18/12/2007 - 21:14

Giáo sư Tiến sĩ Lê Thế Thự, Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược Cần Thơ:

Xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy có năng lực, đào tạo hướng về cộng đồng và nhu cầu xã hội

 

Những ngày đầu mới thành lập trên cơ sở của Khoa Y- Nha - Dược (Trường Đại học Cần Thơ), Trường Đại học Y Dược Cần Thơ (ĐHYD CT) chỉ có 156 cán bộ giảng viên. Đến nay, trường có trên 400 cán bộ, nhân viên, trong đó, có hơn 10 tiến sĩ, 80 cán bộ có trình độ sau đại học. Theo Đề án Qui hoạch Tổng thể “Phát triển Trường ĐHYD Cần Thơ đến năm 2010 và tầm nhìn năm 2020”, để mở rộng qui mô đào tạo, nghiên cứu khoa học, năm 2010 trường cần có trên 800 cán bộ giảng viên; trong đó, trên 80% cán bộ giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên... Bằng cách nào trường có thể xây dựng được đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu phát triển sắp tới? Xoay quanh vấn đề này, Giáo sư Tiến sĩ Lê Thế Thự, Hiệu trưởng Trường ĐHYD CT cho biết:

- Để có đủ nhân lực đáp ứng yêu cầu đào tạo cán bộ y tế cho khu vực ĐBSCL, Trường ĐHYD CT tập trung vào ba nguồn. Trước hết là nâng cao năng lực, bồi dưỡng nhân lực hiện có. Trường đặt mục tiêu cho cán bộ giảng dạy phải phấn đấu có bằng thạc sĩ trước 30 tuổi, có bằng tiến sĩ trước 40 tuổi, được phong học hàm phó giáo sư, giáo sư trước 50 tuổi. Trường khuyến khích và hỗ trợ cán bộ tham gia các khóa học ngắn hạn, định hướng chuyên khoa, thực tập sinh, hội thảo ở trong và ngoài nước. Trường cũng khuyến khích và hỗ trợ cán bộ tham gia nghiên cứu khoa học, đưa nghiên cứu khoa học trở thành một trong những tiêu chí thi đua.

Thứ hai là bổ sung thêm nguồn nhân lực. Căn cứ theo nhu cầu và chỉ tiêu cán bộ được Bộ Y tế phê duyệt, Trường ĐHYD CT sẽ tổ chức tuyển chọn và tiếp nhận cán bộ mới, chủ yếu là các bác sĩ, dược sĩ, cán bộ tốt nghiệp đại học đạt trình độ khá giỏi từ các trường đại học. Xây dựng kế hoạch và triển khai công tác đào tạo giảng viên để từ sau năm 2007, trường có thể đảm bảo cơ bản giảng viên phục vụ cho các bộ môn y học cơ sở và khoa học cơ bản.

Thứ ba là tận dụng sự hỗ trợ, điều động nhân lực từ các cơ sở khác. Trường sẽ tiếp tục mời giảng có chọn lọc từ Trường ĐHYD TP Hồ Chí Minh, các trường đại học khác trong cả nước. Đồng thời, có chính sách và phối hợp với UBND, Sở Y tế các tỉnh, thành ĐBSCL huy động đội ngũ cán bộ có học vị giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ... đang làm việc tại các bệnh viện hỗ trợ giảng dạy thực hành cho sinh viên các năm cuối, trước khi ra trường.

Với cách làm trên, Trường ĐHYD CT phấn đấu đến năm 2010, có 846 cán bộ giảng viên; trong đó, bao gồm các giáo sư, phó giáo sư và 670 cán bộ có trình độ từ đại học trở lên. Có như thế, mới đáp ứng qui mô đào tạo 7.000 sinh viên các loại và mở rộng đào tạo các khóa sau đại học tại trường.

* Năm học 2007-2008, trường đã xây dựng kế hoạch đào tạo cán bộ giảng dạy từ những sinh viên đang học năm thứ 5, thứ 6 tại trường. Giáo sư có thể cho biết cụ thể về kế hoạch này?

- Kế hoạch “Tăng cường nhân lực cán bộ y học cơ sở và y tế công cộng” nhằm đào tạo những cán bộ giảng dạy tâm huyết, hướng về cộng đồng. Mục tiêu chung là phải đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng cán bộ giảng dạy ở các chuyên ngành: giải phẫu, mô phôi, giải phẫu bệnh, pháp y, sinh lý, y học dân tộc... Đối tượng là sinh viên y chính qui năm thứ 5 và 6, tự nguyện đăng ký xét tuyển vào các chuyên ngành y học cơ sở, y tế công cộng và một số chuyên ngành lâm sàng hiếm. Điểm trung bình tích lũy 7,0 điểm trở lên, có phẩm chất đạo đức tốt.

