10/02/2010 - 20:30

Vườn lan bạc tỉ ở xứ dừa

Ông Trần Minh Tuấn bên chậu cát lan 6 năm tuổi hiện có giá khoảng 3 triệu đồng.

Thật không quá lời khi gọi nghệ nhân Trần Minh Tuấn, chủ Vườn lan Kim Tuấn ở 133/D1 đường Đoàn Hoàng Minh, phường 6, TP Bến Tre là người tạo ra những bông hoa lan “vua”. Bởi ông đã trồng được những chậu lan có giá trị hàng triệu đồng, rất hiếm gặp trên thị trường. Nhờ vậy, nghệ nhân Minh Tuấn đã khẳng định được tài năng tại các hội thi hoa lan khi ông sở hữu gần 30 tấm huy chương và bằng khen các loại…

* VƯỜN LAN BẠC TỈ

Vườn lan Kim Tuấn là một trong những vườn lan được đánh giá có giá trị bạc tỉ ở xứ Dừa. Nơi đây không chỉ là địa chỉ nổi tiếng cung cấp những giò phong lan hoa to, đẹp, mà còn nổi tiếng bởi có một ông chủ hiếu khách, nhiệt tình trao đổi, hướng dẫn những người yêu hoa lan về các kỹ thuật trồng và chăm sóc cây. Đến Vườn lan Kim Tuấn lần đầu, nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi thấy hàng ngàn giò lan lớn, nhỏ thuộc nhiều chủng loại như đen-rô, hồ điệp, cát lan, van-đa, vũ nữ... thân lá xanh tươi, căng bóng được bố trí khéo léo, đẹp mắt trong khuôn viên chỉ vài trăm mét vuông. Bên cạnh các giò lan và chậu lan bằng gỗ, sành, nhựa truyền thống, chủ vườn còn “sáng chế” trồng lan trong các gáo dừa, vỏ ốc biển, trông rất lạ mắt. Lan ra hoa với những cành hoa đẹp, lớn, màu sắc rực rỡ. Đặc biệt, các chậu hồ điệp và cát lan với bông hoa to sặc sỡ, các chậu ngọc điểm tỏa ngát hương thơm...

Hằng ngày có rất nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh đến tận Vườn lan Kim Tuấn để tìm mua những giò lan đẹp, trao đổi kinh nghiệm về cách trồng lan... Chính vì thế, ngoài số lượng được nhân giống tại vườn, ông Tuấn còn phải nhập thêm lan giống từ Thái Lan và Đài Loan mới đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng. Theo ông Trần Minh Tuấn – chủ vườn lan Kim Tuấn, nhờ bán hoa lan và cây giống, gia đình ông có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Năm 2009, Vườn lan Kim Tuấn đã cung cấp cho thị trường khoảng 3.000 giò lan. Trong năm 2010, ông Tuấn dự kiến sẽ nâng số lượng lan cung cấp cho thị trường lên khoảng 4.000 giò... Ông Tuấn tiết lộ: “Chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Canh Dần 2010, tôi đã chuẩn bị 100 giò lan đẹp nhất để tham dự các hội thi và hội hoa xuân tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận như Vĩnh Long, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu... và 100 giò lan đẹp khác dành cho hội hoa xuân tỉnh nhà (Bến Tre). Sau các hội thi và hội hoa xuân, tôi chia sẻ các giò lan này nếu khách hàng có niềm đam mê, có nhu cầu thưởng thức”.

* BẮT NGUỒN TỪ SỰ ĐAM MÊ

Theo nghệ nhân Minh Tuấn, ngày xưa, hoa lan được xem là “Vương giả chi hoa”. Bởi chỉ có những người giàu sang, quyền quý mới có khả năng trồng hoa lan và xem đây là thú chơi tao nhã. Vì thế, như ông kể, trước đây, dù rất thích trồng lan nhưng ông gặp nhiều khó khăn do khả năng tài chính có hạn và đặc biệt là không rành về kỹ thuật. Tuy nhiên, với niềm đam mê của mình, ông Tuấn luôn tranh thủ học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng lan từ các bậc tiền bối và không ngừng nghiên cứu, tìm hiểu thêm qua sách vở, bè bạn. Đặc biệt, mỗi khi nghe ở nơi nào có hội thảo, tập huấn về hoa lan ông đều tìm cách đến tham dự. Ông Tuấn nhớ lại: “Tôi bắt đầu trồng lan từ năm 1977 nhưng chỉ trồng giống lan đen - rô và một số loại lan rẻ tiền và chủ yếu trồng trong chậu nhỏ. Dần dần bổ sung và phát triển nghề trồng lan thành nguồn thu nhập chính cho gia đình khoảng 12 năm nay”...

Ai yêu thích hoa lan, có nhu cầu trồng lan đều được nghệ nhân Minh Tuấn nhiệt tình hướng dẫn. Sự nhiệt tình của ông xuất phát từ sự đồng cảm giữa những người yêu hoa lan, loài hoa được mệnh danh là “vua” của các loài hoa. Ông Trần Minh Tuấn tâm sự: “Trước đây, tôi trồng hoa lan không nghĩ là để kinh doanh, mua bán hay để làm giàu. Tôi trồng lan bởi sự đam mê, niềm yêu thích cái đẹp, sự tinh khiết, thanh tao của hoa lan”. Vì thế, mỗi khi chia sẻ kinh nghiệm của mình, ông Tuấn đều nhấn mạnh: Người chơi lan phải có niềm đam mê thật sự. Ngoài ra, ai yêu thích và muốn trồng lan cũng cần biết rằng, vật liệu trồng chỉ là giá thể cho cây lan bám vào, lan không ăn vật liệu trồng, chỉ hút sương, ăn chất phân, nước bổ sung. Vì thế, phải cung cấp cho lan một lượng nước và dinh dưỡng nhất định theo đúng nhu cầu của từng giống cây. Bên cạnh đó, khu vực trồng lan cần phải có môi trường thông thoáng, có nắng và gió. Mỗi loại lan cần một mức độ nắng gió khác nhau nên phải dùng lưới che chắn để giảm lượng nắng gió. Ông Trần Minh Tuấn cho rằng: “Môi trường thông thoáng quyết định đến 80% sự phát triển tốt của cây lan, còn phân nước quyết định khoảng 20%. Tuy nhiên, loại nước dùng để tưới cho lan phải là nước ngọt, sạch, không được sử dụng nước bẩn, nước bị nhiễm phèn mặn... để tưới cho lan”.

***

Với sự thành công của mình, từ năm 2003 đến nay, nghệ nhân Minh Tuấn được chính quyền địa phương trong tỉnh Bến Tre mời làm giảng viên về nghề trồng lan cho nông dân trong tỉnh. Không chỉ thế, ông còn được Trường cao đẳng Nông nghiệp Nam bộ, tỉnh Tiền Giang mời hướng dẫn cách trồng lan cho sinh viên của trường. Mỗi lần “đứng lớp” mới, ông đều bắt đầu bằng lời động viên: “... Đừng lo khi chưa rành về kỹ thuật, từ từ rồi cũng sẽ biết, quan trọng là mình phải có sự đam mê”.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết