03/04/2018 - 10:33

Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở vùng dân tộc thiểu số Tây Nam Bộ 

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Những chủ trương, chính sách đó đã được cụ thể hóa bằng các chương trình, dự án mục tiêu quốc gia, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, đời sống chính trị - xã hội và chất lượng cuộc sống của người Khmer, người Hoa và người Chăm ở vùng Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, sau hơn 30 năm (1986 - 2017) nhìn lại, vẫn còn không ít khó khăn, bất cập cần khắc phục trong việc xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở các dân tộc thiểu số ở vùng này.

Lễ hội đua bò Bảy Núi của đồng bào Khmer ở tỉnh An Giang - Nguồn: dulichvn.org.vn

Tây Nam Bộ (hay đồng bằng sông Cửu Long) là nơi tụ cư của nhiều tộc người (Kinh, Khmer, Hoa, Chăm...) khác nhau về nguồn gốc cư dân, ngôn ngữ và văn hóa. Các cộng đồng đa tộc người này sinh sống tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn ven Biển Đông (Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và một phần Cà Mau), ven biển Tây (Kiên Giang và một phần Cà Mau), ven biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia (An Giang và Kiên Giang), giữa sông Tiền, sông Hậu (Vĩnh Long và một phần Trà Vinh) và tây nam sông Hậu (Cần Thơ, Hậu Giang, một phần Sóc Trăng và một phần Kiên Giang). Từ thời các chúa Nguyễn và triều Nguyễn, người Kinh (tộc người đa số), người Khmer, người Hoa và người Chăm (các tộc người thiểu số) là những thành phần cư dân cơ bản hợp thành cơ cấu dân cư đa tộc người, đa dạng sắc thái văn hóa của mỗi tộc người ở vùng này.

Những vấn đề đặt ra về đời sống văn hóa và việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở vùng các tộc người thiểu số ở vùng Tây Nam Bộ

Trong vùng các tộc người thiểu số của vùng Tây Nam Bộ, cùng với người Kinh, người Khmer, người Hoa và người Chăm là những chủ thể văn hóa, chủ thể phát triển của vùng này. Ở đây, văn hóa tộc người của người Khmer được tích hợp trên nền tảng nông nghiệp lúa nước và hoa màu là chính và Phật giáo Nam Tông là tôn giáo của toàn cộng đồng có tác động chi phối mọi mặt đời sống cư dân với các thiết chế (hay định chế) tự quản cộng đồng của phum, sóc và nhà chùa. Trong khi đó, văn hóa tộc người của người Hoa được tích hợp trên nền tảng nông nghiệp rẫy hoa màu, hoạt động kinh doanh, làm dịch vụ là chính và hội quán là thiết chế tự quản cộng đồng gắn với tín ngưỡng tôn thờ ông Bổn, bà Thiên Hậu của cư dân di cư bằng đường biển. Còn văn hóa tộc người của người Chăm được tích hợp trên nền tảng kinh tế đánh bắt cá trên sông rạch và buôn bán lưu động, dài ngày “nay đây, mai đó” là chính và Islam là tôn giáo của toàn cộng đồng có tác động chi phối mọi mặt đời sống cư dân với các thiết chế tự quản cộng đồng của palei và thánh đường. Vì thế, việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở vùng các tộc người thiểu số của vùng Tây Nam Bộ cần trên cơ sở nhận biết thực trạng về môi trường và thấu hiểu bản sắc, giá trị văn hóa truyền thống của mỗi tộc người này.

Theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các tộc người thiểu số, các tỉnh, thành phố ở vùng Tây Nam Bộ đã huy động kết hợp lồng ghép nhiều nguồn vốn của Trung ương, địa phương, tổ chức phi chính phủ và người dân để tập trung đầu tư xây dựng, sửa chữa các thiết chế tôn giáo, tín ngưỡng cổ truyền của cộng đồng (chùa Phật giáo Nam tông của người Khmer, thánh đường Islam của người Chăm, miếu thờ ông Bổn, bà Thiên Hậu của người Hoa); sưu tầm, lưu giữ, trưng bày các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và xếp hạng các di tích văn hóa lịch sử. Tại Sóc Trăng có 5 chùa Phật giáo Nam tông Khmer được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia (2 chùa) và cấp tỉnh (3 chùa), 3 công trình kiến trúc văn hóa Hoa được công nhận di tích cấp tỉnh và Bảo tàng Khmer trưng bày 462 hiện vật văn hóa truyền thống của tộc người này(1). Tại Kiên Giang có 4 chùa và 1 tháp đựng cốt 4 sư liệt sĩ được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Còn tại thành phố Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh) có 01 ngôi chùa được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, 02 ngôi chùa được công nhận di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc cấp quốc gia và khu di tích văn hóa cấp quốc gia Ao Bà Om(2)...

Hoạt động văn hóa, nghệ thuật, văn nghệ, thể dục, thể thao của các tộc người thiểu số ở vùng Tây Nam Bộ luôn được duy trì và phát huy. Ở Sóc Trăng có các đoàn nghệ thuật Khmer chuyên nghiệp, đội văn nghệ chuyên nghiệp Hội Châu Quang (thị xã Vĩnh Châu) và một số đội văn nghệ quần chúng hoạt động ở các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Ở Kiên Giang, Đoàn nghệ thuật Khmer và Đội chiếu bóng lưu động của tỉnh thường xuyên lưu diễn phục vụ người dân vùng các tộc người thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và giao lưu văn hóa, nghệ thuật với các tỉnh kết nghĩa ở Cam-pu-chia. Hiện nay, ngành văn hóa tỉnh Kiên Giang cũng đã xây dựng đề án truyền dạy và bảo tồn nghệ thuật sân khấu Dù kê của người Khmer(3).

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị cơ sở của các địa phương ở vùng Tây Nam Bộ trong việc mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động của “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2012 - 2015 gắn với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 cũng đã làm thay đổi căn bản kết cấu hạ tầng, đời sống kinh tế - xã hội và văn hóa của các cộng đồng người Khmer, người Hoa và người Chăm ở khu vực nông thôn, thành thị, vùng ven biên giới, ven biển và hải đảo ở vùng này.

Các thiết chế văn hóa cổ truyền (chùa Khmer, thánh đường Chăm, hội quán Hoa...) và hiện đại (nhà văn hóa xã, nhà truyền thống Chăm, bảo tàng Khmer...) đã được đầu tư xây dựng mới hoặc trùng tu, sửa chữa lại để đáp ứng yêu cầu xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở vùng các tộc người thiểu số của vùng Tây Nam Bộ. Tính đến tháng 10-2014, ở Sóc Trăng đã có 511 nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà thông tin ấp và tụ điểm văn hóa chùa Khmer. Ngoài ra, Học viện Phật giáo Nam tông Khmer (ở Cần Thơ), các trường trung cấp Pali Khmer (ở Sóc Trăng và Trà Vinh) và các trường cao đẳng, trung cấp nghề, trung học dân tộc nội trú đã được đầu tư xây dựng nhằm góp phần thúc đẩy công tác giáo dục, đào tạo, dạy nghề cho con em và sư sãi người Khmer.

“Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở”, xây dựng “gia đình văn hóa”, “ấp văn hóa”, “xã văn hóa”, “chùa Khmer văn hóa”, “điểm sáng văn hóa biên giới”... đã được triển khai thực hiện rộng khắp ở vùng người Khmer, người Hoa và người Chăm. Ở huyện An Phú (An Giang), nơi có đông người Chăm sinh sống, có 92,6% số hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa, 56/58 ấp văn hóa, 10/14 xã, thị trấn văn hóa, có 104 đơn vị được công nhận cơ quan văn hóa, 4/58 ấp được phê duyệt Quy ước theo Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang và 12/34 ấp điểm sáng văn hóa biên giới(4). Ở huyện Châu Thành (Kiên Giang), nơi có đông người Khmer và người Hoa sinh sống, hằng năm có 93% số hộ gia đình, 95% số ấp, khu phố, 98% cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu văn hóa(5). Ở thành phố Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh), trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa”, “xây dựng khóm, ấp văn hóa và cuộc sống mới ở khu dân cư” có 33/72 khóm có người Khmer sinh sống đạt danh hiệu khóm văn hóa, 3.816/5.062 hộ gia đình Khmer được công nhận gia đình văn hóa.

