18/11/2017 - 15:47

Vượt khó, dạy giỏi 

Hoàn cảnh gia đình khó khăn hay phải xa nhà, xa quê để dạy học cũng không làm giảm đi nhiệt huyết và tình yêu nghề của các giáo viên. Vượt qua tất cả, các thầy, cô là những giáo viên dạy giỏi được học trò, đồng nghiệp quý mến. Đó là thầy Võ Duy Khanh và cô Nguyễn Thị Phương Thúy, giáo viên ở phường Trường Lạc, quận Ô Môn.

Năng động, sáng tạo

Chúng tôi đến Trường THCS Ngô Quyền và xin phép dự giờ tiết vật lý của lớp 9A1, do thầy Võ Duy Khanh giảng dạy. Tiết học sôi nổi, hấp dẫn bởi sự tương tác, trao đổi liên tục giữa thầy- trò.

Thầy Võ Duy Khanh giảng bài cho học sinh. Ảnh: LỆ THU

Hôm đó là bài tổng kết chương, ôn về “Điện học”. Học sinh tích cực, chủ động giải bài tập, phát biểu trả lời câu hỏi của thầy. Thầy giáo ngoài hướng dẫn sửa bài, ôn lại kiến thức trong sách còn liên hệ thực tế về thực hành tiết kiệm điện trong cuộc sống, cách chế tạo những thiết bị điện đơn giản… Đặc biệt, lớp chia thành các nhóm và mỗi nhóm đều có một bảng chủ đề làm bằng bìa cứng, trang trí theo sở thích của nhóm. Trên mặt bảng dán giấy kiếng trong suốt để có thể viết bằng bút lông và dễ dàng lau sạch. Các học sinh dùng bảng để giải bài tập hoặc viết kết quả thảo luận, dán lên bảng đen để thầy nhận xét, sửa bài. Khi không sử dụng thì cuộn lại để vào góc lớp, rất tiện dụng. Đây là một sáng kiến do thầy Khanh hướng dẫn học sinh thực hiện.

Thầy Khanh chia sẻ: “Muốn học trò chăm học, mình phải tạo hứng thú cho các em. Tôi thường làm những thí nghiệm đơn giản mà vui, gây sự tò mò, khơi dậy tâm lý muốn khám phá của học sinh, từ đó dẫn dắt các em vào bài học. Từ lý thuyết trên sách, tôi mở rộng đến những ứng dụng thực tế trong đời sống. Ngoài ra, phải đặt các em làm trung tâm để trao đổi, gợi mở thảo luận, giúp các em nắm bắt kiến thức nhanh và chủ động hơn trong tiết học”. Đối với những học sinh cá biệt, thầy Khanh chú ý tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, sở thích, tâm lý của các em để có hướng giảng dạy phù hợp, giúp các em tự tin hơn trong học tập.

Trong 5 năm gắn bó với trường, thầy Võ Duy Khanh lần lượt đảm nhiệm các vai trò: Bí thư Đoàn trường, chi ủy viên của chi bộ trường, thành viên Ban Chấp hành công đoàn. Là một trong những giáo viên trẻ của trường, thầy Khanh không ngừng học hỏi kinh nghiệm, trau dồi chuyên môn. Cô Nguyễn Thị Kim Châu, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Quyền, cho biết: “Thầy Khanh nhiệt tình, tích cực tham gia nhiều hoạt động, phong trào, từ giảng dạy đến ngoại khóa và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Thầy còn là một trong những giáo viên dạy giỏi, đảm nhiệm bồi dưỡng học sinh giỏi môn vật lý của trường và của quận”. Nhiều học sinh giỏi dưới sự dẫn dắt của thầy Khanh đã đạt thành tích cao trong các kỳ thi cấp quận, thành phố. Điển hình là năm học 2016-2017, trường có một học sinh đạt giải Nhất cấp quận, giải Nhì cấp thành phố; 2 em đạt giải Ba, giải Khuyến khích hội thi Olympic vật lý cấp thành phố và được chọn vào đội tuyển thành phố thi cấp quốc gia. Thầy Khanh còn có nhiều sáng kiến trong chuyên môn và có 4 sáng kiến kinh nghiệm dự thi đạt cấp quận.        

Mến trẻ, yêu nghề

Sau giờ ngủ trưa, các bé ở lớp nhà trẻ Trường Mầm non Trường Lạc do cô Nguyễn Thị Phương Thúy phụ trách được rửa mặt, vệ sinh và chuẩn bị ăn xế. Nhìn cô Thúy và những cô giáo khác chăm lo từng chút một cho các bé mới nể phục sự kiên nhẫn và chu đáo của cô giáo mầm non.  

Cô Nguyễn Thị Phương Thúy chăm lo cho các bé trong giờ ăn. Ảnh: LỆ THU

13 năm gắn bó với nghề là từng ấy năm cô Thúy góp phần ươm những mầm non lớn lên, hiểu biết và uốn nắn các bé vào nề nếp, là nền tảng để các bé vững bước vào lớp 1, bắt đầu học chữ. Cô Thúy chia sẻ: “Với lớp nhà trẻ, giáo viên chủ yếu phát triển ngôn ngữ cho các bé và dạy bé cách tự ăn, tự làm một số việc. Các lớp Mầm, Chồi, Lá thì việc giảng dạy được mở rộng ra nhiều mặt về kiến thức, đạo đức, lễ phép. Mỗi lớp đều có những vất vả, khó khăn riêng nhưng chỉ cần yêu nghề, mến trẻ, xem các bé như con của mình thì giáo viên sẽ có động lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Cô Nguyễn Thị Phương Thúy là giáo viên giỏi, đạt nhiều thành tích cao của trường, quận nhiều năm liền. Từ năm 2010 đến nay, năm nào cô cũng có sáng kiến kinh nghiệm dạy học đạt cấp quận. Trong đó, nổi bật là một số biện pháp phát triển ngôn ngữ cho trẻ (dành cho nhóm nhà trẻ, lớp Mầm) đã được ứng dụng hiệu quả. Theo cô Thúy, giáo viên cần thường xuyên trò chuyện, trao đổi, gợi ý với trẻ để trẻ nói nhiều hơn; từng bước giúp trẻ hoàn thiện khả năng nói và tư duy qua việc kể chuyện, xem tranh ảnh, các trò chơi… Gần gũi, yêu trẻ như con, cô Thúy được nhiều học trò quyến luyến, quấn quýt không rời, thậm chí có những bé còn gọi cô bằng mẹ, như câu hát “Khi đến trường, cô giáo như mẹ hiền”.

3 năm trước, chồng cô Thúy chẳng may qua đời vì tai nạn giao thông. Với sự động viên, giúp đỡ của người thân, họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp và nỗ lực của bản thân, cô Thúy đã từng bước khắc phục những khó khăn, thu xếp việc gia đình, con cái để tiếp tục gắn bó với nghề.

LỆ THU

Chia sẻ bài viết