29/09/2009 - 20:46

Vươn lên từ hai bàn tay trắng!

Cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất, Phạm Quốc Việt (30 tuổi, ở ấp Đông Hòa A, xã Thới Tân, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Anh là một trong những thanh niên điển hình trong phong trào lập thân, lập nghiệp ở địa phương...

Chúng tôi gặp anh Quốc Việt vào một buổi chiều cuối ngày. Anh phân bua: “Dạo này, nông dân trên địa bàn đang thu hoạch rộ lúa vụ 3 (vụ thu - đông). Từ sáng sớm đến chiều tối, tôi thường ở ngoài đồng đi cộ lúa mướn cho bà con trong xóm. Tuy công việc vất vả, nhưng đã giúp gia đình tôi tăng thu nhập, thoát khỏi cái đói nghèo”. Xuất thân từ nhà nông, Quốc Việt thấy được bức xúc của nông dân về tình trạng khan hiếm lao động, khi bước vào mùa thu hoạch rộ. Đầu năm 2009, anh bàn bạc với gia đình và quyết định sử dụng khoản tiền tích góp được trong nhiều năm, mua một con trâu, giá 28 triệu đồng, để kéo lúa mướn, phục vụ cho việc sản xuất của bà con. Quốc Việt cho biết: “Trung bình mỗi ngày, tôi gom và kéo lúa được 12 công ruộng, cao gấp 3-4 lần so với khối lượng công việc mà một lao động tay chân làm được trong ngày. Hai vụ mùa vừa qua, tôi thu nhập được khoảng 20 triệu đồng. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình không còn túng thiếu như trước...”.

Phạm Quốc Việt thoát nghèo  nhờ mô hình nuôi cá lóc trong vèo.

Năm 1998, Quốc Việt hăng hái tình nguyện lên đường bảo vệ Tổ quốc. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, anh trở về địa phương phụ giúp gia đình làm ruộng. Một năm sau, Quốc Việt cưới vợ. Hiện nay, vợ chồng anh có 2 đứa con. Nhờ cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất, anh chị đã tích góp mua được 4 công đất ruộng. Nhớ lại buổi đầu lập nghiệp, Quốc Việt cho biết: “Ban đầu, tôi mua khoảng 4.000 con cá lóc giống đầu vuông ở Châu Đốc, tỉnh An Giang, về nuôi. Cách nuôi thì khá đơn giản, mua lưới về may mùng, cặm 4 trụ ở 4 góc, căng ra theo bề ngang con mương. Phía trên có may nắp đậy, có lỗ trống để thức ăn vào mỗi ngày”. Thức ăn cho cá lóc là những loại cá tạp, cua, ốc, tấm gạo nấu nhừ. Khi con cá lóc còn nhỏ, mồi thức ăn được xay tới lui nhiều lần, thật tơi nhuyễn, sau đó, trộn với bột giòn, để khối thức ăn này không tan rã trong không nước. Khi cá lớn, có thể pha chế được nhiều phụ phẩm thay thế làm thức ăn cho cá. Tập cho cá ăn đúng giờ để dễ kiểm tra, phát hiện mọi biến đổi của cá để kịp thời phòng trị bệnh. Về cho ăn, nên cho cá ăn ngày 2 lần: sáng từ 7-8 giờ, chiều từ 4-5 giờ. Khâu chăm sóc rất quan trọng, nếu cho cá ăn đúng tiêu chuẩn thì đàn cá sẽ nhanh lớn. Còn nếu thừa hoặc thiếu thức ăn thì sẽ ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng. Khi đó, cá dễ bị bệnh như ghẻ lở hay đỏ họng... làm giảm năng suất. Sau nhiều năm nuôi cá lóc trong vèo, Quốc Việt đúc kết kinh nghiệm: “Để thức ăn vào vèo cho cá ăn từ từ. Đến lúc nào, cá ngơi ăn thì ngưng, chứ không nên đổ thức ăn dồn dập, một lần sẽ dễ dẫn đến tình trạng thừa hoặc thiếu ăn”. Theo tính toán của Quốc Việt, sau khi trừ đi các chi phí, gia đình anh thu nhập được khoảng 30 triệu đồng mỗi năm.

Không dừng lại đó, Quốc Việt mày mò, học hỏi kinh nghiệm trong việc ươm cá giống. Nói về cách ươm, Quốc Việt cho biết: “Lựa một con có cái rốn thưa và một con có rốn dày, bỏ chúng ở bên ngoài vèo. Trước đó, phải tát, vét mương, không còn con cá tạp nào khác. Sau đó, thay nước mới, rồi mới thả cặp cá giống xuống. Muốn cho cá đẻ chỗ nào thì lấy cây cắm xuống mương, rồi thả lục bình để làm ổ cho chúng. Khoảng 2 tuần lễ sau, thì cá sẽ đẻ trứng, nở thành khói đèn, rồi thành lòng ròng. Đến khi cá thành lòng ròng, vớt chúng cho vào vèo, ở giai đoạn này, thức ăn của chúng chủ yếu là trứng nước hoặc quay mồi cá thật nhuyễn (dạng thành bột), rồi cho chúng ăn...”.

Ông Lâm Văn Tiến, Bí thư Chi bộ ấp Đông Hòa A, cho biết: “Mô hình nuôi cá lóc trong vèo của đoàn viên Phạm Quốc Việt mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Vốn rất năng động, Quốc Việt tích cực trong lao động, sản xuất phát triển kinh tế gia đình. Điều đáng quý ở Quốc Việt là tận tình hướng dẫn kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm và sẵn lòng giúp nhiều thanh niên địa phương cùng nhau phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống”.

Mong muốn của Quốc Việt là được tiếp cận các nguồn vốn vay của ngân hàng dành cho lực lượng đoàn viên thanh niên để anh mua thêm 2 con nghé, để mở rộng sản xuất, tăng thu nhập cho gia đình. Mô hình nuôi cá lóc trong vèo của Quốc Việt tuy không mới, nhưng đã và đang có hiệu quả, góp phần đưa phong trào lập nghiệp, lập thân trong lực lượng đoàn viên thanh niên ở địa phương ngày càng phát triển...

Bài, ảnh: NGUYÊN BỬU

Chia sẻ bài viết