Các địa phương ở vùng Tây Nam Bộ đã triển khai thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trong các cộng đồng người Khmer, người Hoa và người Chăm theo Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt là, tập trung đầu tư xây dựng, sửa chữa lò hỏa táng tại các chùa Phật giáo Nam tông Khmer. Riêng tỉnh Kiên Giang có kế hoạch thực hiện đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong các tộc người thiểu số trên địa bàn tỉnh và đầu tư 30 tỷ đồng để xây dựng lò hỏa táng cải tiến cho 92 chùa(6). Thành phố Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh) cũng đã xây dựng 9 nhà hỏa táng ở 9 điểm chùa với kinh phí từ nguồn vốn Trung ương và đối ứng của người dân, sư sãi Khmer... Nhìn chung, việc đầu tư xây dựng, sửa chữa nhà hỏa táng ở các chùa Phật giáo Nam tông Khmer đã tạo điều kiện thuận lợi không chỉ cho người Khmer, mà còn cho cả người Kinh, người Hoa thực hiện việc hỏa táng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất đốt gây ra.

Lễ hội truyền thống của các cộng đồng người Khmer, người Hoa và người Chăm ở vùng Tây Nam Bộ đã được bảo tồn và phát huy. Lễ hội Đônta - Đua bò của người Khmer ở An Giang được tổ chức luân phiên mỗi năm ở huyện Tri Tôn và huyện Tịnh Biên; ngày hội văn hóa thể thao truyền thống và Liên hoan văn hóa mùa nước nổi Búng Bình Thiên cũng được tổ chức hằng năm ở huyện An Phú(7). Các lễ hội tín ngưỡng tôn giáo của người Khmer, người Hoa ở Sóc Trăng được tổ chức theo truyền thống, trong đó, Lễ hội Ok Om Bok - Đua ghe ngo của người Khmer được nâng cấp thành Festival đua ghe ngo của vùng Tây Nam Bộ. Lễ hội Ok Om Bok - Đua ghe ngo cũng được tổ chức hằng năm tại huyện Gò Quao và được nâng cấp thành Ngày hội văn hóa thể thao và du lịch cấp tỉnh ở Kiên Giang. Các điểm chùa ở chung quanh Ao Bà Om và Ao Bà Om là những nơi diễn ra các lễ hội truyền thống và là nơi sinh hoạt, tu học, vui chơi giải trí của người Khmer và nhân dân địa phương ở tỉnh Trà Vinh. Có thể nói, các lễ hội truyền thống, “Ngày hội văn hóa dân tộc Khmer, Chăm và Hoa” được tổ chức thường xuyên hằng năm đã góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, giá trị truyền thống của các cộng đồng tộc người này. Đồng thời, các chùa Phật giáo Nam tông Khmer, thánh đường Islam Chăm, hội tương tế Hoa cũng được phát huy vai trò, vị thế của mình trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và chăm lo giáo dục cộng đồng (dạy chữ Khmer, chữ Hoa, tiếng Chăm...).

Tuy nhiên, việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở vùng các tộc người thiểu số của vùng Tây Nam Bộ vẫn còn không ít khó khăn, bất cập. Môi trường sinh thái và nhân văn vùng này đã có nhiều thay đổi dưới tác động của sự phát triển kinh tế - xã hội và biến đổi khí hậu. Đời sống kinh tế và sinh kế của các cộng đồng tộc người thiểu số ở vùng Tây Nam Bộ, nhất là người Khmer và người Chăm là những “cộng đồng nghèo”, còn nhiều khó khăn, thiếu thốn và rủi ro. Trong khi đó, hệ thống giáo dục, đào tạo, nhất là đào tạo nghề chưa đáp ứng được nhu cầu học nghề khả dĩ phù hợp theo phong tục tập quán của từng tộc người. Hệ thống y tế, nhất là mạng lưới chăm sóc sức khỏe cộng đồng chưa đáp ứng được yêu cầu phòng chữa bệnh và giữ gìn vệ sinh môi trường. Công tác giáo dục, đào tạo, dạy nghề, y tế, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ và cải thiện môi trường trở thành vấn đề cấp bách đối với việc nâng cao chất lượng dân số, tầm vóc con người và chất lượng nguồn nhân lực của các tộc người thiểu số, đáp ứng yêu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở vùng này.

