13/12/2011 - 21:20

Vươn lên từ gian khó

Từ hai bàn tay trắng nhưng giàu nghị lực, không cam chịu số phận, ông Nguyễn Ngọc Lộc (Hai Lộc), 55 tuổi, ở khu vực Thới Bình, phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt đã vươn lên thoát nghèo, với thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Không chỉ nhạy bén, năng động và sản xuất giỏi, ông Lộc còn được chòm xóm quý mến bởi lối sống mẫu mực, nhiệt tình hỗ trợ kỹ thuật canh tác cho nhiều người và tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương…

Ông Hai Lộc đang chăm sóc vườn rau. 

Đến khu vực Thới Bình, hỏi thăm nhà ông Hai Lộc, một thanh niên đang sửa mái hiên sốt sắng chỉ đường và nói với vẻ khâm phục: “Ông ấy vừa đến hướng dẫn tôi trị bệnh vườn rau. Giờ này muốn tìm ổng, anh phải lội ra đồng, may ra mới gặp được”. Quả vậy, sau khi về nhà, ăn vội chén cơm, ông Hai Lộc lại ra đồng chăm sóc vườn rau sạch rộng khoảng 7.000m2 được ông lên liếp thẳng tắp, từ xa chỉ thấy màu xanh ngút mắt. Gặp chúng tôi, chưa kịp lau giọt mồ hôi đọng trên gương mặt sạm nắng, ông Hai Lộc vui mừng khoe: “Năm nay lũ về dữ quá làm tụi tôi hú vía vì lo vỡ đê bao. Nhờ lực lượng phòng chống lụt bão địa phương túc trực ngày đêm nên không xảy ra sự cố đáng tiếc. Giờ rau màu nhà tôi tươi tốt, xanh um, hứa hẹn vụ mùa bội thu. Vụ này, trừ chi phí, tôi cầm chắc bỏ túi vài chục triệu đồng. Thu hoạch xong, tôi phải kịp thời xuống giống vụ rau mới, để kịp bán dịp Tết này”.

Sinh ra trong gia đình có đến 10 anh em, thiếu đất sản xuất, là con trai đầu lòng, ngay từ nhỏ, ông Hai Lộc không được đến trường mà phải sớm hôm lặn lội giăng câu, thả lưới, làm thuê kiếm tiền phụ giúp gia đình. Tính tình hiền lành, chí thú làm ăn nên đã chiếm được cảm tình của cô gái xóm bên Trần Thị Thu Hằng. Hai người nên vợ chồng, che căn chòi nhỏ, tiếp tục nghề làm thuê. Cuối năm 1990, phong trào nuôi vịt chạy đồng nở rộ ở quê ông, trở thành nghề dễ làm giàu của nhiều nông dân. Sau bao năm làm thuê, vợ chồng ông Hai Lộc tích lũy được một số vốn mua vịt về nuôi. Vài lứa đầu, kiếm lời kha khá, vợ chồng ông mừng thầm vì việc mưu sinh suôn sẻ. Thế nhưng dịch cúm gia cầm hoành hành, vợ chồng ông không chỉ trắng tay mà còn nợ nần chồng chất. “Chưa đầy 1 tuần, đàn vịt gần 2 ngàn con sắp xuất chuồng chết trắng đồng”- giọng xót xa, ông Hai Lộc kể. Từ đó, ông Hai Lộc đành bỏ nghề nuôi vịt, khăn gói đến tỉnh An Giang lập nghiệp. Sau vài năm làm ăn không hiệu quả, vợ chồng ông lại dắt 4 người con về quê. Lúc đầu, ngoài việc làm thuê, vợ chồng ông Hai Lộc còn mướn đất làm ruộng, lấy công làm lời. Qua mấy mùa lúa, vợ chồng ông Hai Lộc trồng khoai lang luân canh. Nhờ chịu khó, chí thú làm ăn, chi xài căn bản, tích thiểu thành đa, đến nay ngoài số đất cho con ra riêng, vợ chồng ông Hai Lộc còn được 7 công ruộng, hằng năm, thu nhập từ lúa, hoa màu gần 120 triệu đồng.

Xóm Vườn Tre, nơi ông Hai Lộc sinh sống, có truyền thống trồng rau, giúp người dân địa phương kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình. Vì thế, ông Hai Lộc dành hơn 5 công đất để trồng rau diếp cá, rau cần, rau thơm,... Nhờ kiên trì tìm tòi, học hỏi kỹ thuật qua sách báo kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn, diện tích canh tác hoa màu của ông Hai Lộc luôn đạt năng suất, chất lượng cao, mang lại thu nhập trung bình mỗi năm cả trăm triệu đồng. Ông Hai Lộc chia sẻ: “Để đạt năng suất cao, theo tôi không nên liên tiếp trồng 1 loại rau trên cùng diện tích đất mà cần luân canh một số loại rau, đồng thời phải dừng canh tác trong thời gian nhất định, tận dụng lợi thế lũ về tạo độ phì nhiêu cho đất. Để bảo đảm rau an toàn, tôi chỉ dùng chế phẩm sinh học, phun xịt thuốc bảo vệ thực vật đúng liều lượng, cách khoảng thời gian hợp lý, nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng”.

Không chỉ có ý chí thoát nghèo, vươn lên làm giàu chân chính mà ông Hai Lộc còn được láng giềng quý mến bởi luôn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, tích cực tham gia công tác xã hội. Anh Võ Văn Tuấn, ở khu vực Thới Bình, phường Thới Thuận (Thốt Nốt) thường được ông Hai Lộc chỉ dẫn kinh nghiệm trồng rau sạch, cho biết: “Do mới chập chững vào nghề, tôi rất lúng túng khi thấy dịch bệnh trên rau mà không biết phải diệt trừ như thế nào cho đúng cách. May mà có chú Hai Lộc tận tình giúp đỡ kỹ thuật, tôi tích lũy dần kinh nghiệm. Nhờ vậy, tôi sản xuất đạt hiệu quả cao”. Tiếp chúng tôi trong căn nhà cột gỗ, mái tôn vừa mới cất, vợ chồng ông Năm Thiện, cùng ở khu vực Thới Bình không giấu được niềm vui. Căn nhà cũ của vợ chồng ông đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng mấy năm nay không có khả năng sửa chữa. Thương ông Năm Thiện tuổi già, neo đơn, ông Hai Lộc cùng một số thân hữu mua vật liệu cất nhà mới tặng vợ chồng ông. Ông Thiện cảm động nói: “Không có Hai Lộc giúp đỡ, chắc giờ này vợ chồng tôi vẫn còn vất vả trong căn nhà trống trước hở sau”. Còn theo ông Hai Lộc: “Từng trải qua nghèo khổ, hơn ai hết tôi thấm thía cuộc sống thiếu thốn và khát vọng vươn lên làm giàu. Do vậy, tôi tâm niệm sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm để giúp đỡ các hộ tăng thu nhập, hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn,..”.

Ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch Hội Nông dân phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, nhận xét: “Ông Hai Lộc không chỉ sản xuất giỏi mà còn là người khơi dậy phong trào sản xuất rau sạch ở khu vực Thới Bình. Ngoài việc nhiệt tình hỗ trợ kinh nghiệm, giống sản xuất, ông Hai Lộc còn tích cực tham gia công tác xã hội như vận động người dân làm đường giao thông, xây dựng và sửa chữa nhà tình thương cho người nghèo, khó khăn về nhà ở. Ông là gương sáng về tinh thần vượt khó, phấn đấu vươn lên làm giàu chính đáng”.

Bài, ảnh: VÂN LÂM

Chia sẻ bài viết