10/01/2018 - 20:35

Xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp 

Bổ trợ tư pháp bao gồm các hoạt động liên quan đến lĩnh vực luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, giám định tư pháp, bán đấu giá tài sản và thừa phát lại. Việc sử dụng dịch vụ pháp lý từ một số hoạt động bổ trợ tư pháp nhằm giảm sức ép cho các cơ quan nhà nước trong cung cấp dịch vụ công, đồng thời phục vụ tốt hơn nhu cầu ngày càng lớn của người dân, đẩy mạnh cải cách tư pháp.

Bà Lê Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố, trao quyết định thành lập Văn phòng Thừa phát lại.

Bà Lê Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố, trao quyết định thành lập Văn phòng Thừa phát lại.

Thực tiễn cho thấy, xã hội hóa các hoạt động bổ trợ tư pháp trên địa bàn thành phố đã mang lại những kết quả bước đầu, đảm bảo lợi ích cho cả người dân và cơ quan quản lý nhà nước. Hiện nay, trên địa bàn thành phố phát triển được 24 tổ chức hành nghề công chứng tại 9 quận, huyện, với 49 công chứng viên. Tất cả các tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc chuyển đổi từ văn phòng công chứng do 1 công chứng viên thành lập thành văn phòng công chứng có 2 công chứng viên hợp danh trở lên. Người dân đã có sự thay đổi về cách nhìn và tin tưởng hơn đối với các tổ chức hành nghề công chứng tư nhân. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, ngụ phường An Hòa, quận Ninh Kiều, nói: “Tôi đến văn phòng công chứng thực hiện một số thủ tục liên quan đến chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Các nhân viên ở đây làm việc rất chuyên nghiệp và hướng dẫn rất tận tình. Tôi biết văn phòng công chứng hiện nay đã chuyển đổi từ công chứng nhà nước sang công chứng tư nhân. Như vậy sẽ thuận tiện hơn, người dân không còn tâm lý phân biệt công chứng công hoặc công chứng tư như trước”.

Hoạt động hành nghề của luật sư trên địa bàn thành phố ngày càng phát triển. Số lượng tổ chức hành nghề luật sư và luật sư ngày càng tăng. Ngoài hoạt động của các văn phòng luật sư, trên địa bàn thành phố hiện có 3 trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Đoàn Luật sư, Liên đoàn Lao động thành phố và Hội Luật gia thành phố, với 34 tư vấn viên pháp luật hỗ trợ các dịch vụ pháp lý cần thiết. Qua đó, phần nào giảm áp lực cho các cơ quan nhà nước khi thực hiện các dịch vụ công. Ông Nguyễn Quốc Trung, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Cần Thơ, cho biết: “Các tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn thành phố ngày càng thể hiện tính chuyên nghiệp, thực sự phát huy được thế mạnh, tạo được uy tín trên thị trường dịch vụ pháp lý trong và ngoài tỉnh, nhất là trong các lĩnh vực tư vấn pháp luật”. 

Có thể nói, bước tiến trong công tác xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp của thành phố là triển khai thí điểm chế định Thừa phát lại. Thành phố có 2 văn phòng Thừa phát lại được thành lập và chuẩn bị đi vào hoạt động. Ông Lê Phát Thanh, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Cần Thơ, cho biết: Khi đi vào hoạt động chính thức, văn phòng được thực hiện việc xác lập chứng cứ lập vi bằng  (vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác): Tiến hành giao nhận tiền, tài sản, giấy tờ, hiện trạng nhà, đất, công trình, tình trạng tài sản; xác nhận các giao dịch không thuộc thẩm quyền của tổ chức hành nghề công chứng và những việc không thuộc thẩm quyền chứng thực của UBND; tống đạt, giao nhận các văn bản của Tòa án nhân dân, cơ quan Thi hành án dân sự và lập vi bằng ghi nhận sự việc tống đạt của tổ chức, cá nhân khi có yêu cầu; xác minh điều kiện thi hành án, truy tìm tài sản thi hành án; thi hành án, thu hồi nợ theo bản án, quyết định của Tòa án nhân dân và tư vấn pháp luật.

Phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2018, ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh: Trong thời gian tới, cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước song song với việc tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động bổ trợ tư pháp, tạo điều kiện để phát triển các nghề tư pháp như thừa phát lại, quản tài viên. Quan tâm tổ chức bồi dưỡng kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế cho luật sư. Xây dựng, củng cố đội ngũ công chứng viên đảm bảo hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch, nhất là các giao dịch tiếp cận tín dụng. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm và đề xuất các giải pháp phòng ngừa, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực tư pháp, nhất là lĩnh vực luật sư, công chứng, đấu giá tài sản, lý lịch tư pháp… Bên cạnh đó, cần quan tâm tuyên truyền pháp luật để người dân hiểu và tin tưởng sử dụng các dịch vụ tư pháp.

Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đề ra chủ trương xã hội hóa nhiều hoạt động trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp như: đào tạo, phát triển đội ngũ luật sư đủ về số lượng, có phẩm chất chính trị, đạo đức, có trình độ chuyên môn. Nhà nước tạo điều kiện về pháp lý để phát huy chế độ tự quản của tổ chức luật sư; đề cao trách nhiệm của các tổ chức luật sư đối với thành viên của mình. Hoàn thiện chế định công chứng. Xác định rõ phạm vi của công chứng và chứng thực, giá trị pháp lý của văn bản công chứng. Xây dựng mô hình quản lý nhà nước về công chứng theo hướng Nhà nước chỉ tổ chức cơ quan công chứng thích hợp; có bước đi phù hợp để từng bước xã hội hóa công việc này. Nghiên cứu chế định thừa phát lại (thừa hành viên); trước mắt, có thể tổ chức thí điểm tại một số địa phương, sau vài năm, trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn sẽ có bước đi tiếp theo.

P.NGUYỄN

Chia sẻ bài viết