 Sinh viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ trong giờ thực hành. Ảnh: B.Ng

Sau khi xét tuyển, trường sắp xếp để sinh viên vừa học chuyên môn, vừa thực tập trợ giảng tại các bộ môn. Ở năm học thứ 5, sinh viên được đào tạo theo chương trình chung nhưng không đi thực tập block y học tuyến cơ sở mà về học tập và làm việc tại Bộ môn (sinh viên đăng ký và được xét tuyển). Trong một số trường hợp đặc biệt, trường có thể gởi sinh viên đi học sơ bộ chuyên khoa tại các trường khác trong và ngoài nước. Cuối khóa học, sinh viên thi tốt nghiệp theo hình thức bảo vệ luận văn tốt nghiệp chuyên ngành. Riêng môn lý thuyết thì tính trung bình cộng điểm lý thuyết block lâm sàng Nội, Ngoại, Sản, Nhi như các sinh viên khác. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên vẫn được cấp bằng Bác sĩ Đa khoa, chứng chỉ sơ bộ chuyên khoa và ở lại trường làm công tác giảng dạy.

Chương trình này sẽ hỗ trợ học phí năm thứ 6 cho sinh viên, cấp học bổng, hỗ trợ nghiên cứu khoa học, mở các lớp bồi dưỡng để sinh viên lấy các chứng chỉ theo yêu cầu của một giảng viên, tạo điều kiện giúp sinh viên sau khi tốt nghiệp tiếp tục được đào tạo nâng cao trình độ... Tất nhiên, sinh viên phải chịu sự ràng buộc, phải nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt chương trình học; ký hợp đồng trách nhiệm với nhà trường về việc tham gia chương trình.

Hiện nay, đã có 45 sinh viên đang học năm thứ 5 và 6 đăng ký tham gia chương trình này. Đây là năm đầu tiên và cũng là kế hoạch lâu dài của nhà trường trong việc tạo nguồn cán bộ giảng dạy cơ hữu. Tùy theo tình hình, điều kiện thực tế, các vấn đề phát sinh sẽ được nhà trường điều chỉnh, bổ sung trong quá trình thực hiện.

* Vậy trường có những giải pháp gì để chủ động nguồn kinh phí thực hiện kế hoạch trên?

- Khi triển khai thực hiện kế hoạch “Tăng cường nhân lực cán bộ y học cơ sở và y tế công cộng”, Ban Giám hiệu, Đảng ủy và tập thể cán bộ trường đều thống nhất chủ trương, chiến lược về công tác phát triển cán bộ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, khó khăn lớn nhất là nguồn kinh phí. Song, chúng tôi cố gắng tranh thủ các nguồn tài trợ trong và ngoài nước cho công tác đào tạo cán bộ, nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới, Quỹ vòng tay nhân ái... Đồng thời, tranh thủ sự hỗ trợ của các trường bạn.

* Theo Giáo sư, TP Cần Thơ có vai trò như thế nào trong việc xây dựng, phát triển Trường ĐHYD CT?

- Mặc dù là trường đại học trực thuộc Bộ Y tế nhưng Trường ĐHYD CT rất cần sự hỗ trợ từ các ngành, các cấp chính quyền của các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Trong đó, Thành ủy, UBND TP Cần Thơ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất của trường. Thành phố đã có nhiều quyết định giao đất, hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư cho các hộ dân trong khu đất của trường. Trong các Nghị quyết của UBND, HĐND, Thành ủy Cần Thơ đều có đề cập đến vấn đề đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trường ĐHYD CT, thể hiện sự quan tâm cao của Đảng và Nhà nước cho sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực y tế cho vùng ĐBSCL trong tương lai. Vừa qua, UBND một số tỉnh thuộc ĐBSCL đã có công văn cho trường đồng ý xây dựng ký túc xá cho sinh viên của tỉnh mình, giúp sinh viên có chỗ ở, yên tâm học tập... Theo tôi, nếu có thể được, các địa phương tạo điều kiện cùng nhà trường hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong mọi mặt công tác đào tạo, phục vụ, nghiên cứu khoa học để nhà trường thực sự đảm bảo mục tiêu chiến lược đào tạo theo nhu cầu xã hội.

* Xin cảm ơn Giáo sư!

BÍCH NGỌC (thực hiện)

Chia sẻ bài viết