đó nguồn thu từ các chợ này thấp, khó thu hồi vốn nhanh; việc chuyển đổi mô hình BQL chợ sang doanh nghiệp kinh doanh quản lý khai thác chợ triển khai còn chậm vì lĩnh vực này còn mới, chưa có mô hình cụ thể hoạt động có hiệu quả, nhà đầu tư còn ngần ngại. Ngoài ra, việc hình thành xây dựng các chợ đầu mối , trung tâm thương mại ở các địa phương còn tiến hành rất chậm. Điển hình như, Nhà nước giao cho TP Cần Thơ đầu tư xây dựng chợ đầu mối kinh doanh lúa gạo tại huyện Thốt Nốt, nhưng đã qua 4 năm từ khi khởi công xây dựng đến nay chợ đầu mối này vẫn chưa hình thành. Vì vậy, vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo TP Cần Thơ bàn giao lại cho Tổng công ty Lương thực miền Nam tiếp nhận và tiếp tục đầu tư xây dựng chợ đầu mối này. Chợ đầu mối huyện Thốt Nốt là trung tâm của vùng trọng điểm lúa gạo lớn nhất ĐBSCL gồm TP Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, hiện qui tụ 50 doanh nghiệp, cơ sở thu mua chế biến gạo cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu hàng năm hơn 1 triệu tấn; có hệ thống kho chứa và lượng gạo dự trữ lớn nhất vùng. Chợ Thốt Nốt có diện tích 22 héc ta, tổng mức vốn đầu tư tính thời điểm năm 2003 là hơn 141 tỉ đồng. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam, đơn vị tiếp nhận đầu tư dự án chợ đầu mối chuyên doanh lúa gạo cho biết dự toán tổng vốn đầu tư xây chợ Thốt Nốt hiện nay lên đến hơn 600 tỉ đồng. Đây là chợ lúa gạo quy mô lớn nhất vùng ĐBSCL, được thiết kế với hệ thống nhà máy xay xát, phơi, sấy, nhà kho 200 ngàn tấn, cầu bến cảng...; là nơi giao dịch mua bán, tồn trữ, chế biến và xuất khẩu lúa gạo của nông dân và doanh nghiệp trong vùng.

Theo Bộ Công thương, từ nay đến năm 2020, sẽ phát triển 157 chợ đầu mối nông sản trên toàn quốc, với 35 chợ nâng cấp, mở rộng và 122 chợ xây mới, trong đó có 77 chợ đầu mối nông sản đa ngành, 30 chợ đầu mối rau quả, 12 chợ đầu mối lúa gạo và 38 chợ đầu mối thủy sản, với tổng vốn đầu tư 7.837 tỉ đồng. Riêng, toàn vùng ĐBSCL hiện đang có 109 chợ đang triển khai với tổng số vốn đầu tư xây dựng khoảng 2.300 tỉ đồng, vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại chủ yếu huy động từ doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân trong và ngoài nước. Trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ những dự án có quy mô lớn, chợ vùng sâu, vùng xa, địa bàn kinh tế khó khăn trong khả năng cân đối vốn hàng năm... Đây là mục tiêu được đưa ra tại quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ trên phạm vi toàn quốc đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 vừa được Bộ Công Thương ban hành.

LÊ HIỀN (TTXVN)

Quầy hàng nước giải khát thuộc nhóm hàng VN chất lượng cao tại Siêu thị Co.opMart Cần Thơ. Ảnh: ĐỖ CHÍ THIỆN

Chia sẻ bài viết