25/03/2018 - 10:07

Vườn ươm những tác phẩm điện ảnh 

Việc tìm kiếm các nhà đầu tư hay các dự án khả thi, những nhà làm phim trẻ có tài; vốn là vấn đề nan giải trong ngành điện ảnh. Sự ra đời của các chợ phim, xưởng phim, đã đưa các bên gặp gỡ và hiện thực hóa các dự án; là một trong những yếu tố quan trọng trong hợp tác phát triển điện ảnh của các quốc gia.

Chợ phim, xưởng phim quốc tế

Tại châu Âu, mô hình chợ phim, xưởng phim khá phát triển. Trong khuôn khổ Liên hoan phim (LHP) Cannes, hai sự kiện L’Atelier (xưởng phim) và Marche du Film (chợ phim) thu hút rất nhiều người tham quan và tìm cơ hội. L’Atelier giúp các nhà làm phim trẻ tìm kiếm những nhà đầu tư quốc tế; còn Marche du Film quan trọng hơn vì kết nối giữa nhà sản xuất và nhà đầu tư, rất nhiều dự án phim đã được hiện thực hóa từ sự kiện này.

Hội chợ phim châu Âu 2018.

Marche du Film là mô hình chợ phim đầu tiên của quốc tế (lần đầu ra mắt năm 1959), đến nay vẫn được xem là chợ phim có quy mô và sức ảnh hưởng lớn nhất. Năm 2017, Marche du Film có khoảng 12.360 người tham dự, trong đó có khoảng 1.756 người mua, trên 5.400 công ty tham gia. Những năm gần đây, Trung Quốc và Nhật Bản có số người tham dự Marche du Film tăng nhiều nhất. Tại Marche du Film 2017, đã có hơn 3.800 dự án phim lớn nhỏ, trong đó có khoảng 1.500 phim gây chú ý, 34 dự án tìm được cơ hội hợp tác. Năm nay, LHP Cannes sẽ diễn ra từ ngày 8 đến 19-5, Marche du Film sẽ diễn ra từ ngày 8 đến ngày 17-5, trong khi L’Atelier sẽ bắt đầu từ ngày 10 đến 16-5. L’Atelier đã lựa chọn 15 dự án của 15 đạo diễn trẻ đến từ Đức, Pháp, Trung Quốc, Philippines, Israel, Mexico, Haiti, Nam Phi, Nepal, Thái Lan… Lần này, Việt Nam cũng có một đại diện là đạo diễn Bùi Thạc Chuyên với dự án “Gloriouns Ashes”. Kể từ khi thành lập vào năm 2005, L’Atelier đã thu hút khoảng 202 dự án, trong đó đã có 145 dự án thành phim và 28 dự án đang trong giai đoạn tiền kỳ.

La Fabrique Cinéma là xưởng phim trực thuộc Viện phim Pháp, cũng là nơi tạo cơ hội cho những nhà làm phim trẻ, sáng tạo. Hoạt động từ năm 2008, La Fabrique Cinéma đã góp phần hỗ trợ cho hơn 148 đơn vị sản xuất đến từ 56 quốc gia, trong đó có 81 dự án đã thực hiện, giúp 13 nhà làm phim nhận được World Cinema Aid. Nhiều tác phẩm từ La Fabrique Cinéma đã đến được với người yêu điện ảnh, trong đó phải kể đến tác phẩm “Beauty and the Dogs” của Kaouther Ben Hania, có mặt tại Un Certain Regard trong LHP Cannes 2017, vừa ra rạp tại Mỹ vào ngày 23-3-2018. Năm nay, nhân kỷ niệm 10 thành lập, La Fabrique Cinéma đã trao cơ hội hỗ trợ cho 10 dự án đến từ Nam Phi, Ai Cập, Kenya, Li Băng, Malaysia, Đài Loan, Myanmar, Peru, Brazil.

Một hoạt động nổi tiếng khác là Hội chợ phim châu Âu (European Film Market - EFM) trong khuôn khổ LHP Berlin, thường được tổ chức vào tháng 2 hàng năm. Qua 30 năm phát triển, EFM đã trở thành sự kiện không thể thiếu trong cộng đồng điện ảnh. Dieter Kosslick - Nhà sáng lập EFM, nói: “EFM giờ không chỉ là chợ phim của châu Âu mà là của quốc tế”. Năm 2017, EFM có hơn 9.550 người đến tham quan, gần 400 hãng phim với khoảng 730 tác phẩm được mang đến. David Garret - Giám đốc điều hành hãng Mister Smith, nói: “EFM là một trong ba chợ phim hàng đầu quốc tế”. EFM 2018 vừa khép lại vào tháng 2, thu hút hơn 543 đơn vị  đến từ 110 quốc gia với 784 phim. Tại đây, Goldfinch Studios đã giới thiệu dự án “Waiting for Anya” và tìm được nhà đầu tư Bad Penny Productions, dự kiến dự án sẽ khởi quay cuối năm nay tại Pháp.

FILMART - chợ phim nổi tiếng của Châu Á

FILMART (Hong Kong International Film and TV Market) được xem là chợ phim lớn nhất tại châu Á. Hơn 20 năm qua, dưới sự quản lý của Cục Xúc tiến thương mại Hong Kong (Hong Kong Trade Development Council - HKTDC), FILMART đã trở thành sự kiện không thể bỏ qua  trong ngành điện ảnh, khi thu hút hàng trăm công ty, đơn vị sản xuất đến từ Mỹ, Nhật, Malaysia, Pháp, Đức, Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc… Tính đến năm 2017, cơ sở dữ liệu FILMART có đến hơn 2.500 dự án.

FILMART 2018.

FILMART 2018 vừa diễn ra từ ngày 19 đến 22-3, thu hút hơn 8.700 người mua, tăng 9% so với năm 2017. Khoảng 300 tác phẩm của hơn 40 quốc gia được triển lãm, bày bán và kêu gọi đầu tư. Chợ phim lần này thu hút nhiều đơn vị đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Bắc Mỹ. Tại FILMART lần này, “Chanakya” của Silly Monks Entertainment và GTN Entertainment (Ấn Độ) đã bán được với 500.000 USD, khi ký kết với các nhà đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Đài Loan, Indonesia. Trong khi đó, TVP Polish Public Television (Ba Lan) bán được hơn 16 phim và 3 sê-ri truyền hình, còn “Happiness Road” của Đài Loan  thu hút nhiều người mua đến từ châu Âu, như Pháp, Tây Ban Nha. Ngoài ra, nhiều sự hợp tác cũng được mở ra tại FILMART 2018, chẳng hạn giữa Hàn Quốc và Hong Kong, Mỹ với các nước Ả Rập, Hàn Quốc cũng bày tỏ mong muốn có cơ hội với Việt Nam, Malaysia, Indonesia. “Train to Busan” là tác phẩm của Hàn được chú ý nhiều nhất tại FILMART lần này, khi nhiều quốc gia muốn mua bản quyền làm lại. Next Entertainment World - đơn vị sản xuất “Train to Busan” đã ký kết với Vividthree Productions của Singapore để chuyển bom tấn kinh dị này thành game trực tuyến, song song đó cũng ký kết với French studio Gaumont của Pháp để làm lại “Train to Busan”.

Các xưởng phim, chợ phim ngày càng thu hút và mở rộng, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển ngành công nghiệp điện ảnh ở các quốc gia.

BẢO LAM
(Tổng hợp từ Variety, acnnewswire, cannes)

Chia sẻ bài viết