25/02/2018 - 17:27

Vững vàng y tế tuyến đầu
Bài 2: Vẫn còn nhiều bất cập 

Bác sĩ CKII Bùi Thị Lệ Phi, Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ cho biết, những năm qua, mạng lưới y tế cơ sở phát huy năng lực, thu được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân và các chương trình y tế tại cộng đồng đòi hỏi hệ thống y tế tuyến đầu phải hoàn thiện, nâng chất hơn nữa.

Chưa đáp ứng đầy đủ quyền lợi của người bệnh

Bác sĩ Bùi Thị Lệ Phi cho biết, 5 năm liền thành phố không có dịch bệnh lớn xảy ra, tiêm chủng đạt miễn dịch cơ bản, ngộ độc thực phẩm giảm, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi năm 2016 ở mức dưới 10,6%. Phụ nữ mang thai được chăm sóc sức khỏe sinh sản, các chỉ tiêu về dân số/KHHGĐ hằng năm đều đạt. Hoạt động khám, chữa bệnh phát triển mạnh mẽ, từng bước tạo được uy tín với người bệnh. Tuy nhiên, nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân, hệ thống y tế tuyến đầu cần phải được nâng chất hơn nữa.

Cán bộ y tế xã Trường Long, huyện Phong Điền tuyên truyền các kiến thức chăm sóc sức khỏe đến tận hộ gia đình.

Cán bộ y tế xã Trường Long, huyện Phong Điền tuyên truyền các kiến thức chăm sóc sức khỏe đến tận hộ gia đình.

Một trong những bài toán khó của trạm y tế là thu hút và giữ chân người bệnh. Việc đi lại thuận tiện, thu nhập nâng cao, nhất là từ khi thông tuyến bảo hiểm y tế, người dân được quyền chọn đơn vị y tế tuyến trên để khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, những vướng mắc về quy định của bảo hiểm y tế hạn chế quyền lợi của người bệnh khi khám tại trạm y tế. Bác sĩ Nguyễn Hoàng Vũ, Trưởng Trạm y tế Phú Thứ, quận Cái Răng, băn khoăn: “Khi bà con đến trạm, họ cần được thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng; nếu không đáp ứng, bà con sẽ bỏ lên tuyến trên và phải chờ đợi, đi đứng tốn kém. Do những vướng mắc của quy định BHYT nên mặc dù trạm có máy móc nhưng các dịch vụ cận lâm sàng không được thanh toán bảo hiểm”.

Ngoài ra, một khó khăn khác của trạm y tế là hạn chế về số lượng và chủng loại thuốc. “Mình chẩn đoán ra bệnh nhưng không có thuốc điều trị, phải chuyển lên tuyến trên, trong khi người bệnh nghèo, không có điều kiện đi xa để trị bệnh”, bác sĩ CKI Nguyễn Thanh Lâm, Trưởng Trạm y tế Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh, tâm tư. Dược sĩ Lê Thị Ngọc Thúy, Trưởng trạm y tế Thạnh Mỹ, huyện Vĩnh Thạnh, chia sẻ, tình trạng thiếu thuốc kéo dài khiến nhiều người bệnh phàn nàn.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về vấn đề xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trung tuần tháng 1-2018, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nhận xét, hệ thống y tế cơ sở trong cả nước chưa được đầu tư hợp lý cả về cơ sở vật chất, nhân lực và chất lượng hoạt động. Theo Bộ trưởng, trong khi công tác tuyên truyền luôn chú trọng vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở trạm y tế nhưng chất lượng dịch vụ của trạm y tế hiện nay chưa thể thu hút người bệnh. Quy định về chi phí thuốc được bảo hiểm y tế thanh toán thấp, tình trạng thiếu thuốc, các thiết bị cận lâm sàng và cả cán bộ có trình độ chuyên môn sử dụng trang thiết bị ở trạm y tế là những vấn đề bất cập hiện nay.

Thiếu hụt nhân lực y tế

Hiện nay, trung bình mỗi trạm y tế có từ 7 - 8 cán bộ, đảm đương nhiều chương trình, phần việc. Theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Vũ, Trưởng Trạm y tế Phú Thứ, địa bàn phường Phú Thứ có trên 20.000 dân mà chỉ có 6 cán bộ thực hiện rất nhiều chương trình từ điều trị đến dự phòng. Người ít, việc nhiều nhưng thu nhập thấp. Hệ số lương của cán bộ y tế trình độ đại học chỉ tương đương các ngành nghề khác, dù thời gian học lâu hơn và tốn kém nhiều chi phí hơn. Hiện nay, các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế đều cắt giảm cả về dự án và kinh phí. Kinh phí chi cho hoạt động thường xuyên của trạm thì cố định, nhiều khi thiếu hụt, trong khi nguồn thu vào lại hạn chế. Không chỉ vậy, cán bộ y tế tuyến xã còn rất hạn chế điều kiện học nâng cao trình độ.

Có thể nói, vấn đề nhân lực rất cần thiết nhằm bảo đảm để các trạm y tế làm tốt nhiệm vụ dự phòng, phòng chống dịch bệnh và nhiệm vụ khám, chữa bệnh ngoại trú, quản lý các bệnh mạn tính, chăm sóc sức khỏe ban đầu. Các trạm y tế cũng cần bổ sung thêm để bảo đảm 100% trạm có bác sĩ cơ hữu. Nhiều trạm y tế đạt các tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về y tế cơ sở trong giai đoạn đầu đến nay công trình đã xuống cấp, trang thiết bị y tế cũ, hỏng cần phải tiếp tục được đầu tư, bổ sung.

Bác sĩ CKII Bùi Thị Lệ Phi, Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ thừa nhận, mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng hệ thống y tế nói chung và mạng lưới y tế cơ sở nói riêng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Một số đơn vị chưa bắt kịp nhu cầu của người dân trong chăm sóc sức khỏe. Chất lượng khám, chữa bệnh tại tuyến xã còn hạn chế, tỷ lệ chuyển tuyến còn cao. Sự liên kết, phối hợp giữa các cơ sở y tế các tuyến chưa liên tục và toàn diện, chưa lồng ghép và sử dụng, phát huy các trang thiết bị được đầu tư. Trong khi đó, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng cao, mô hình bệnh tật thay đổi với bệnh không lây nhiễm, tai nạn, thương tích ngày càng tăng, các dịch bệnh mới nổi diễn biến phức tạp, tình trạng già hóa dân số sẽ là thách thức đối với ngành y tế thời gian tới. Những thay đổi này đòi hỏi Đảng và Nhà nước cần tiếp tục quan tâm, ưu tiên đầu tư cho y tế cơ sở để công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được thực hiện một cách hiệu quả.

THU SƯƠNG

(Còn tiếp)

Bài cuối:  Đổi mới y tế cơ sở

Chia sẻ bài viết