Để tiếp tục giữ gìn văn hóa và xây dựng đời sống văn hóa cơ sở của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Tây Nam Bộ

Tây Nam Bộ là vùng đất đa văn hóa, đa tôn giáo và đa dạng các loại hình tín ngưỡng, lễ hội dân gian của người Khmer, người Hoa và người Chăm. Việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống trong văn hóa và tôn giáo của các tộc người này hiện nay là yêu cầu vừa cơ bản, vừa cấp bách để đáp ứng việc xây dựng gia đình văn hóa, ấp, khóm, khu phố văn hóa, điểm sáng văn hóa biên giới và xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Để tạo sự chuyển biến nhanh, bền vững trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở vùng các tộc người thiểu số của vùng Tây Nam Bộ, trong quản lý xã hội tổng thể về văn hóa, các địa phương ở vùng này cần:

Thứ nhất, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án mục tiêu quốc gia, địa phương đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa ở vùng dân tộc thiểu số, nhất là trong vùng người Khmer và vùng người Chăm sau hơn 30 năm đổi mới. Trên cơ sở đó, lựa chọn các dự án ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa thân thiện với môi trường, phù hợp với đặc điểm, lợi thế của vùng và trình độ phát triển của các tộc người thiểu số ở vùng này; đồng thời xây dựng các đề án khôi phục một số loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một, như lễ cưới, trang phục, các trò chơi dân gian, sân khấu rô băm, dù kê, các loại nhạc cụ cổ truyền...

Thứ hai, xây dựng đồng bộ và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa cộng đồng để ngày càng nâng cao chất lượng hoạt động của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở. Phát triển du lịch sinh thái - văn hóa gắn với bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích khảo cổ học, thiết chế văn hóa, làng nghề, nghề thủ công cổ truyền và lễ hội truyền thống ở vùng các tộc người thiểu số, nhất là vùng người Khmer và người Chăm ở ven biên giới, vùng người Khmer và người Hoa ở ven biển và hải đảo.

Thứ ba, phát huy vai trò của Hội đoàn sư sãi yêu nước của người Khmer, Hội tương tế của người Hoa, Hội đồng giáo cả của người Chăm và người có uy tín của phum sóc và chùa Phật giáo Nam tông Khmer (Sư cả), khu dân cư và hội quán Hoa (Hội trưởng), palei và thánh đường Chăm (Giáo cả) trong tuyên truyền, vận động cộng đồng cư dân và tín đồ của mình tham gia xây dựng gia đình văn hóa, ấp/khôm/khu phố văn hóa, điểm sáng văn hóa biên giới, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

Thứ tư, tập trung đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý xã hội tổng thể về văn hóa, thấu hiểu phong tục, tập quán, tín ngưỡng tôn giáo, lối sống và tâm lý các tộc người thiểu số của đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị ở cơ sở xã/phường/thị trấn và ấp/khóm/khu phố để huy động có hiệu quả cao các nguồn lực và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và môi trường văn hóa gắn với việc xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.

------------------------------------------------------

(1) Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng (tháng 10-2014): Văn kiện Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng lần thứ II, năm 2014, tr. 11

(2) Ủy ban nhân dân thành phố Trà Vinh (năm 2014): Báo cáo phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh thành phố Trà Vinh, nhiệm kỳ 2009 - 2014, tr. 4

(3) Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang (tháng 5-2016): Báo cáo tình hình thực hiện một số chính sách dân tộc 5 năm (2011 - 2015) trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, tr. 13

(4) Huyện ủy An Phú (tháng 7-2015): Báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, tr. 8 - 9

(5) Đảng bộ huyện Châu Thành (năm 2015): Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Châu Thành lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015 - 2020, tr. 5

(6) Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang (tháng 5-2016): Báo cáo tình hình thực hiện một số chính sách dân tộc 5 năm (2011 - 2015) trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, tr. 13

(7) Huyện ủy An Phú (tháng 7-2015): Báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020), tr. 8 - 9

Võ Công NguyệnTS, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ

Theo Tạp Chí Cộng sản

Chia sẻ bài viết