02/04/2018 - 20:32

Wes Anderson- “Dị nhân” của giới nghệ thuật 

4 năm sau thành công của “The Grand Budapest Hotel” (2014), nhà làm phim Wes Anderson tiếp tục khiến dư luận chú ý với tác phẩm hoạt hình “Isle of Dogs” theo phong cách stop-motion (tĩnh vật). Thế giới quan và cảm thụ nghệ thuật của Wes Anderson bất đồng với những xu hướng phổ biến, bởi ông tổng hòa điện ảnh, mỹ thuật, kiến trúc... Vì vậy, giới chuyên môn trân trọng gọi đó là “Thế giới của Wes”. 

Wes Anderson với các tạo hình nhân vật trong “Isle of Dogs”.

 

Tuần cuối tháng 3 vừa qua, “Isle of Dogs” ra mắt ấn tượng với doanh thu 1,57 triệu USD tại 27 rạp chiếu phim ở 6 thành phố Bắc Mỹ. Đây là thành tích ấn tượng của dòng phim độc lập, và cho thấy sự yêu mến khán giả dành cho Wes Anderson. Kể từ “Fantastic Mr. Fox” (2009), “Isle of Dogs” đánh dấu sự trở lại với phim hoạt hình stop-motion của Wes Anderson, nên được giới chuyên môn kỳ vọng. Tim Robey của Telegraph bày tỏ: “Wes Anderson không làm phim hoạt hình kiểu êm ái, ủy mị. Chúng ta thấy góc nhìn mới, mà lại hoài cổ”. Lần này, Wes Anderson phá cách theo phong cách Á Đông.

“Isle of Dogs” lấy bối cảnh giả tưởng ở thành phố Megasaki của nước Nhật, vốn đang đối mặt với nhiều vấn nạn xã hội, trong đó có nạn bùng nổ dân số chó và bệnh dịch. Vì vậy, những chú chó bị đưa ra một hòn đảo toàn rác thải, cách ly hoàn toàn với loài người. Cậu bé Atari không chấp nhận việc mất chú chó cưng, đã tìm đường ra đảo mang chú chó trở về. Cốt truyện đơn giản, nhưng tình tiết hài hước pha lẫn nhiều yếu tố rùng rợn, kinh dị; lại ẩn chứa nhiều tầng thông điệp thú vị, nhân văn. “Isle of Dogs” vẫn vấp phải dư luận trái chiều về văn hóa và chủng tộc, nhưng giới phê bình không thể phủ nhận tài năng của Wes Anderson. Trang Rotten Tomatoes đánh giá phim đạt 92% tích cực, còn Metacritic cho 81/100, CinemaScore chấm điểm A. Phim được ngợi ca chạm đến cảm xúc của người xem bằng những câu chuyện đời thường và giúp Wes Anderson chiến thắng Gấu bạc dành cho hạng mục đạo diễn tại Liên hoan phim quốc tế Berlin 2018.

Wes Anderson có phong cách làm phim khác biệt, với cách kể chuyện thong thả, chậm rãi. Khi cần nhấn mạnh, Wes Anderson thường đặc tả mặt nhân vật và dùng thêm màu sắc, âm nhạc. Phim của ông tổng hòa sắc thái u ám và tươi sáng, lồng ghép những thông điệp về cuộc sống. Người xem rất dễ bị đánh lừa về mặt thị giác, bị dẫn dắt cảm xúc cho đến khi phim kết thúc. Vì vậy Wes Anderson được xem là bậc thầy trong tạo dựng hình ảnh nghệ thuật với nhiều tác phẩm ấn tượng: “The Royal Tenenbaums”, “The Darjeeling Limited”, “Fantastic Mr. Fox”, “Rushmore”, “Moonrise Kingdom”. l

BẢO LAM (Tổng hợp từ Variety, Telegraph)

Chia sẻ bài viết