03/10/2018 - 21:52

Xây dựng chiến lược phát triển ngành phụ phẩm tôm 

Trong khuôn khổ sự kiện TechDemo Cần Thơ 2018, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội thảo Quốc tế với chủ đề “Công nghệ và giải pháp nâng cao giá trị ngành phụ phẩm tôm Việt Nam”. Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng, với sự phát triển của ngành tôm trong thời gian tới, phụ phẩm tôm sẽ tiếp tục gia tăng. Và để biến phụ phẩm tôm thành sản phẩm có giá trị gia tăng cao thì việc áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại vào quy trình xử lý phụ phẩm tôm là hết sức cần thiết.

"Mỏ vàng" từ phụ phẩm tôm

Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH&CN, nhấn mạnh: Thủ tướng đã đặt kỳ vọng lớn vào sự phát triển của ngành tôm. Mặc dù mục tiêu xuất khẩu đạt 10 tỉ USD vào năm 2025 vẫn còn một khoảng cách lớn, nhưng đây là mục tiêu có cơ sở do ngành tôm đang còn nhiều dư địa phát triển với lợi thế về bờ biển dài trên 3.200km, có hệ thống sông ngòi với mật độ cao và diện tích nuôi tôm tại ĐBSCL được dự báo sẽ tăng thêm trong thời gian tới. Mặt khác, thị trường thế giới đối với sản phẩm tôm tiếp tục xu hướng tăng ổn định và chưa có giới hạn. Gắn liền với sự tăng lên của sản lượng tôm là phụ phẩm, năm 2017 lượng phụ phẩm tôm của cả nước khoảng trên 320.000 tấn và dự kiến tới năm 2025 sẽ tăng thêm 60%. Phụ phẩm tôm có thể là một "mỏ vàng" nếu được ứng dụng công nghệ để tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao thay vì xem đây chỉ là phế phẩm được bán rất rẻ để làm thức ăn cho gia súc.

Các sản phẩm giá trị gia tăng được chế biến từ phụ phẩm tôm của Công ty cổ phần Việt Nam Food.  Ảnh: MỸ THANH

Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Trang Sỹ Trung, Hiệu trưởng Trường Đại học Nha Trang, ĐBSCL có lợi thế là sản xuất tôm tập trung. Phần vỏ và đầu tôm là phụ phẩm sau chế biến tôm. Thực tế cho thấy, phế phẩm từ tôm vẫn bị xem là phế liệu và không có cách xử lý tốt. Ông Nguyễn Mạnh Dũng, nguyên Trưởng Phòng Phát triển thị trường, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, chia sẻ: Có thể nói phụ phẩm tôm hiện đang là nỗi ám ảnh của nhiều cơ sở chế biến tôm nói riêng và chế biến thủy sản nói chung do bị phân hủy tự nhiên, gây ô nhiễm môi trường. Nhưng nếu biết tận dụng để chế biến thì đó là nguồn nguyên liệu quý, một "mỏ vàng". Đơn cử như việc tận dụng cho thị trường gia vị chẳng hạn. Thị trường gia vị ngày càng phát triển do nhu cầu sử dụng thức ăn nhanh, ăn liền ngày càng cao. Cùng với đó, gia tăng nhu cầu sử dụng các loại gia vị sinh học thay thế cho các hóa chất, hương liệu, phụ gia tổng hợp có hại cho sức khỏe. Hiện nay, dầu tôm (chế biến từ đầu tôm sú tươi) có giá trị cao, được bán trên thị trường với giá khoảng 160.000 đồng/kg.

Khai thác dư địa phát triển

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh:

Thời gian qua, các viện trường, nhà khoa học, doanh nghiệp đã tập trung nghiên cứu, đầu tư phát triển công nghệ chế biến các sản phẩm từ phụ phẩm tôm song còn khiêm tốn, chế biến phần nhiều ở dạng thô. Do đó, cần có sự thống nhất cao từ các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, các địa phương xem việc khai thác phụ phẩm ngành tôm là lĩnh vực cần ưu tiên quan tâm. Cần đẩy mạnh nghiên cứu sâu hơn, toàn diện hơn để tìm ra công nghệ mới, đa dạng sản phẩm với giá trị gia tăng cao hơn và đặc biệt chú ý đến khâu chế biến, thương mại hóa sản phẩm. Bởi có thị trường mới kích thích được các doanh nghiệp tham gia đầu tư chế biến và hình thành nên chuỗi giá trị. Các bên có liên quan đẩy mạnh hợp tác quốc tế, hợp tác kỹ thuật với các quốc gia có kinh nghiệm và công nghệ vượt bậc gắn với mở rộng thị trường, liên kết, liên doanh đầu tư để đưa ngành tôm và lĩnh vực chế biến phụ phẩm từ tôm phát triển bền vững.

Theo các chuyên gia nghiên cứu, dinh dưỡng chứa trong phụ phẩm tôm có thể được áp dụng trong nhiều lĩnh vực tạo ra nhiều giá trị hơn, như: thực phẩm chức năng, thức ăn chăn nuôi, vật liệu sinh học, dược phẩm, nông nghiệp… Các nghiên cứu chế biến phụ phẩm tôm cần phải áp dụng máy móc, công nghệ hiện đại và đầu tư lớn. Ông Nguyễn Mạnh Dũng cho biết: Trong bối cảnh ngành phụ phẩm tôm đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc đáp ứng nhu cầu thị trường và đáp ứng mục tiêu xây dựng chuỗi giá trị tôm bền vững, Chính phủ đã và đang xây dựng nhiều chính sách cải thiện ngành phụ phẩm tôm một cách toàn diện hơn.

Trước yêu cầu thị trường, một số doanh nghiệp đã thành công trong việc chế biến sản phẩm giá trị gia tăng từ phụ phẩm tôm. Công ty Cổ phần Việt Nam Food (VNF) ứng dụng công nghệ xử lý để sản xuất ra những dòng sản phẩm có giá trị ưu việt: thực phẩm gia vị từ thịt và gạch tôm (bột, muối, dầu, sa tế), phân bón hữu cơ vi sinh. Ông Phan Thanh Lộc, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị VNF, chia sẻ: "Ngành phụ phẩm còn rất mới nên cần hỗ trợ bước đầu để xây dựng các mô hình kiểu mẫu, hỗ trợ cơ sở hạ tầng, áp dụng chính sách ưu đãi về thuế, vốn vay…. Cần liên kết chuỗi để nâng cao sức mạnh toàn ngành tôm, ổn định chất lượng đầu vào, đầu ra, tăng khả năng xuất khẩu. Triển khai đầu tư công nghệ và sản xuất quy mô lớn, đặc biệt ưu tiên phát triển công nghệ xử lý và tinh chế phù hợp quy mô sản xuất công nghiệp…".

Phụ phẩm tôm là mắt xích không thể tách rời trong chuỗi giá trị tôm và nếu được đầu tư phát triển hợp lý, có thể tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng gấp nhiều lần. Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết: Bộ KH&CN đã tập trung nguồn lực nhằm tạo lập hành lang pháp lý và từng bước hoàn thiện khung chính sách để tháo gỡ các vướng mắc trong thực tiễn nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi nhất để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và đổi mới công nghệ. Đã có nhiều nghiên cứu về sản xuất tôm và phụ phẩm tôm được triển khai, trong đó có các dự án kết hợp chặt chẽ giữa Viện trường và doanh nghiệp. Đây có thể coi là những hạt nhân để hình thành nên ngành sản xuất mới có giá trị gia tăng cao, góp phần phát huy tối đa hiệu quả của ngành.

THANH HUYỀN

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
phụ phẩm tôm